menu
Kinh tế Trung Quốc đón tin tích cực trước thềm bầu cử Mỹ
Đỗ Duy Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế Trung Quốc đón tin tích cực trước thềm bầu cử Mỹ

Nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu ổn định sau khi Bắc Kinh tung ra gói kích thích táo bạo nhất kể từ đại dịch. Tuy vậy, cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ có thể tạo ra những bất định cho đà phục hồi này.

Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong ngày 31/10, hoạt động sản xuất đã bất ngờ mở rộng trong tháng 10, chấm dứt chuỗi 5 tháng co hẹp liên tiếp. Chỉ số PMI ngành sản xuất - "nhiệt kế" đo lường sức khỏe của lĩnh vực then chốt này - đạt 50.1 điểm, cao hơn dự báo 49.9 của các nhà kinh tế. Trong khi đó, PMI phi sản xuất cho thấy các hoạt động xây dựng và dịch vụ cũng đã mở rộng sau khi gần như đi ngang trong tháng trước.

Hoạt động sản xuất Trung Quốc mở rộng trở lại

Kinh tế Trung Quốc đón tin tích cực trước thềm bầu cử Mỹ

"Việc PMI vượt dự báo và có những dấu hiệu chuyển biến là điều tích cực, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn đang trong bóng tối của cuộc bầu cử Mỹ - yếu tố then chốt khó đoán đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc", Eddie Cheung, chiến lược gia thị trường mới nổi cấp cao tại Credit Agricole CIB nói.

Đằng sau sự phục hồi này là những nỗ lực quyết liệt của Bắc Kinh. Vào cuối tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói kích thích được đánh giá là "táo bạo nhất kể từ đại dịch", bao gồm việc cắt giảm mạnh lãi suất và loạt biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Điều đáng nói là đà tăng này diễn ra bất chấp việc tháng 10 có ít ngày làm việc hơn do kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần.

Chứng khoán Trung Quốc rung lắc mạnh sau thông tin trên, nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhẹ. Đồng Nhân dân tệ gần như đi ngang và lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giữ ổn định ở mức 2.16%.

"Đây là một khởi đầu tốt cho quý 4. Chúng tôi kỳ vọng PMI sẽ tiếp tục mở rộng trong hai tháng tới", Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group, chia sẻ.

Các nhà kinh tế hiện dự báo Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5% trong năm nay. Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, họ ước tính nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4.8%.

Con đường phía trước còn nhiều bất định, đặc biệt với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tuần tới có thể đưa Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Cựu Tổng thống Mỹ đã đe dọa áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, từ đó tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Xuất khẩu là điểm sáng hiếm hoi của Trung Quốc trong năm nay, với kim ngạch tính đến tháng 9 đạt mức cao thứ hai trong lịch sử, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Số liệu công bố vào ngày 31/10 cho thấy đơn hàng xuất khẩu mới của các công ty sản xuất vẫn yếu và tiếp tục co hẹp trong tháng này, dù tổng đơn hàng mới đã ổn định.

Các chuyên gia tại Bloomberg Economics nhận định: "Đây là một báo cáo đáng khích lệ. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn cần thêm hỗ trợ chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng 5%. Chúng tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục triển khai gói kích thích đã công bố từ cuối tháng 9, tập trung đảm bảo các biện pháp được thực thi và phát huy hiệu quả”.

Việc Trump tái đắc cử có thể buộc Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ nhu cầu nội địa cho năm tới. Các nhà lập pháp cấp cao dự kiến sẽ bỏ phiếu về gói tài khóa vào ngày 08/11 và có thể cung cấp manh mối về kế hoạch kích thích cho năm sau.

Weijian Shan, Chủ tịch điều hành của công ty quản lý tài sản PAG, chia sẻ Bloomberg Intelligence rằng căng thẳng thương mại với Mỹ có thể là động lực buộc Trung Quốc chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.

Hoạt động ngành dịch vụ được thúc đẩy nhờ du lịch và tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ, với chỉ số phụ quay trở lại phạm mở rộng sau khi co hẹp trong tháng 9.

"Nhìn về phía trước, chúng ta cần theo dõi liệu hiệu quả của việc triển khai gói kích thích. Liệu chúng có thúc đẩy nhu cầu nội địa để bù đắp bức tranh nhu cầu bên ngoài dường như vẫn đang suy yếu hay không", Lynn Song, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Bank nói.

Trong quý 3, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 6 quý. Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng, và nền kinh tế đối mặt với những thách thức dài hạn bao gồm căng thẳng thương mại gia tăng, áp lực giảm phát dai dẳng và dân số đang thu hẹp. Trong tháng 9, chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả