Kinh doanh thua lỗ triền miễn, vợ chồng Chủ tịch một doanh nghiệp cà phê muốn "tháo chạy"?
Ông Trịnh Đình Trường - Chủ tịch HĐQT CTCP Cà phê Gia Lai (UPCoM: FGL) và vợ là bà Lê Thị Thanh Tình đồng loạt đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu FGL đang nắm giữ. Tình hình kinh doanh FGL cũng không khả quan khi lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng trong quý 1/2024 và là quý thứ 9 liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn.
Với lý do thoái vốn, Chủ tịch Trịnh Đình Trường đăng ký bán toàn bộ 738,505 cp FGL đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 5.03%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 08-17/05/2024.
Cùng giai đoạn này, vợ ông Trường là bà Lê Thị Thanh Tình đã đăng ký bán toàn bộ 1 triệu cp FGL (tỷ lệ 6.81% vốn) từ ngày 13-17/05 với cùng lý do thoái vốn, theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, vợ chồng ông Trường sẽ giảm sở hữu tại FGL xuống 0% và không còn là cổ đông lớn tại đây.
Chiều ngược lại, FGL đón cổ đông lớn cá nhân là bà Nguyễn Thị Thu Vân trong ngày 08/04 sau khi vị này mua thỏa thuận 434,913 cp và nâng tỷ lệ sở hữu từ 3.7% lên 6.66% (tương ứng 977,531 cp). Giá trị thương vụ vào khoảng 4.35 tỷ đồng, tương đương bình quân 10,000 đồng/cp, thấp hơn 9% thị giá kết phiên 08/04 (11,000 đồng/cp).
Tại thời điểm 31/03/2024, cổ đông lớn FGL còn có CTCP Đầu tư Legend Highland nắm giữ 24.19% vốn. Theo sau là CTCP Năng lượng Nghĩa Hưng nắm 23.85%; ông Trịnh Quang Hưng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FGL nắm 19.44% và con ông Hưng là ông Trịnh Quang Vinh - Thành viên HĐQT nắm 10.48%.
Động thái muốn "dứt áo ra đi" của vợ chồng Chủ tịch Trịnh Đình Trường diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu FGL đã giảm 12% so với đầu năm, đang đứng yên mức 11,000 đồng/cp suốt hơn 1 tháng qua và gần như "trắng" thanh khoản, nhiều phiên không có giao dịch.
Đồng thời, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu FGL tiếp tục vào diện cảnh báo bắt đầu từ ngày 25/04/2024 do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Nổi bật trong đó là ý kiến nhấn mạnh của tổ chức kiểm toán về yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của FGL do thời điểm cuối năm 2023, Công ty đang lỗ lũy kế 87 tỷ đồng, nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn 12 tỷ đồng.
Khó khăn tiếp tục "đeo bám" với FGL khi lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng trong quý 1/2024 và nâng số lỗ lũy kế lên trên 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 9 liên tiếp, Công ty kinh doanh dưới giá vốn kể từ quý 4/2021.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của FGL dự kiến tổ chức trước ngày 30/04, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, HĐQT Công ty quyết định hoãn tổ chức kỳ họp để kiện toàn bộ máy nhân sự và chuẩn bị nội dung phục vụ Đại hội được tốt hơn.
Theo đó, HĐQT FGL thông qua việc gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 chậm nhất đến ngày 30/06. Đồng thời, hủy danh sách chốt cổ đông tham dự ngày 19/03/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận