menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Jennie

"Không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"

Chiều 24/1, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội thảo Thống nhất giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo hình thức trực tiếp, trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh.

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn

Tới dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL; ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB); ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam và nhiều khách mời Bộ, ngành liên quan.

"Không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"
ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã có những đóng góp và sự phát triển chung theo hướng bền vững. Tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch chiếm 10% trong tổng số GDP của cả nước và là ngành kinh tế được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đến việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng bằng các quy định của pháp luật nhất là khi Luật Du lịch ban hành vào năm 2017 và Chương trình phát triển du lịch được phê duyệt càng có điều kiện để du lịch phát triển vững chắc hơn.

Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại, tổn thất. Du lịch được xác định là ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề. Nhiều cơ quan truyền thông gọi là "đóng băng, xuống đáy"… và du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế bị tác động tiêu cực. Nhưng với nỗ lực cao, quyết tâm lớn, cùng với việc tìm kiếm những giải pháp có tính khả thi để du lịch trở lại hoạt động bình thường, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã nỗ lực cố gắng tìm hướng đi một cách thích hợp.

Thời gian vừa qua được hiểu như một chiếc lò xo nén, tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội thuận lợi sẽ bật lên thúc đẩy nền kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn".

"Không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL).

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) chia sẻ về kết quả của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

"Tính đến ngày 23/1/2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam.

Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách. Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Đối với công tác xử lý sự cố y tế, trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa.

Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn" - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.

Cụ thể, từ nay đến 30/4/2022, tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2. Từ 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Sau phần thông báo kết quả triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, hội thảo tới phần đối thoại cùng các địa phương.

"Không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"
Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.

Kiên Giang thống nhất cao việc mở lại thị trưởng quốc tế từ tháng 4/2022

Mở đầu, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: "Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, sử dụng hộ chiếu vắc-xin. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy định thí điểm đón khách tại Phú Quốc (Kiên Giang). Đến nay, Kiên Giang đón 10 chuyến bay quốc tế với hơn 1.200 khách du lịch, trong đó có Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Cộng hòa Uzbekistan... Trong tháng 1, Kiên Giang còn 6 chuyến bay, tháng 2 có khoảng 5 chuyến với khoảng 1.000 khách... Dù công tác đảm bảo an ninh, an toàn được đảm bảo, tuy nhiên, việc đón khách quốc tế còn phát sinh một số trường hợp khách quốc tế dương tính. Các chuyến bay là sự khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực, phục hồi ngành du lịch của Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung".

Nói về việc mở cửa lại thị trường quốc tế, ông Thái cho biết, không chỉ Kiên Giang mà cả nước đều rất mong đợi việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Với kinh nghiệm phòng chống dịch và phương châm sống chung với Covid-19, việc mở cửa là phù hợp với tình hình quốc tế. Theo đó, trước mắt, Kiên Giang sẽ tập trung đón khách từ một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Canada, Singapore, Trung Quốc... Đến nay, với kinh nghiệm phòng chống dịch cùng phương châm sống chung với dịch, việc mở cửa là phù hợp với tình hình thế giới. Kiên Giang thống nhất cao việc mở lại thị trưởng quốc tế từ tháng 4/2022.

Đại biểu Sở Du lịch Kiên Giang cũng có một số kiến nghị sau: Thứ nhất, tiếp tục thục hiện kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thuận lợi, các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ, đảm bảo an ninh, an toàn. Thứ hai, tạm dừng đón khách từ Kazakhstan đến khi ổn định. Thứ ba, cho phép các địa phương chủ động lựa chọn đơn vị lữ hành đón khách để thuận tiện cho công tác quản lý.

"Thời gian tới, cần có chỉ đạo thống nhất về nhập cảnh du lịch, Bộ Y tế nên ban hành biểu mẫu khi mở cửa đón khách quốc tế", vị này chia sẻ thêm.

Quảng Nam đã sẵn sàng mở cửa vào 30/4/2022

Sau kiến nghị của lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang, đại diện tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ ý kiến cụ thể. Tỉnh này sẵn sàng đón khách quốc tế vào 30/4. Tỉnh đề xuất, Bộ xây dựng sớm lộ trình hiệu quả, an toàn đón khách du lịch trở lại; sớm ban hành hướng dẫn mới thí điểm đón khách du lịch, cần có quy định thống nhất cho các địa phương; sớm mở lại đường bay quốc tế; sớm thống nhất công nhận hộ chiếu vaccine; sớm miễn thị thực.

Phía Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản đề xuất: Đề án năm du lịch quốc gia, đề án phòng chống dịch, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, sớm chọn thời gian họp ban chỉ đạo, họp báo liên quan đến năm du lịch quốc gia của Quảng Nam.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Đề nghị tăng thời gian giấy chứng nhận PCR

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho hay, Sở đã phối hợp chuẩn bị đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến TP trong thời gian tới. TP HCM toàn toàn đồng ý với chủ trương đón khách quốc tế của Bộ VH,TT&DL đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, TP HCM kiến nghị: Theo Hướng dẫn điều kiện đón khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận PCR âm tính trong 48 giờ là không phù hợp vì nhiều thị trường đến Việt Nam rất xa, thời gian quá cảnh, bay nhiều. Ví dụ như các nước châu Mỹ, Canada… vì vậy, đề nghị tăng thời gian giấy chứng nhận PCR là 72 giờ.

"Không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"
Có 20 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tham gia Hội thảo trực tuyến.

Hà Nội đề xuất mở cửa hoàn toàn cho du lịch từ 1/4/2022

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, các hoạt động về du lịch tại Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 - 2021. Du lịch tại Hà Nội không đạt kế hoạch, giảm rất sâu.

Năm vừa qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VH,TT&DL, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy kết nối hành lang an toàn, chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 của thành phố cho người trên 18 tuổi đạt 99,7%; mũi 2 cũng đạt hơn 99% và mũi 3 là hơn 44%.

Ban lãnh đạo tại TP. Hà Nội hoàn toàn đồng tình với nội dung của Bộ và Tổng cục du lịch đưa ra, tuy nhiên, cũng có một số đề xuất, kiến nghị: "Theo dự thảo của Bộ VH,TT&DL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Đề nghị các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi Covid- 19 trong thời gian 6 tháng".

Nếu không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) chia sẻ: "Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, Hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành Du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao? Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm.

Bài toán đặt ra là mở thế nào? Tôi nghĩ rằng cần mở theo thông lệ quốc tế. Việt Nam không kém gì các nước, mình đã đồng ý hộ chiếu vắc xin, mình cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm thì khách du lịch cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid -19, du khách cũng vậy. Trước chúng ta mở visa cho nhiều nước, sao giờ không mở thêm. Chúng ta hãy làm việc đơn giản và cẩn trọng vì quyền lợi của người dân và đất nước".

Đề xuất đón khách quốc tế từ 1/2/2022

Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: "Thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ. Việc thực hiện cấp visa như năm 2019. Cùng với đó, chúng ta tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Không thực hiện cách ly tại Hà Nội, nếu không sẽ không có khách. Cần có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu khách du lịch. Khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng xin phép Thủ tướng mở cửa du lịch từ 1/2/2022".

"Không mở của du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm"
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Sẽ có 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách

Ngay sau đó, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: "Việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải có nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch, khách du lịch mới đến Việt Nam. Tại sao trong thời gian thí điểm vừa rồi chúng ta chỉ đón được 8.500 khách? Người ta khao khát vào Việt Nam nhưng chúng ta không có “lò xo” tạo sự thúc đẩy. Chúng ta phải có hoạt động mới có khởi động.

Ông Bình đề xuất, Việt Nam cần miễn visa cho khách du lịch, quy định kết quả test PCR âm tính 72 giờ trước khi du khách lên máy bay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch chính là người chịu trách nhiệm thực hiện những quy định trên, tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện có thể mở cửa đón khách, cần đăng ký đón khách trở lại với Tổng cục Du lịch. Đại diện Hiệp hội cũng nhấn mạnh cần mở cửa du lịch, không cần thí điểm; Bộ Y tế cần ban hành sớm quy định rõ ràng về cách ly để khách du lịch nắm rõ và chuẩn bị. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cần có chiến dịch xúc tiến du lịch mạnh mẽ, đặc biệt đến những điểm du lịch lớn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí xúc tiến. Kết quả được đánh giá bằng lượng khách đến du lịch.

"Phải kiểm tra các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đăng ký lại với Tổng cục Du lịch để đón khách. Doanh nghiệp nào còn đủ tiền ký quỹ thì đăng ký lại để đón khách. Tôi nghĩ có lẽ ngay lập tức sẽ có 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách. Bộ Y tế trình Chính phủ về việc cách ly ở các địa phương để khách đến biết được rõ ràng. Đề nghị các địa phương nếu có gì thay đổi chính sách dành thời gian báo trước cho doanh nghiệp để họ thay đổi" - Ông Bình thẳng thắn.

Kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Thời gian vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã có nhiều hội thảo, cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các cơ quan, nhằm tìm kiếm cơ hội mở cửa du lịch. Ngoài phân tích khó khăn, hạn chế, chúng ta kỳ vọng vào sự phát triển của ngành. Đi sâu vào những vấn đề ở góc độ khác, tiếp cận là điểm đến du lịch, khả năng thích ứng. Hôm nay, chúng ta nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, các Bộ, ngành liên quan vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. 14 ý kiến tại Hội thảo, sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí cho thấy Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, cộng đồng làm du lịch.

Chúng ta đồng tình với nhau nhiều phương diện, đi đến khẳng định những cơ hội và chỉ rõ thách thức, rào cản để khắc phục. Về cơ hội: Các ý kiến không chỉ là tâm huyết, trăn trở mà chỉ rõ những cơ hội, từ đó thống nhất: một là thấy rõ hơn tiềm năng của du lịch Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà quốc tế bình chọn trao cho chúng ta những danh hiệu. Đó là cách cộng đồng quốc tế tôn vinh chúng ta là điểm đến an toàn, bên cạnh nhu cầu tìm hiểu văn hóa.

Hai là, việc thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa bàn cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý. Chúng ta có cách nhìn về thị trường khách để tính toán. Ba là sự sẵn sàng của chính quyền địa phương, sự quyết liệt của các doanh nghiệp, sẵn sàng hành động, sẵn sàng làm. Trong đó có doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú. Bốn là, khi chúng ta mở cửa du lịch thì Đảng, Nhà nước đã cho mở cửa bầu trời. Có thị trường đã có 14 chuyến bay/tuần. Đó là sự thuận lợi.

Cuối cùng, chúng ta đặt an toàn của Nhân dân là trên hết, trước hết. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiêm vắc xin cho toàn dân. Đây chính là những thế mạnh, cơ hội mà chúng ta có được. Sâu xa hơn, từ Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chúng ta có cơ sở về chính trị, thực tiễn, pháp lý để đề xuất với Chính phủ.

Ông Hùng cho biết thêm, ông sẽ kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề sau: Một là: Cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế; Hai là: Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết; từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ. Ba là: Chúng ta có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao. Bộ trân trọng các ý kiến, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng. Mong các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới để phục hồi ngành du lịch, để du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêm chủng hàng đầu Thế giới

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ: " Đối với các vấn đề về mở cửa du lịch, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh. Chúng ta biết là từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh diễn biến bùng phát nhanh, kéo dài. Từ năm ngoái đến nay liên tục xuất hiện biến chủng mới mà không biết bao giờ mới dừng lại nên phải có những phương án linh hoạt an toàn, đáp ứng yêu cầu".

Bà Hằng cho biết thêm, tốc độ bao phủ vaccine đã được đẩy mạnh. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêm chủng hàng đầu Thế giới. Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi là 100% với mũi 1 và 95% cho 2 mũi. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine không thể đảm bảo 100% chống dịch, mà chỉ giảm được nguy cơ bệnh nặng, tử vong và vẫn có khả năng lây lan. Dù được tiêm chủng đầy đủ, người dân vẫn cần đảm bảo 5K để phòng chống dịch. Do đó, bà Hằng cho rằng, không nên quá tập trung vế vấn đề mở cửa hay đi lại mà cần tập trung hơn vào các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả như điều trị, tiêm chủng vaccine.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan, ban, ngành và rà soát lại quy trình xét nghiệm Covid-19, thực hiện đối với khách du lịch và người dân một cách đồng bộ, nhất quán nhằm tạo thuận lợi cho người dân và khách du lịch, đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, Bộ y tế tiếp tục triển khai tiêm vaccine, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao về Giấy chứng nhận tiêm chủng để đồng bộ với các quốc gia khác. Những vaccine tiêm ở Việt Nam đều nằm trong danh mục được WHO chấp thuận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

123.20

(0.00%)

Biểu đồ mã FPT
10 Yêu thích
6 Bình luận 17 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại