Khó khăn còn kéo dài với doanh nghiệp sản xuất thép
Sản xuất và tiêu thụ thép sẽ còn ảm đạm trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo kéo dài đến hết quý II năm sau. Các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí để duy trì hoạt động.
Nhu cầu yếu
Sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 10/2022 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khi giảm lần lượt 16,38% và 29,4% so với cùng kỳ. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm lần lượt 5,53% và 29,4%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo, sự phục hồi của ngành thép sẽ diễn ra vào quý IV/2022, với kỳ vọng về sự phục hồi dài hạn của ngành bất động sản và những biện pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, nhưng thực tế thị trường đã không diễn ra theo chiều hướng lạc quan.
Trong tháng 10, Tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với công suất 8,5 triệu tấn/năm, đã đối mặt với sụt giảm đáng kể về sản lượng lẫn tiêu thụ. Cụ thể, sản lượng thép thô là 567.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021.
Theo lý giải của Tập đoàn, từ quý III đến nay, sản xuất và bán hàng giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Riêng tháng 10/2022, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.
Việc Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid” và hạn chế tín dụng vào bất động sản, làm thị trường bất động sản nước này đóng băng, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa của Trung Quốc sụt giảm trầm trọng, kéo theo xuất khẩu lao dốc.
Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu sắt thép đạt 6,95 triệu tấn, trị giá 6,88 tỷ USD, giảm 37,4% về lượng và giảm 29% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Vài tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm, nếu xuất khẩu trong tháng 8 đạt 462 triệu USD, sang tháng 9 giảm còn 458 triệu USD, đến tháng 10 chỉ còn 367 triệu USD.
Với đà xuất khẩu như hiện tại, năm 2022, xuất khẩu sắt thép dự kiến chỉ có thể về đích ở mức 7,7 - 7,9 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép năm 2021 đạt 13,1 triệu tấn, trị giá đạt 11,8 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và 124,3% về trị giá so với năm 2020.
Tiêu thụ giảm ở cả 2 kênh khiến hầu hết nhà máy thép đang ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, tác động mạnh đến doanh thu, lợi nhuận.
Đơn cử, kết quả kinh doanh quý IV/2022 niên độ tài chính 2021 - 2022 của Tập đoàn Hoa Sen chỉ đạt doanh thu 7.939 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến Tập đoàn lỗ gộp hơn 230 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Lũy kế cả niên độ, Tập đoàn Hoa Sen đạt tổng doanh thu hơn 49.700 tỷ đồng, tuy vượt kế hoạch cả năm (46.400 tỷ đồng) nhưng do lỗ nặng quý vừa qua nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 251 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ, tương ứng thực hiện 17% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm (kế hoạch lãi là 1.500 tỷ đồng).
Thị trường ảm đạm nên kết quả kinh doanh quý III của Tập đoàn Hòa Phát cũng chịu khoản lỗ gần 1.800 tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường diễn biến kém khả quan, Chứng khoán SSI đã giảm 16% mức dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát xuống 10.200 tỷ đồng, tương đương với khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý cuối năm nay. Thậm chí, với dự báo lợi nhuận năm 2023, công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh giảm 14% xuống 10.880 tỷ đồng, cao hơn gần 7% so với năm 2022 nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giảm cùng giá than cốc thấp hơn.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng không sáng sủa hơn. Trong 3 quý đầu năm, doanh nghiệp này đạt doanh thu 18.771 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,2% và 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp mới thực hiện được 67% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 18% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2022 đề ra.
Tiết giảm chi phí
Thị trường thép trong nước quý IV/2022 vẫn gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Theo VSA, hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Trong bối cảnh cầu thị trường yếu, sản xuất lẫn bán hàng gặp khó, Hòa Phát cho biết, sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và tiết giảm chi phí vận hành.
Tương tự, với Tập đoàn Hoa Sen, mặc dù kế hoạch niên độ tài chính 2021-2022 của đơn vị này được xây dựng thận trọng, tuy nhiên những biến động không thể lường trước đã khiến doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Doanh nghiệp tiếp tục chủ động đối phó với các khó khăn, điển hình như việc quản lý hàng tồn kho ở mức hợp lý, quản lý hiệu quả các khoản chi phí, nhờ đó giảm mạnh lượng hàng tồn kho và giảm chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 2,3% trong năm nay và tiếp tục giảm trong năm 2023, do áp lực từ lãi suất tăng cao, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao, bất động sản gặp khó. Ngoài ra, việc Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid cũng tác động tiêu cực đến tiêu thụ thép, nhất là xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: Hiệp hội Thép thế giới (WSA)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận