Hủy niêm yết HAG, cổ đông có mất hết quyền lợi giao dịch?
Thông tin về việc hủy niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã khiến cho nhiều cổ đông của doanh nghiệp này lo lắng về quyền lợi của mình, thậm chí là gửi đơn kêu cứu. Tuy nhiên dưới góc nhìn chuyên gia, nếu rơi vào trường hợp hủy niêm yết thì không đồng nghĩa với việc cổ đông mất trắng hết các quyền lợi giao dịch.
Dù cơ quan chức năng chưa đưa ra quyết định nào nhưng với lý do HAGL lỗ liên tiếp 3 năm (2017, 2018, 2019) đã xuất hiện nhiều thông tin về việc cổ phiếu HAG của HAGL sẽ bị hủy niêm yết trong thời gian tới. Điều này khiến cho phần lớn cổ đông HAGL lo lắng về quyền lợi và có đơn thư gửi các cơ quan chức năng kêu cứu.
Theo nội dung đơn, việc cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết do doanh nghiệp hồi tố lỗ là chưa thỏa đáng, bởi Luật Chứng khoán chưa có quy định về hồi tố lỗ. Nhóm cổ đông này khẳng định năm 2019 công ty vẫn báo lãi, tức dù có hồi tố hay không thì năm 2019 bản chất công ty vẫn lãi. Đồng thời đặt câu hỏi việc hồi tố được thông báo từ tháng 3-2021 nhưng đến nay mới có thông tin hủy niêm yết.
“Nếu HOSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAGL, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3-2021 trên cơ sở căn cứ vào BCTC (báo cáo tài chính) quý gần đây có lãi”, nội dung đơn nhấn mạnh.
Tuy vậy, đứng trên quan điểm của chuyên gia phân tích, Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng cho rằng việc hủy niêm yết hay không quyết định cuối cùng vẫn là của cơ quan chức năng. Tham gia thị trường chứng khoán thì cứ đúng luật mà triển khai.
“Không có chuyện mua hàng kém chất lượng xong rồi trả lại. Khi đầu tư mà đặt cược vào việc công ty sẽ có mức hồi phục mà thực tế lại không đúng thì mình phải chấp nhận thua lỗ, không thể nào cứ khi thua lỗ thì bắt cơ quan quản lý thành con tin của họ”, ông nói thêm.
Về quyền lợi cổ đông, theo vị chuyên gia này, có vẻ nhà đầu tư hiểu nhầm về khái niệm hủy niêm yết. Hủy niêm yết không có nghĩa là không giao dịch được nữa mà sẽ phải chuyển đăng ký giao dịch sang sàn UPCoM. Cổ phiếu vẫn có thể giao dịch được chứ không phải cổ đông mất hết các quyền lợi giao dịch.
Cũng trên quan điểm đó, giám đốc phân tích cấp cao của một công ty chứng khoán cho rằng trước luật pháp thì không có ngoại lệ, không có chuyện của cá nhân ai khác nữa. Thêm vào đó, nguyên tắc của thị trường chứng khoán là phải minh bạch, công khai và bình đẳng.
Với HAGL, đây là doanh nghiệp có tiềm năng, nên có thể chuyển sang UpCOM, nỗ lực khôi phục lại doanh số cho doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận, gây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và khi thỏa các điều kiện niêm yết trở lại thì vẫn có thể quay lại sàn HOSE.
“Việc này chỉ mang tính tạm thời chứ không phải bị cấm vĩnh viễn, vấn đề này không lớn đến mức phải can thiệp, phải đòi hỏi “chế độ” này nọ. Tôi nghĩ vấn đề này là không nên và cũng không được. Bởi, nếu mà chấp nhận cho HAGL “xé rào” thì sau này những trường hợp khác phải giải quyết ra sao? Như vậy sẽ không còn sự nghiêm minh trên thị trường”, vị này cho hay.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Châu Tuấn Huy, Văn phòng luật Nam Bắc Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM, cũng đưa ra nhận định HAGL bị lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp là 2017, 2018 và 2019 (sau khi xác định có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kiểm toán), do đó phải căn cứ theo luật được áp dụng vào thời điểm xảy ra lỗ lũy kế.
Dù nghị định 58/2012 quy định về việc hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng chỉ xét theo nội dung của báo cáo tài chính kiểm toán hằng năm được công bố, chứ không bao gồm việc doanh nghiệp phát hiện lỗ và điều chỉnh lại kết quả kinh doanh sau đó.
Ngoài ra, tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Nhưng nội dung này chỉ mới được quy định tại nghị định 155/2020 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1-1-2022 (khoản 12 điều 310 nghị định 155/2020), tức nghị định 155/2020 không thể áp dụng trong trường hợp trên của HAGL.
“Theo luật thì không thể hủy niêm yết được”, luật sư Tuấn nhấn mạnh và cho rằng nhà đầu tư không nên đặt giả định sẽ bị hủy niêm yết, trừ khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận