HPG, HSG, NKG - mã chứng khoán ngành thép dự báo sắp đón "sóng thần"
Các mã chứng khoán ngành thép của Việt Nam đang được kì vọng bứt phá do được hưởng lợi nhờ tăng cường xuất khẩu. Ngành sản xuất thép tại Trung Quốc đang dần "ngấm đòn" với vấn nạn thiếu điện khiến sản xuất đình trệ.
Nền sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc hồi phục quá nhanh đã gây áp lực lên điện lưới quốc gia. Mức tiêu thụ điện của nước này đã tăng 13,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên sản lượng điện lại chỉ tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Tình trạng mất cân bằng cung - cầu này chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng cao và thời tiết bất lợi khiến sản lượng điện tái tạo không đạt kỳ vọng.
Các ngành sản xuất tiêu tốn nhiều điện như thép đang đứng đầu trong danh sách yêu cầu hạn chế sản xuất nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong tháng 8.2021 đã giảm lần lượt 12,2% so với cùng kỳ và thấp hơn 14,2% so với trung bình quý 2/2021. Nguồn cung giảm quá nhanh đã khiến ngành thép Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân đối cung - cầu tạm thời.
Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn tối thiểu đến hết quý 4/2021 khi sản lượng điện tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, sản lượng và giá bán thép Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong tháng 8 - 9 so với giai đoạn tháng 5 - 7 trước đó, cùng lúc thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện.
Do đó, các nhà xuất khẩu vật liệu xây dựng Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi quốc gia láng giềng thiếu hụt nguồn cung tạm thời, nhất là các doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu thép xây dựng sang thị trường này lớn.
Tập đoàn Hòa Phát là cái tên hàng đầu có thể hưởng lợi nhờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu thép thành phẩm các loại của HPG trong tháng vừa qua tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng Hòa Phát đạt kỷ lục 120.000 tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Tôn Hòa Phát cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với gần 50.000 tấn, gấp 2 lần tháng trước. Sản phẩm ống thép Hòa Phát xuất khẩu tăng 50% so với cùng kỳ.
HPG hiện mở đầu tuần với giá 57.300 đồng/cổ phiếu. Mã này đã có đà tăng ấn tượng tới 83% giá trị từ đầu năm đến nay.
Không riêng thép, các doanh nghiệp tôn mạ cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi áp lực cạnh tranh từ tôn mạ Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu khác giảm.
Xuất khẩu chính là cứu cánh với doanh nghiệp tôn trong bối cảnh tiêu thụ trong nước sụt giảm. Tôn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đã bán 150.781 tấn tôn mạ trong tháng 8, giảm 4,5% so với tháng 7. Riêng xuất khẩu là 123.080 tấn chiếm tỉ trọng 81%. Xuất khẩu duy trì tương đương tháng trước nhưng tiêu thụ nội địa giảm khiến sản lượng của tập đoàn giảm.
HSG thậm chí có đà tăng "nóng bỏng tay" tới 120% giá trị từ đầu năm đến nay, hiện niêm yết ở mức 49.750 đồng/cổ phiếu.
Thép Nam Kim (HOSE: NKG) ghi nhận sản lượng bán hàng tháng 8 đạt 86.299 tấn tôn mạ, tăng 14,3% so với tháng trước; xuất khẩu 80.610 tấn, tăng 30% và tỉ trọng đóng góp tăng lên 93%. Không chỉ riêng xuất khẩu sang Trung Quốc mà NKG và các doanh nghiệp cùng ngành khác còn chú trọng cả ASEAN, EU và Hoa Kỳ.
Mã NKG tăng không dừng 290% giá trị so với đầu năm, bật lên mốc 51.900 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích chứng khoán cảnh báo trạng thái cân bằng cung - cầu các sản phẩm thép có thể sẽ sớm được thiết lập trong năm 2022.
Giới chức Trung Quốc đang đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện hiện nay như tăng sản lượng khai thác than nội địa; tăng giá thu mua điện, hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại…
Do đó, tiềm năng xuất khẩu vật liệu xây dựng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận