24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
An Bang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hiệp hội Bia – Rượu, Nước giải khát kêu cứu về dự kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 100%

Hiệp hội Bia – Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tăng 120% so với năm 2021 và tiếp tục tăng gần 128,9% trong quý 2/2024 (yoy). Nếu thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như Bộ Tài chính đề xuất, các doanh nghiệp ngành đồ uống có nguy cơ suy kiệt...

Tại Hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình 2026 - 2030 với mức thuế cao nhất lên tới 100%. Ngày 1/7, VBA có văn bản góp ý với Hồ sơ dự án Luật.

VBA cho biết trong những năm gần đây, ngành bia cả nước sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có nhà máy phải đóng cửa. Đơn cử như Heiniken Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường tiêu thụ của hãng tại Việt Nam sụt giảm hai con số trong năm 2023.

NGUY CƠ ĐÓNG CỬA NHÀ MÁY VÀ CẮT GIẢM NHÂN SỰ

Sabeco có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành, từ năm 2021 tới nay, doanh nghiệp tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà hàng khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm bị ảnh hưởng - Kiến nghị của VBA

Habeco phản ánh năm 2023, sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Habeco liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay nên đến cuối năm 2023 ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Theo VBA, ngành đồ uống là mặt hàng chịu nhiều hạn chế ít nhất từ 4 Luật lớn: Luật phòng chống tác hại rượu bia; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật thương mại; Luật quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.

“Nhu cầu tiêu thụ giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng sau đại dịch. Hệ thống nhà hàng, quán ăn đều ghi nhận lượng khách giảm mạnh dẫn tới phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên, giảm quy mô... Kéo theo ảnh hưởng tới cả chuỗi cung cấp, thậm chí tới cả ngành du lịch và ngành nông nghiệp", văn bản VBA nêu.

Theo đó, những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia giảm sút sản lượng, doanh thu, ngân sách. Cùng đó, giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng cao từ 15%-30%, malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất tăng khoảng 30-40% so với mức giá bình quân năm 2022.

Cũng theo VBA, doanh nghiệp rượu còn phải đối mặt với vấn đề khoảng 70% lượng rượu tiêu thụ trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý, không nhữn gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, tác động xấu đến sức khoẻ con người mà ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.

VBA cho rằng khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả...Việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp hợp pháp, từ đó hàng lậu sẽ phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.

Theo khảo sát thực tế của VBA tại một số địa phương, hiện nay tình hình các doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm bia nhái các thương hiệu lớn và bán trên thị trường với giá rất rẻ gần như bằng với giá thành sản xuất không có thuế. Ước sản lượng những sản phẩm bia nhái thương hiệu đó khoảng 200-300 triệu lít.

VBA cũng cho biết lĩnh vực nước giải khát cũng không khả quan hơn bia, rượu. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường sẽ tác động lớn đến đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ĐỀ XUẤT LÙI LỘ TRÌNH TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Phản hồi với Bộ Tài chính, VBA cho rằng phần đánh giá tác động tại Hồ sơ Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chưa đề cập đến những tác động đầy đủ và toàn diện như vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế nói chung; đối tượng chịu tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, đến người tiêu dùng; môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chưa kể, khi tăng thuế sẽ tạo bất lợi và hàng rào khoảng cách giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, khi doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chi phí sản xuất lớn, thị trường thu hẹp.

“Vì đây là một khung pháp lý vô cùng quan trọng đối với ngành đồ uống nên Hiệp hội rất mong rằng, khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật sẽ ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện hơn” - VBA kiến nghị.

Bên cạnh giải pháp tăng thuế, VBA kiến nghị các bộ/ngành cần nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, thực thi nghiêm chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chống thất thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức vào khoảng 2,816 tỷ USD. Trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2,015 tỷ USD.

VBA đưa ra 3 kiến nghị đối với việc sửa dổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt như sau.

Thứ nhất, thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027.
Thứ hai, đối với sản phẩm rượu, bia, cần xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”; ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong trong thời gian tới.

VBA đề xuất lộ trình đối với bia: từ 1/1/2027 – 31/12/2028: 70%; từ 1/1/2029- 31/12/2030: 75% và từ 1/1/2031: 80%.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên: từ 1/1/2027 – 31/12/2028: 70%; từ 1/1/2029- 31/12/2030: 75%; từ 1/1/2031: 80%.

Đối với rượu dưới 20 độ: từ 1/1/2027 – 31/12/2028: 40%; từ 1/1/2029- 31/12/2030: 45%; từ 1/1/2031: 50%.

Ngoài ý kiến đề xuất chung như trên, Heiniken Việt Nam Việt Nam đề xuất xem xét mức thuế khác nhau đối với bia dưới 5,5 độ; từ 5,5 độ tới 15 độ và trên 15 độ theo tinh thần Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Thứ ba, xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả