24HMONEY đã kiểm duyệt
08/02/2023
Hàng tiêu dùng thiết yếu - Điểm sáng duy nhất trong bối cảnh lạm phát cao
• Tăng trưởng doanh thu ở mức vừa phải do người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm giá rẻ
Áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Lạm phát năm 2023 có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ dừng hỗ trợ giá xăng dầu và tăng các chi phí như điện, lương tối thiểu, y tế,…. Nhóm phân tích vĩ mô và ngành ngân hàng của chúng tôi dự báo lãi suất sẽ bắt đầu điều chỉnh từ nửa cuối năm 2023 nhưng chỉ điều chỉnh nhẹ (dưới 100 bp). Khi những thách thức từ các yếu tố vĩ mô xuất hiện, bao gồm lãi suất cho vay cao, lạm phát gia tăng và thị trường lao động không mấy khả quan, chúng tôi không kỳ vọng mức tiêu dùng sẽ cao. Hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ suy giảm trong nửa đầu năm 2023, do lượng hàng tồn kho cao kỷ lục ở Mỹ và suy thoái kinh tế ở châu Âu, trong khi Trung Quốc có thể sẽ trở lại là đối thủ cạnh tranh chính ở các thị trường xuất khẩu chính. Do đó, chúng tôi cho rằng nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Chúng tôi dự báo du lịch sẽ phục hồi từ quý 2 năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại, tuy nhiên, điều này có thể sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn tình trạng trì trệ của tiêu dùng nội địa. Do đó, tăng trưởng doanh thu của các công ty F&B trong năm 2023 sẽ không cao khi xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn.
• Cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp
Như đã đề cập ở trên, việc điều chỉnh giá hàng hóa (đặc biệt là giá dầu) nhiều khả năng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất. Mức độ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ khác nhau giữa các công ty, nhưng chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ròng. Các công ty có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 mặc dù doanh thu bán hàng tăng trưởng vừa phải. SAB có thể là ngoại lệ, vì giá mạch nha tăng 15% so với cùng kỳ mà không có dấu hiệu điều chỉnh, và các hợp đồng nguyên vật liệu của SAB đã hết hạn vào quý 3 năm 2022. Do đó, chúng tôi ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 170 bp trong năm 2023 so với năm 2022.
Bia: Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng hơn về triển vọng của phân khúc này trong năm 2023, do áp lực suy thoái kinh tế đối với sức mua của người tiêu dùng và chi phí đầu vào gia tăng. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của phân khúc sẽ quay về mức bình thường (tức là tăng trưởng một con số) trong năm 2023, ổn định sau mức cơ sở cao của năm 2022. Nhu cầu bia nói chung có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Trong khi đó, tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi vẫn kỳ vọng du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay, điều này có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa. Chúng tôi dự báo SAB sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần và LNST lần lượt là 13% và 5,3% so với cùng kỳ, với tỷ suất lợi nhuận gộp phân khúc bia giảm 170 điểm cơ bản vào năm 2023.
Sữa: Chúng tôi không nhận thấy động lực thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ trong năm 2023, đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng lo lắng về thu nhập. Tiêu thụ sữa ở thị trường thành thị chủ yếu được thúc đẩy bởi quá trình cao cấp hóa sản phẩm và quá trình này sẽ giảm tốc hoặc bị gián đoạn trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Đối với thị trường nông thôn, chúng tôi cho rằng nhu cầu vẫn ổn định hơn một chút so với thị trường thành thị do vẫn còn dư địa cho tăng trưởng sản lượng do mức nền tiêu thụ hiện còn thấp. Yếu tố tích cực đến từ việc chi phí đầu vào giảm xuống. Giá sữa nguyên kem, sữa bột tách béo và chất béo khan (AMF) đã điều chỉnh lần lượt 28%, 32% và 19% so với mức đỉnh hình thành trong tháng 3/2022, điều này có thể giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các công ty sữa từ quý 1/2023, đặc biệt là đối với
VNM do 65% nguyên liệu phụ thuộc vào sữa bột nhập khẩu. Các công ty sữa, chẳng hạn như VNM, IDP và MCM, có bảng cân đối kế toán tốt và dòng tiền lành mạnh, do đó những công ty này có khả năng chống chọi với tình hình lãi suất tăng. Về tăng trưởng doanh thu, chúng tôi cho rằng các công ty nhỏ hơn (MCM & IDP) sẽ có động lực mạnh hơn VNM do quy mô nhỏ hơn và khả năng mở rộng công suất (ví dụ MCM sẽ tăng công suất hoạt động từ năm 2024).
Thị trường lợn hơi: Dữ liệu của OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức trước đại dịch, từ 31,4kg/người/năm trong năm 2018 xuống 26,8kg/người/năm trong năm 2022. Cũng có ý kiến cho rằng con số này sẽ tăng 3% so với cùng kỳ trong năm 2023. Với sản lượng sản xuất tăng đột biến trong những tháng gần đây (tang 12,4% so với cùng kỳ từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022), nguồn cung heo hơi khó có thể thiếu hụt trong năm 2023, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt. Do đó, chúng tôi dự báo giá heo hơi sẽ tăng không đáng kể. Chúng tôi hy vọng giá heo hơi sẽ đạt khoảng 60.000 VND/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ). Về mặt chi phí, chúng tôi hy vọng chi phí thức ăn sẽ bắt đầu giảm trong quý 2 năm 2023. Do đó, chúng tôi dự báo chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong năm 2023, trong khi giá heo hơi cải thiện dần. Theo đó, chúng tôi dự báo các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là yếu tố cần theo dõi, vì chúng tôi nhận định thương mại biên giới sẽ hỗ trợ giá heo hơi trong năm 2023. Việc xuất khẩu heo hơi chính thức sang Trung Quốc cũng sẽ mang lại những tác động tích cực. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra do còn nhiều quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Các trang trại thương mại với 'mô hình 3F' được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc được chấp thuận.
Bình luận