24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Duy Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết trong nửa đầu năm 2024, trong đó có những tên tuổi quen thuộc. Danh sách này nhiều khả năng vẫn còn dài, khi nhiều cổ phiếu khác cũng bị các Sở Giao dịch Chứng khoán cảnh báo về khả năng hủy niêm yết.

Danh sách các cổ phiếu bị hủy niêm yết từ đầu năm 2024

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024

Nguồn: VietstockFinance, cập nhật đến ngày 22/5

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên, từ thua lỗ 3 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu âm, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hay vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin cho đến việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm.

Một trong số các cổ phiếu bị “dính án” do thua lỗ 3 năm liên tiếp là SDT của CTCP Sông Đà 10 (UPCoM: SDT), bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 24/1 và hiện đang giao dịch trên UPCoM. Từ khi lên sàn HNX vào tháng 12/2006 đến nay, Sông Đà 10 báo lỗ lần đầu tiên (tính theo năm) vào năm 2021 (lỗ ròng gần 12 tỷ đồng). Các năm 2022 và 2023, Công ty lỗ lần lượt gần 16 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

Trong khi khoản lỗ của SDT có xu hướng co hẹp lại theo năm thì số lỗ trong 3 năm liên tiếp của CTCP Chiếu xạ An Phú (UPCoM: APC) lại ngày càng phình to từ lỗ ròng 2 tỷ đồng năm 2021, tăng dần lên lỗ ròng 36 tỷ đồng năm 2023. Chính vì lẽ đó, cổ phiếu APC đã bị hủy niêm yết trên HOSE từ 29/4 và được chấp thuận giao dịch trên UPCoM từ ngày 15/5.

Sau 3 tháng đầu năm 2024, SDT có kết quả tích cực, lãi ròng hơn 2 tỷ đồng; còn APC lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024

Chủ sở hữu thương hiệu sá xị Chương Dương nổi tiếng một thời - CTCP Nước giải khát Chương Dương (UPCoM: SCD) không những lỗ 3 năm liên tiếp mà còn có âm vốn chủ sở hữu. Các số liệu cho thấy, tình hình kinh doanh của SCD sa sút dần trong những năm gần đây. Khoản lỗ ròng đầu tiên ghi nhận vào năm 2021 là 36 tỷ đồng, rồi lên 49 tỷ đồng ở năm 2022 và nặng nề nhất là lỗ 119 tỷ đồng vào năm 2023. Kết quả là cổ phiếu SCD của Công ty cũng dính án hủy niêm yết vào ngày 6/5 và giao dịch trở lại trên UPCoM vào ngày 15/5.

Ban lãnh đạo SCD giải trình rằng Công ty đối mặt chi phí nguyên liệu đường và nhôm ngày càng tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng thấp hơn trước đây, bởi tâm lý thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, cộng thêm chi phí thuê đất và lãi vay cao hơn cùng kỳ khiến Công ty lỗ. Quý 1, SCD lỗ ròng gần 17 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024

Do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC kiểm toán năm 2023 của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) cũng như báo cáo riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) nên cổ phiếu của 2 công ty này bị hủy niêm yết. Án phạt đối với TAR có hiệu lực từ ngày 21/5, còn QBS đã diễn ra trước đó (ngày 10/5). 23/5 là ngày giao dịch đầu tiên của QBS trên UPCoM.

Tình hình kinh doanh của QBS dường như kém khả quan với 2 năm lỗ liên tiếp, gần 139 tỷ đồng (2022) và 41 tỷ đồng (2023). QBS tiếp tục lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024.

Về phần TAR, năm 2023, Công ty lỗ ròng gần 16 tỷ đồng, nhưng quý đầu năm đã có lãi trở lại gần 3 tỷ đồng.

Cũng bị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2023, cổ phiếu của CTCP Lilama 69-1 (L61) bị hủy niêm yết từ ngày 17/5. 2 cổ phiếu khác “họ Lilama” là CTCP Lilama 69-2 (HNX: L62) CTCP Lilama 45.3 (HNX: L43) bị hủy niêm yết vào ngày 23/5.

Nhóm cổ phiếu của các công ty khác như CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (UPCoM: KLF), CTCP Cơ điện Dzĩ An (UPCoM: DZM)CTCP Khoáng sản và Cơ khí (UPCoM: MIM) bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Sau đó, các cổ phiếu này được chuyển sang giao dịch trên UPCoM vào ngày 19/2, nhưng đây cũng là ngày HNX đưa vào diện đình chỉ giao dịch đối với 3 cổ phiếu này.

Ngoài ra, còn có 2 nguyên nhân khác ít phổ biến hơn khiến các cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Cổ phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến Trung (UPCoM: TTZ) bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc trên HNX từ ngày 27/1, do không có giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán trong thời hạn 12 tháng.

Còn cổ phiếu của CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) bị hủy niêm yết từ ngày 14/5, do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp. Cuối năm 2023, Công ty nhựa này lỗ lũy kế gần 24 tỷ đồng, vượt qua số vốn điều lệ thực góp 22.4 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tiếp tục tăng lên 25 tỷ đồng vào cuối quý 1, vượt vốn điều lệ là 22 tỷ đồng.

Chậm nộp BCTC kiểm toán 3 năm liên tiếp

Trường hợp bị hủy niêm yết nổi bật nhất là của CTCP Thép Pomina (POM) - một tên tuổi trong ngành thép, từ ngày 10/5, do chậm nộp BCTC kiểm toán trong 3 năm liên tiếp. Trước đó, POM đã gửi đơn xin gia hạn nộp BCTC kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/5/2024, nhưng không được HOSE chấp thuận.

Nguyên nhân chậm nộp được Pomina đưa ra là đang làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc Công ty để cung cấp cho kiểm toán xem xét, đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường vào sáng ngày 1/3 nhằm thông qua phương án tái cấu trúc Công ty, nhưng danh tính nhà đầu tư chiến lược mới không được tiết lộ tại sự kiện này, do quá trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn và dự kiến công bố tại ĐHĐCĐ thường niên. Song, đến 22/5, thời gian cụ thể tổ chức đại hội thường niên vẫn chưa được thông tin đến cổ đông.

Nhìn lại 5 năm qua, kết quả kinh doanh của POM là một bức tranh đầy u ám với khoản lỗ ròng hàng ngàn tỷ đồng ở các năm 2022 và 2023. Lỗ lũy kế cuối năm 2023 lên đến 1,271 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024

Kết quả kinh doanh bết bát tiếp tục đeo bám Pomina với khoản lỗ ròng lên đến 225 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024. Công ty giải trình rằng nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động, nhưng phải gánh chịu các chi phí như quản lý, lãi vay... Đồng thời, Pomina cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc, để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.

Ngày 23/5, cổ phiếu POM về sàn UPCoM giao dịch ngày đầu tiên.

Cổ phiếu dự bị cho án phạt nghiêm khắc

Có 2 tên tuổi nổi bật đang ngồi ở hàng ghế dự bị cho án hủy niêm yết. Trong đó, cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) có khả năng bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp và của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), bị lưu ý hủy niêm yết do có lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Theo đó, cổ phiếu HNG hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định ngày 5/4/2023 của HOSE do lỗ ròng năm 2021 hơn 1,119 tỷ đồng và năm 2022 lỗ ròng 3,576 tỷ đồng, căn cứ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 và 2022. Trên BCTC hợp nhất quý 4/2023 của HNG ghi nhận lỗ ròng 1,050 tỷ đồng và lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 gần 8,054 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024

Phân trần về khả năng hủy niêm yết bắt buộc, tại ĐHĐCĐ của HBC, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, đến nay (thời điểm diễn ra đại hội), Công ty vẫn đáp ứng đủ điều kiện niêm yết, ông nói rằng các công ty chứng khoán và các công ty tư vấn luật cũng nói tương tự khi được tham vấn ý kiến.

Cuối năm 2023, lỗ lũy kế của HBC ghi nhận 3,240 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ là 2,741 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết nửa đầu năm 2024
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.90 (0.00%)
0.80 (0.00%)
2.50 (0.00%)
0.70 (0.00%)
4.30 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả