Hai yếu tố chính giúp chứng khoán Việt hút vốn từ quỹ đầu tư ngoại
Chuyên gia phân tích Nguyễn Thị Thanh Tú, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, triển vọng hồi phục kinh tế đóng vai trò quyết định đối với diễn biến dòng vốn vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thanh Tú cho biết, các quỹ ETF lên ngôi, tâm lý giới đầu tư toàn cầu tích cực hơn nhờ triển vọng vắc xin. Theo bà Tú, nỗi lo lạm phát và sự suy yếu của đồng USD khiến dòng tiền tiếp tục rút mạnh khỏi các quỹ tiền tệ (56,4 tỷ USD) và đổ vào các quỹ trái phiếu (61,7 tỷ USD).
Khẩu vị đầu tư cũng thay đổi từ các trái phiếu có lợi suất cao sang các trái phiếu xếp hạng tốt và phát hành bằng các đồng tiền mạnh cho thấy yếu tố đầu cơ đã giảm xuống, trái phiếu đang trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn.
“Dòng tiền vẫn rút khỏi cổ phiếu Mỹ nhưng mức rút ròng trong tháng 8 (6,8 tỷ USD) đã thu hẹp đáng kể so với tháng 7 (17,7 tỷ USD) nhờ dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ ETF. Trong tháng 8, có tới 10,2 tỷ USD tiền vào các quỹ ETF Mỹ trong khi tháng 7 vẫn rút nhẹ (0,5 tỷ USD). Trong 1 năm trở lại đây, dòng tiền vào các quỹ ETF là lực đỡ chính khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục khi đón nhận dòng tiền vào lên tới 158 tỷ USD, trong khi đó các quỹ đầu tư chủ động bị rút ròng tới 185 tỷ USD. Cho thấy việc chiến thắng được thị trường đang ngày càng trở lên khó khăn trong bối cảnh quá nhiều biến động”, bà Tú cho hay.
Việc các quỹ ETF lên ngôi theo bà cũng là xu hướng chung trên toàn cầu. Thực tế, các quỹ đầu tư toàn cầu tại các thị trường phát triển (ngoại trừ Mỹ) và các thị trường mới nổi đều đón nhận dòng tiền vào mạnh trong 2 tháng trở lại đây, đặc biệt là trong tháng 8. Dòng vốn vào các quỹ ETF ở Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam đều rất tích cực trong tháng vừa qua.
Với trường hợp Trung Quốc, nước này đã trở thành điểm sáng hút vốn của các quỹ đầu tư chủ động. Là nước đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 nhưng cũng là nước khống chế dịch sớm nhất, cùng với dư địa chính sách tài khóa lớn khiến Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020. Sau khi rút ròng trong tháng 2 và 3, các quỹ chủ động đã ghi nhận 7,4 tỷ USD tiền vào cổ phiếu Trung Quốc trong 5 tháng gần đây.
Bà Tú cũng cho rằng, chiến thắng trong cuộc đua điều chế vắc xin không quan trọng bằng triển vọng hồi phục kinh tế trong việc thu hút dòng vốn vào một quốc gia. Nền kinh tế Nga chịu tổn hại nặng nề từ dịch bệnh và biến động giá dầu, đồng RUB đã mất giá tới 20% kể từ đầu năm đến nay khiến cho dòng vốn chảy mạnh khỏi nước này.
Thông tin là nước đầu tiên điều chế thành công vắc xin chống Covid 19 cũng chỉ giúp dòng vốn ETF tăng tích cực trong tháng 8 mà không đổi hướng được dòng vốn chủ động - thường là dòng vốn có tính ổn định cao hơn so với dòng vốn ETF.
Tuy vậy, triển vọng vắc xin tươi sáng hơn đã hỗ trợ tâm lý giới đầu tư toàn cầu. Theo báo cáo khảo sát tháng 8 của Bank of America Merrill Lynch, các nhà quản lý quỹ đang ở trạng thái lạc quan nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, 79% tin rằng vắc xin Covid 19 sẽ có từ quý I/2021 và 57% kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện trong 12 tháng tới.
Trong bối cảnh đó, dòng tiền đầu tư tại Việt Nam có diễn biến trái chiều của dòng vốn ETF và dòng vốn chủ động. Theo đó, dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực sang tháng thứ 4 liên tiếp.
Mặc dù giảm so với tháng trước, tổng giá trị dòng vốn vào các ETF vẫn đạt 558 tỷ đồng trong tháng 8. Trong đó, dẫn dắt chính là hai quỹ của VFM là VNDiamond ETF (195 tỷ đồng) và VFM VN30 ETF (175 tỷ đồng) cùng quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (165 tỷ đồng). Hai quỹ ETF mới niêm yết là SSIAM VN30 ETF và Vinacapital VN100 ETF quy mô vẫn còn nhỏ và chưa có nhiều đóng góp về dòng vốn.
Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã bổ sung nguồn vốn trị giá gần 1.400 tỷ đồng cho thị trường.
CTBC Investments, thành viên tập đoàn tài chính CTBC Financial Holdings của Đài Loan cũng vừa ra mắt quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam với tên gọi CTBC Vietnam Equity Fund, là quỹ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam với tổng nguồn vốn huy động trong đợt đầu là 160 triệu USD (4.000 tỷ VND). Trong đó, một phần danh mục quỹ sẽ được phân bổ vào VFM VNDiamond ETF, do đó có thể kỳ vọng dòng vốn ETF sẽ duy trì tích cực trong thời gian tới.
Song, dòng vốn các quỹ chủ động và giao dịch khối ngoại trên sàn vẫn kém tích cực. Nếu loại trừ dòng tiền đột biến 1.709 tỷ đồng mua 22,8 triệu cổ phiếu VHM thì khối ngoại vẫn bán ròng 5,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 8 và bán ròng 24,2 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm (đã loại trừ các giao dịch lớn liên quan đến VHM và MSN).
Theo số liệu của EPFR, dòng vốn các quỹ đầu tư chủ động vào Việt nam 4 tháng gần đây dao động khá mạnh nhưng vẫn trong xu hướng rút ra.
Một đặc điểm khác là tỷ trọng tiền mặt điều chỉnh theo các hướng khác nhau giữa các quỹ chủ động: trong khi quỹ đầu tư chủ động lớn nhất VEIL của Dragon Capital tiếp tục hạ thấp tỷ trọng tiền mặt xuống 0,63% vào cuối tháng 8 (mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay) thì các quỹ VOF, PYN Elite và Vietnam Holdings đã bắt đầu gia tăng tỷ trọng tiền mặt từ cuối tháng 7.
“Triển vọng hồi phục kinh tế đóng vai trò quyết định đối với diễn biến dòng vốn vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc sớm kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả vẫn là 2 yếu tố chính giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại trong thời gian tới”, bà Tú nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận