Giá vàng neo trên đỉnh, nhiều người mòn mỏi chờ mua
Sáng nay (28/10), giá vàng nhẫn và vàng miếng vẫn neo cao ở mốc 89 triệu đồng/lượng. Người dân chờ mòn mỏi tại các hiệu vàng để mua.
Công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 87,9 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn 87,48 - 88,98 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá nhẫn tròn 87 - 88,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.734 USD/ounce, giảm 13 USD/ounce so với sáng qua. Giá vàng thế giới tương đương gần 83 triệu đồng/lượng.
Với vàng nhẫn, một tuần nay, khi giá vàng lên đỉnh ngang giá vàng miếng SJC, nhiều người thi nhau xếp hàng mua vàng tại cửa hàng. Tuy nhiên, nơi bán nhỏ giọt nơi luôn trong tình trạng “hết hàng”. Nhiều đơn vị gần đây thậm chí dừng việc nhận khách đặt trước.
Người dân khó khăn khi mua vàng thời điểm này.
Với vàng miếng còn khó mua hơn. Không ít người phản ánh thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước uỷ thác (Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng quốc doanh) khó khăn hơn trước đây.
Số lượng mua cũng hạn chế chỉ 1 lượng/ngày và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.
Còn tại các thương hiệu được phép kinh doanh vàng miếng khác như Phú Quý, Doji, Bảo Tín Minh Châu.... đã ngừng bán loại hình này ra thị trường nhiều tháng nay, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp ấn định giá, vì không có nguồn.
Nhiều người đã tìm đến các kênh không chính thức trên mạng xã hội để mua vàng nhưng không ít người dè dặt vì giá thường đắt hơn 1- 2 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết và lo sợ vàng giả.
Tính từ đầu năm đến nay, vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời 18%, trong khi vàng nhẫn lên tới 35%, cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm và nhu cầu mua của người dân vẫn lớn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia trường Đại học Nguyễn Trãi - cho biết, cho biết giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn tròn trơn tăng do nhiều yếu tố.
Về yếu tố mùa vụ, thời điểm cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa cao điểm tiêu thụ vàng tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Thời điểm này là mùa cưới, chuẩn bị Tết Nguyên đán, theo truyền thống nhu cầu mua vàng để làm quà hoặc tích trữ thường tăng mạnh, điều này tạo áp lực lên giá vàng.
Ngoài ra, giá vàng tăng còn đến từ xu hướng tích trữ dài hạn. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Trung Quốc và Nga, đang có xu hướng mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Việc này xuất phát từ chiến lược kinh tế và chính trị dài hạn, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp. Việc các nước giảm sự phụ thuộc vào USD có thể làm suy yếu đồng tiền này, từ đó tăng giá vàng.
Theo ông Huy, việc kiểm soát giá vàng nhẫn là rất khó vì mặt hàng này chịu tác động trực tiếp từ giá vàng thế giới.
"Ngân hàng Nhà nước trước đây đã can thiệp để kiểm soát giá vàng miếng. Còn việc can thiệp vào giá vàng nhẫn có thể không hiệu quả và không cần thiết. Giá vàng nhẫn, do có tính liên thông với thị trường quốc tế, thường biến động theo cung cầu và giá vàng toàn cầu", ông Huy nói.
Để tăng nguồn cung cho thị trường vàng và hạ nhiệt giá vàng, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng - cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp vàng đầu ngành được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, nhẫn, nữ trang... Hoặc cho phép 4 ngân hàng quốc doanh nhập vàng tiêu chuẩn quốc tế, để cung cấp lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.255 đồng/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá ở mức 25.197 - 25.467 đồng/USD mua vào - bán ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận