Giá dịch vụ xếp dỡ container tăng, những cổ phiếu cảng biển nào sẽ hưởng lợi?
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới được công bố về ngành cảng biển đã thông tin rằng Bộ Giao thông Vận tải đã công bố thông tư cho phép nâng giá xếp dỡ container vào ngày 25/12/2023 và áp dụng kể từ ngày 15/2/2024.
Thông tư cho phép khung giá xếp dỡ container của các cảng nước sâu được tăng 10% so với giá hiện tại, thay vì tăng 20% của đề xuất sửa đổi. Đồng thời, đối với hàng hóa vận chuyển thông qua sà lan, giá cước bốc xếp được tăng từ 2 – 3 USD/TEU, tương đương mức tăng 30% so với giá hiện tại.
Theo VDSC, đây là tín hiệu tích cực cho kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành cảng biển, song mức độ tác động sẽ có sự phân hóa. Theo đó, các cảng tại Hải Phòng đang niêm yết dịch vụ xếp dỡ container với mức giá cao hơn giá sàn của thông tư mới. Do đó, ảnh hưởng từ chính sách có thể không rõ rệt lên tình hình tài chính của các cảng tại Hải Phòng.
Các cảng khu vực TP. HCM có tỷ lệ lấp đầy rất cao và đang niêm yết dịch vụ xếp dỡ ở mức giá sàn của thông tư cũ. Do đó, chính sách mới sẽ giúp các cảng được nâng 10% phí dịch vụ so với hiện tại. Các cảng nước sâu có thể tiếp tục niêm yết dịch vụ xếp dỡ container ở mức giá trần, cao hơn 10% so với hiện tại.
Dựa trên những đánh giá đó, VDSC đã điểm tên 3 cổ phiếu nhóm ngành cảng biển có thể được hưởng lợi từ thông tư mới cho phép thay đổi phí xếp dỡ container, bao gồm CTCP Gamadept (mã: GMD), CTCP Cảng Sài Gòn (mã: SGP) và CTCP Cảng Hải Phòng (mã: PHP), do sở hữu những cảng ở khu vực TP HCM (GMD – cảng Bình Dương, SGP – cảng Sài Gòn) và cảng nước sâu (GMD – Gemalink, SGP – cảng CMIT, SSIT và PHP – cảng Lạch Huyện bến 3&4 đưa vào khai thác trong cuối năm 2024).
Về bối cảnh trong nước, lũy kế 11 tháng, tổng thông lượng container cả nước đạt 21,5 triệu TEU (giảm 6% so với cùng kỳ). Trong đó, sản lượng contaienr khu vực Hải Phòng và Vũng Tàu lần lượt đạt 5,6 triệu TEU (giảm 1% so với cùng kỳ) và 4,4 triệu TEU (giảm 8% so với cùng kỳ).
Cụm cảng nước sâu tại Vũng Tàu phục vụ chủ yếu các tuyến hải trình dài của thị trường Âu – Mỹ, khi dòng chảy thương mại đang cải thiện thì sản lượng thông qua trong hai tháng đầu quý IV cũng khởi sắc hơn so với nửa đầu năm. Trong khi đó, khu vực Hải Phòng vốn là điểm đến của các hãng tàu khai thác thị trường nội Á với mức độ suy giảm ít trầm trọng hơn.
Theo VDSC, nhìn chung, sản lượng container hai khu vực chính của Việt Nam phản ánh đúng với những diễn biến của thị trường xuất – nhập khẩu hàng hóa. Do nhu cầu giao thương tương đối yếu mà năm 2023 không chứng kiến màu cao điểm một cách rõ rệt. Dự kiến trong tháng 12/2023, sản lượng container sẽ không có sự đột biến so với hai tháng 10 và 11/2023.
Cũng trong giai đoạn 11 tháng, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, EU (thị phần xuất khẩu tương ứng là 29%, 12% và 11%) cũng đang cho thấy những chuyển biến tích cực.
Ước tính tháng 11/2023, giá trị xuất khẩu thông qua container đường biển sang các thị trường trên lần lượt là 5,3 tỷ USD (tăng 12% so với cùng kỳ), 2,3 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ) và 1,9 tỷ USD (giảm 1% so với cùng kỳ). Ngoại trừ thị trường Châu Âu, thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng dương.
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và khối ASEAN (thị phần nhập khẩu tương ứng là 35%, 12% và 11%) tiếp tục tăng trưởng âm.
Điểm tích cực đến từ thị trường Trung Quốc khi giá trị nhập khẩu hàng hóa container đường biển duy trì tăng trưởng dương hai tháng liên tiếp, điều này hàm ý các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nguyên liệu sản xuất để chuẩn bị đơn hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận