“Ghế nóng” đổi chủ, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng như thổi
Sự xuất hiện của các nhóm cổ đông mới kéo theo “ghế nóng” đổi chủ là một trong những lý do khiến bức tranh tài chính quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp khả quan, với con số lợi nhuận và giá cổ phiếu tăng bằng lần.
Cổ đông mới xuất hiện, cổ phiếu “lên hương”
Mới đây, ngày 14/10/2021, Tập đoàn Sun Group và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo thỏa thuận được ký kết, NCB và Sun Group sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm khai thác tối đa tiềm năng, tạo ra hiệu quả kinh doanh, tăng cường vị thế và sức cạnh tranh của mỗi bên.
Đây được xem là việc hiện thực hóa “mối lương duyên” của NCB và Sun Group khi bà Bùi Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc của Sun Group được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng này vào cuối tháng 7.
Ngay khi có thông tin này, bắt đầu từ tháng 8, cổ phiếu NVB của ngân hàng này đã liên tục “ngập” trong sắc tím, tăng mạnh mẽ từ mức hơn 17.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7, lên mức gần 30.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 8, lập đỉnh 34.700 đồng/cổ phiếu vào những ngày đầu tháng 9.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/10, cổ phiếu NVB đang ở mức 28.700 đồng/cổ phiếu, giảm 1,03% so với phiên trước. Nhưng cổ phiếu này đã tăng 37,3% so với hồi cuối tháng 7 trước khi có thông tin về biến động nhân sự, tăng tới hơn 160% so với những phiên giao dịch đầu năm 2021.
Kết quả kinh doanh 9 tháng của NCB đang khá “sáng sủa” so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng năm 2021 của NCB cho thấy, ngân hàng này ghi nhận khoản lãi trước thuế gần 80 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước, do không ghi nhận khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Lũy kế 9 tháng, NCB ghi nhận lãi trước gần 206 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của NCB tăng tới 31% so với hồi đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ mức 1,51% hồi cuối năm 2020 lên 1,94%.
Không chỉ NCB, sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới cũng khiến lợi nhuận quý 3 cũng như giá cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp tăng bằng lần. Và thị trường chứng khoán giữa mùa Covid-19 vẫn luôn “nóng hổi” trước hàng loạt thông tin về thay đổi nhân sự cao cấp.
Đơn cử, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UpCom: KLB) cũng đã tăng sốc từ nửa cuối tháng 9, có phiên tăng kịch trần tới 14%. Cổ phiếu KLB tăng mạnh nhờ thông tin ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sunshine Group được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc. Trước đó, từ tháng 5/2021, bà Trần Thị Thu Hằng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank.
Ngay khi ra mắt, ông Tuấn đã mua 3,5 triệu cổ phiếu KLB để tăng lượng sở hữu của mình ở ngân hàng. Hiện tại, sau giao dịch, tân Phó Tổng giám đốc Kienlongbank đã nâng mức sở hữu từ hơn 12,4 triệu cổ phiếu lên hơn 15,9 triệu cổ phiếu KLB, tương đương với 4,97% vốn CP ngân hàng. Vừa qua, Kienlongbank đã phát đi thông báo dự kiến phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 13%. Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền nhận cổ tức là 29/10/2021.
Theo báo cáo tài chính mới công bố của Kienlongbank, trong quý 3, ngân hàng này báo lãi trước thuế tăng 83,33% so với cùng kỳ, đạt gần 73 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt gần 879 tỷ đồng và 664 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ.
Một ngân hàng khác cũng có biến động nhân sự liên quan đến doanh nghiệp khác là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB). Theo đó, vào tháng 9/2021, HĐQT VietABank đã ra nghị quyết bổ nhiệm ông Phương Thành Long giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Đáng nói, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của VietABank cho thấy vị tân Chủ tịch này không nắm giữ cổ phiếu nào của ngân hàng. Nhưng ông Long lại là con trai của ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai của cựu Chủ tịch Phương Hữu Việt). Ông Phương Hữu Việt và Tập đoàn Việt Phương là ông Việt làm chủ lại đang là cổ đông lớn tại VietABank.
Tuy nhiên, do VAB mới “chào sàn” hồi tháng 7, vẫn niêm yết trên UPCoM và nhân sự mới cũng đã có thời gian làm việc tại ngân hàng nên cổ phiếu VAB ít bị ảnh hưởng, hầu như đi ngang.
Những bức tranh tối màu
Trong nhóm cổ phiếu penny, biến động nhân sự cùng sự biến đổi của hàng loạt công ty con cũng là tác nhân khiến cổ phiếu “họ Louis” lúc thì liên tục “tím”, nhưng lại nhanh chóng chuyển màu “xanh lơ”, giảm sàn liên tục vào đầu tháng 10 khi đã đạt đỉnh vào cuối tháng 9. Không chỉ giảm sâu, các mã cổ phiếu “họ Louis” còn mất thanh khoản với khối lượng dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị. Thậm chí, một số cổ phiếu tăng “sốc” nhiều phiên đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện đang bị kiểm soát hoặc cảnh báo.
Ngày 11/10, Công ty CP Louis Holdings đã công bố quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Mai Long. Theo đó, ông Long sẽ đảm nhiệm điều hành hệ sinh thái Louis Holdings, bao gồm một số công ty niêm yết trên sàn như: Công ty CP Louis Land (HNX: BII), Công ty CP Louis Capital (HoSE: TGG), Xuất Nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (HNX: VKC), Sametel (HNX: SMT)... và nhiều dự án khác.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Louis Holdings liên tục biến động với thay đổi về tên thương hiệu, chủ sở hữu và kéo theo đó là những điều chỉnh về nhân sự lãnh đạo, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Louis Holdings lý giải, giá cổ phiếu tăng giảm là do cung cầu trên thị trường, dựa vào kỳ vọng của nhà đầu tư vào danh mục đầu tư và triển vọng của TGG.
“Ngoài việc tập trung vào các hoạt động kinh doanh chúng tôi không tham gia hoặc tương tác vào giá cổ phiếu TGG dưới bất kì hình thức nào”, ông Nhân khẳng định.
Về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2021, SSI Research cho rằng, lợi nhuận chậm lại trong quý 3/2021 do tác động từ giãn cách đã được chiết khấu phần lớn vào diễn biến giá trong 2 tháng gần đây. Trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô/xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách, một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất. Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), một trong 2 lý do khiến thị trường đối mặt với áp lực điều chỉnh là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như bất động sản và ngân hàng chưa có nhiều động lực dẫn dắt trong ngắn hạn khi kết quả kinh doanh quý 3 tiêu cực hoặc tăng trưởng chậm lại theo quý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận