FTM lỗ hơn gấp đôi sau kiểm toán, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
So với báo cáo tự lập, lỗ ròng 2022 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (UPCoM: FTM) cao gấp 2.1 lần, lên mức hơn 473 tỷ đồng sau kiểm toán.
Lỗ hơn gấp đôi sau kiểm toán
Nguyên nhân là do việc trích lập dự phòng các khoản công nợ phải thu khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ gần 17 tỷ đồng lên gần 289 tỷ đồng sau kiểm toán, tương đương gấp 17.2 lần báo cáo tự lập.
Tại ngày 31/12/2022, FTM phát sinh mới gần 386 tỷ đồng nợ xấu, trong đó Công ty dự kiến chỉ có thể thu hồi được hơn 116 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC kiểm toán năm 2022
Đáng chú ý, tại BCTC năm 2022 của FTM, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với việc báo cáo tài chính này được lập trên cơ sở hoạt động liên tục do tại ngày 31/12/2022, tổng số nợ phải trả của Công ty đã vượt quá tổng số tài sản là gần 385 tỷ đồng và phát sinh khoản lỗ trên báo cáo tài chính hơn 473 tỷ đồng. Ngoài ra các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền hơn 602 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền hơn 511 tỷ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, giá trị của giả định hoạt động liên tục sử dụng trong việc lập báo cáo tài chính này cơ bản tùy thuộc vào việc Ban Giám đốc đưa ra các chiến lược kinh doanh để cải thiện tình hình của Công ty cũng như duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, FTM đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, đã và đang phải thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh và quản lý tài chính.
Giải trình về việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty, FTM cho biết trong năm 2022, tổng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Công ty đã phát sinh bù trừ là 14.7 tỷ đồng; số thuế GTGT hàng nhập khẩu và thuế nhập khẩu đã thực nộp bằng tiền là 10.3 tỷ đồng, tiền thuê đất đã nộp 466 triệu đồng, thuế TNCN phát sinh đã nộp 118 triệu đồng. Số lao động của Công ty tăng từ 447 lao động tại ngày 31/12/2021 lên 574 lao động tại ngày 31/12/2022. Tính tới kỳ quyết toán thuế năm 2022, Công ty không phát sinh nợ thuế. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn hoạt động bình thường.
"Hiện tại, Công ty có đối tác cung cấp trước nguyên liệu đảm bảo sản xuất ổn định cho nhà máy 1 và 2, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng góp vốn hợp tác kinh doanh đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho nhà máy thứ 3 khi thị trường ấm lên.
Về sản xuất kinh doanh, nếu như trước đây Công ty chỉ đơn thuần sản xuất mặt hàng sợi cotton tập trung chủ yếu là sợi chi số 31 thì hiện nay sau hơn 1 năm tái cơ cấu lại sản xuất mặt hàng, Công ty đã đa dạng được sản phẩm gồm: Sợi PE nguyên sinh, sợi PE tái sinh không qua tẩy nhuộm, sợi cotton truyền thống. Thị trường hướng tới của Công ty cũng đa dạng hơn trước thay vì tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc như Ấn Độ, Morocco, Hàn Quốc, Thái Lan, đặc biệt là thị trường trong nước. Tuy nhiên năm qua Công ty gặp bất lợi trong việc phát triển mở rộng thị trường cho mặt hàng sợi mau do những khó khăn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
Phản ứng trước tình trạng kinh doanh bết bát của FTM, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo sẽ đưa cổ phiếu FTM vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 07/04/2023 do Công ty có vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính năm 2022 và đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo này.
Theo đó, cổ phiếu FTM chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận