Doanh nghiệp Việt và động lực chinh phục thế giới qua sàn TMĐT
Không chỉ đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước mà nhiều doanh nhân còn bán được hàng xuyên biên giới thông qua sàn thương mại điện tử.
Bán xuyên biên giới
Trao đổi với Báo Tin tức, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) cho biết, chỉ cần vào mạng gõ tên “nông sản an toàn Thanh Hóa” hoặc “postmart.vn”, “voso.vn”... và tìm kiếm tên các sản phẩm mình quan tâm, ngay lập tức thông tin các sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin về giá, xuất xứ sản phẩm... Theo ông Tú, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đưa các sản phẩm của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn lên các sàn giao dịch, đến nay các sản phẩm của HTX đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn TMĐT nhiều hơn các đơn hàng từ kênh bán truyền thống gấp 2 đến 3 lần...
Tương tự, chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc HTX Bản Thổ (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, Thanh Hoá) cũng nhờ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mà việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm. Trong năm 2022, HTX dự kiến sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong, gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như gừng, tỏi, nghệ... Gần như 100% đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Không chỉ đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hoá trong nước, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới nhờ sàn TMĐT. Nhiều năm tham gia xuất khẩu mặt hàng nông sản trên sàn Alibaba.com, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nhận định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.
“Ước tính doanh thu nửa đầu năm 2022 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm. Việc tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới đã giúp công ty tôi nâng doanh thu xuất khẩu,từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD chỉ trong một năm sau đó”, bà Yến Phi dẫn chứng.
Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Alibaba.com Việt Nam xác nhận, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản.
“Bình quân mỗi ngày một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông sản, đặc biệt là nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thức uống, gia vị… có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Điều này cho thấy thị trường nông sản, thực phẩm, nước uống vô cùng tiềm năng và đầy dư địa phát triển. Các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực này có cơ hội rõ ràng để kết nối với khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang nhiều thị trường mới”, ông Tùng phân tích.
Vẫn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp
Theo đánh giá của các sở ngành, địa phương, mặc dù thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp nông dân có thêm nhiều kênh tiêu thụ, song vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân, đối tượng chính tham gia chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nên kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế; đa số nông sản chủ yếu là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn.
Trước vấn đề này, từ những tháng đầu năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ban hành các kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản trên TMĐT với các Sở, ban ngành liên quan tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Cần Thơ… Bên cạnh đó, Cục cũng nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp logistics để đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm nông sản Việt trên các sàn TMĐT.
Cụ thể, J&T Express có riêng mô hình vận chuyển dành riêng cho sản phẩm nông sản và hàng tươi sống. Đặc biệt, đơn vị này còn đồng hành cùng nông dân trong việc hướng dẫn trực tiếp cách livestream sản phẩm trên mạng xã hội, hỗ trợ thu hoạch và bán sản phẩm cho bà con, đảm bảo chất lượng vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Nhờ vào đó, các hộ nông dân có thể làm chủ giá cả mà không cần thông qua bất cứ đơn vị nào khác.
Trong khi đó, Viettel Post hỗ trợ tập huấn, trang bị kiến thức về chụp ảnh, cập nhật đơn hàng, tương tác với khách hàng cho tới việc đóng gói, bảo quản sản phẩm các hộ sản xuất, HTX. Ngoài ra, Viettel Post còn hỗ trợ miễn phí các kinh phí đưa nông sản lên sàn TMĐT Voso.vn để giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đa kênh.
Với sự hỗ trợ và sự đổi mới liên tục theo xu hướng người tiêu dùng kể từ sau đại dịch COVID-19 đã tạo tiền đề cho mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F: Feed – Farm – Food (từ trang trại đến bàn ăn), với mục tiêu cốt lõi tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và vận chuyển đến tay người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon như khi còn ở trang trại.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, mô hình vẫn tồn tại những thách thức, nhất là việc quản lý bán hàng, từ khâu bán đến khâu mua. Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express nhận định: “Với xu thế trực tuyến mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, sàn TMĐT, người nông dân hay KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đều giữ một vị trí cân bằng. Các doanh nghiệp phải cùng nhau đề xuất giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân từ điểm A đến điểm B để việc giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một đơn vị”.
Vì thế, bên cạnh việc kết nối với các đơn vị logistics, việc quản lý hàng hoá khi bán hàng trên sàn TMĐT cũng là yếu tố quan trọng. Ông Lâm Thế Khải, Giám đốc sản phẩm UPOS chia sẻ: “Hiện có nhiều doanh nghiệp bán hàng và doanh nghiệp logistics đang sử dụng phần mềm UPOS. Đây là phần mềm có mối liên kết chặt chẽ với các sàn TMĐT với các tính năng đa dạng về quản lý sản phẩm, đơn hàng và hàng tồn kho. Theo đó, người bán có thể dễ dàng quản lý hàng hóa, giám sát vận chuyển và thông tin khách hàng chỉ với vài thao tác đơn giản. Điều này giúp tăng khả năng bán hàng thành công của họ”.
Theo các doanh nghiệp, chỉ khi các bên cùng nhau phối hợp nhịp nhàng để mang lại trải nghiệm tối ưu nhất cho người tiêu dùng thì không chỉ nông dân mà nền nông nghiệp nước nhà mới có thể vươn lên một tầm cao mới, hoà chung với xu thế phát triển của thế giới.
Nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu
Để nâng cao vị thế nông sản nước nhà trên thị trường quốc tế, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến sản phẩm…
Trao đổi về vấn đề này với Hà Nội mới, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng (Tp.Hồ Chí Minh) thông tin, nhằm đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu, Vina T&T đã xây dựng nhiều vùng trồng bảo đảm các hàng rào kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Mỗi thị trường có những hàng rào kỹ thuật khác nhau, nhưng nhìn chung đều khuyến khích canh tác theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch.
Để nông sản đặc trưng của Thủ đô khẳng định vị thế tại các thị trường có giá trị cao, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ tạo bước đột phá, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu… Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Trước mắt, thành phố tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, thời gian tới, đơn vị sẽ hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thực hiện các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đồng thời đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi...
Cùng với việc rà soát, loại bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hệ thống, kênh phân phối nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; hình thành chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; đẩy mạnh chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể, nhãn mác an toàn thực phẩm...
Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Nông nghiệp và nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, có thể tin tưởng trong thời gian không xa, thương hiệu nông sản Việt Nam sẽ đứng vững, tạo lập vị thế mới tại các thị trường quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận