Doanh nghiệp phân bón ‘bội thu’ quý cuối năm
Giá phân bón lao dốc sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2022 đã khiến lợi nhuận doanh nghiệp phân bón giảm sâu. Từ tháng 6/2023, giá phân bón tạo đáy và vào chu kỳ hồi phục, nhiều doanh nghiệp phân bón bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trở lại.
Theo ghi nhận của Nhadautu.vn, nhiều doanh nghiệp phân bón công bố BCTC hợp nhất quý IV/2023 với khoản lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, có đơn vị lập kỷ lục mới.
Nhờ đó, dù các chi phí đồng loạt tăng nhưng lợi nhuận ròng vẫn gấp 8,8 lần cùng kỳ lên 62,5 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lãi ròng 70,2 tỷ, giảm 80% do 2 quý đầu năm lãi mỏng (vài trăm triệu đồng). Riêng quý cuối năm đã mang về 89% lợi nhuận cả năm.
Doanh nghiệp cho biết sản lượng DAP tiêu thụ trong quý đạt 61.649 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân giảm 13,5% nên doanh thu chỉ tăng nhẹ. Song, giá một số nguyên liệu trong kỳ giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như lưu huỳnh giảm 61%, amoniac giảm 41,5% và hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho làm giá vốn giảm, cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Theo Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS), thị trường phân bón quý IV trong nước diễn biến phức tạp nên nhu cầu dự trữ phân bón của khách hàng tương đối thấp, sản lượng tiêu thụ của công ty giảm 19,5% khiến doanh thu giảm 24,7% xuống 549 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty dự báo được nên đã mua được các lô nguyên liệu giá thấp hạ giá thành sản phẩm. Biên lãi gộp đạt 34,8%, tăng so với mức 20,2% cùng kỳ năm trước. Kết hợp với việc siết chặt quản lý công nợ, quản trị và điều tiết dòng tiền giúp chi phí tài chính LAS giảm 5,2 tỷ đồng và doanh thu tài chính tăng 10 tỷ đồng.
Các yếu tố trên đã giúp lợi nhuận quý cuối năm đạt 54 tỷ đồng, gấp đôi quý IV/2022 và đạt mức cao nhất năm. Lũy kế cả năm, lợi nhuận ròng 149 tỷ đồng, tăng 58%.
Chủ sở hữu thương hiệu phân bón Đầu Trâu – Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã: BFC) cũng có quý cuối năm lạc quan khi doanh thu tăng 16% đạt 2.203 tỷ đồng, lãi ròng tăng 55% đạt 36,4 tỷ đồng. Do quý đầu năm thua lỗ nên lũy kế cả năm lợi nhuận BFC giảm nhẹ từ 150 tỷ xuống 148 tỷ đồng.
Gây bất ngờ hơn cả là Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã: DHB) khi báo lãi kỷ lục 1649 tỷ đồng quý IV. Nhờ đó, cả năm, công ty có lãi 860 tỷ đồng, thoái khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Nguyên nhân là do công ty có khoản lợi nhuận khác đột biến 1.802 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, trong quý IV/2023, đề án tái cơ cấu các khoản nợ vay đầu tư của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, lãi suất cho vay đối với khoản vay tại ngân hàng được điều chỉnh về mức 8,55%/năm kể từ 1/1/2022, xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả phát sinh chưa trả đến 31/12/2022, kéo dài thời gian vay thêm 8 năm, dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ 22/12/2023.
Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) ghi nhận doanh thu quý cuối năm đạt 3.566 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 493 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước doanh thu và lợi nhuận còn giảm do giá bán phân bón giảm mạnh. Song, đây là quý có kết quả kinh doanh tốt nhất năm, đóng góp 44,5% lợi nhuận cả năm.
Theo Mirae Asset, năm 2022 ngành phân bón thăng hoa với kết quả kinh doanh vượt trội nhờ giá bán tăng cũng như điều kiện thị trường thuận lợi. Sang năm 2023, ngành phân bón gặp áp lực suy giảm doanh thu lẫn lợi nhuận vì giá phân bón lao dốc sau khi tạo đỉnh vào tháng 5/2022. Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón cũng bắt đầu suy giảm từ quý III/2022.
Thế nhưng, vào tháng 6/2023, giá phân bón đã tạo đáy và trong chu kỳ phục hồi trước áp lực nguồn cung toàn cầu suy giảm. Nhờ vậy, lợi nhuận ngành phân bón cũng có sự cải thiện.
Theo VCBS, nguồn cung toàn cầu thắt chặt sẽ là yếu tố giúp giá phân bón phục hồi. Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 3 thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu), tiếp tục hạn chế xuất khẩu urê bằng cách thắt chặt kiểm tra pháp lý để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Nga, quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, áp hạn ngạch xuất khẩu phân đạm trong 6 tháng. Từ 1/10/2023, Nga bắt đầu áp dụng thuế xuất khẩu linh hoạt gắn với tỷ giá đồng Ruble với nhiều hàng hóa, mức thuế áp dụng cho phân bón có thể lên tới 10% và duy trì đến cuối năm 2024 để bảo vệ thị trường nội địa.
Đồng thời, sản xuất urê ở EU dự kiến ở mức thấp do giá thành quanh vùng 380 – 390 USD/tấn cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu từ Ai Cập. Các nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng. Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân urê tại nước này, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu cũng được dự báo tăng chậm lại so với 2023. IFA dự báo tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ phân bón thế giới sẽ chậm lại trong trung hạn, từ mức 4% trong năm tài chính 2023 xuống 1,3% trong năm tài chính 2027.
Với thị trường nội địa, giá phân bón giảm trong khi giá nông sản lên cao kích thích nhu cầu tiêu thụ phân bón. Đồng thời, theo yếu tố mùa vụ, nhu cầu phân bón lên cao vào quý IV/2023 và quý I/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân (cuối tháng 10 đến tháng 1) kéo giá phân bón phục hồi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận