Doanh nghiệp nhiệt điện than “so kè” lãi
Các doanh nghiệp điện than miền Bắc đều có kết quả kinh doanh quý I năm nay vượt trội so với cùng kỳ. Cổ phiếu nhóm này cũng đang được thị trường chú ý hơn khi bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh.
Lãi sau thuế QTP tăng 57%
Theo thông tin từ Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), tính đến hết ngày 31/3/2024, sản lượng điện sản xuất của Công ty là 1,965 tỷ kWh, vượt 1,7% kế hoạch quý; sản lượng điện thương phẩm là 1,796 tỷ kWh, vượt 2,1 % kế hoạch quý. Mức sản lượng điện sản xuất quý I/2024 của Công ty bằng 108,24% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu thuần trong quý I/2024 của QTP đạt gần 3.009,8 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng nhờ giá vốn giảm 3,2%, còn 2.726 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp tăng gần 60%, đạt 284 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhờ chi phí tài chính giảm được 55%, còn 8,6 tỷ đồng (do chi phí lãi vay giảm) giúp QTP mang về 226,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 57% so với quý I/2023.
Ban lãnh đạo QTP cho biết, ngay từ đầu năm, Công ty đã triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, trong đó trọng tâm vào các khâu: chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất; tăng cường kỷ cương, kỷ luật vận hành; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, khắc phục các khiếm khuyết, duy trì các tổ máy vận hành ổn định, tin cậy giúp kinh doanh cải thiện.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng dự kiến tăng cao trong năm 2024, lũy kế sản lượng điện năm 2024 tính đến ngày 31/3/2024 của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) là 1,816 tỷ kWh, đạt 23,46% kế hoạch năm; sản lượng điện thương phẩm đạt 1,651 tỷ kWh, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, trong quý I/2024, doanh thu thuần của HND đạt 2.788,6 tỷ đồng, tăng 8,5% so với quý I/2023. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng hơn 2%, lên 2.580 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của HND đạt đạt 208,5 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong kỳ này, doanh thu tài chính Công ty giảm từ 7,1 tỷ đồng về chỉ còn 251 triệu đồng. Nhờ hoạt động sản xuất điện thuận lợi, lợi nhuận sau thuế của HND vẫn đạt 154,7 tỷ đồng, cách xa mức lãi 10,1 tỷ đồng của quý I/2023, tương ứng gấp 15 lần.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I năm nay, Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) mang về 1.996 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng 48%, lên 1.901 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp của PPC đạt 95 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Điểm tích cực của PPC đến từ doanh thu tài chính tăng 135%, đạt 95 tỷ đồng chủ yếu nhờ các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị PPC góp vốn. Nhờ tất cả các yếu tố trên, dù chi phí quản lý doanh nghiệp của PPC tăng 34%, lên 31 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế quý I của PPC vẫn đạt 157 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với 40 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình từ phía PPC, nguyên nhân chính làm tăng lãi do sản lượng bán điện quý I năm nay cao hơn cùng kỳ 417,09 triệu kWh. Điều này phần lớn do điều kiện thủy văn kém thuận lợi ở những tháng đầu năm, khiến huy động dành cho nhiệt điện tăng cao.
"Đến thời" của cổ phiếu nhiệt điện
Trên thị trường chứng khoán, trong giai đoạn đầu năm, nhóm cổ phiếu nhiệt điện không nhận được sự chú ý do dòng tiền mải miết tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành có mức sinh lời tốt hơn, nhưng diễn biến đã có sự cải thiện tích cực trong tuần qua.
Kết thúc tuần qua (từ ngày 15-19/4), VN-Index đóng cửa ở mức 1.174,85 điểm, giảm 101,75 điểm, tương ứng 8% so với tuần trước. Đây cũng là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay, đồng thời kết thúc xu hướng tăng kéo dài trong suốt 5 tháng khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn. Với áp lực bán mạnh, hầu hết các nhóm ngành trong tuần qua đều giảm điểm mạnh như tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dầu khí, vật liệu…, với nhiều cổ phiếu có mức giảm trên 10%, thậm chí trên 20%.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu nhiệt điện than đã phát huy rất tốt vai trò là nhóm cổ phiếu phòng thủ khi chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong đó HND, PPC giảm chưa tới 1%, QTP giảm sâu hơn là 3%; thanh khoản cải thiện rõ rệt sau thời gian nhóm này không được thị trường chú ý.
Theo chia sẻ của ông Bùi Võ Thế Vinh, chuyên viên phân tích VCBS, đối với các doanh nghiệp nhiệt điện than, đây sẽ là nhóm doanh nghiệp có triển vọng khá tích cực trong năm nay do khu vực miền Bắc sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong mùa khô sắp tới do cơ cấu nguồn điện chủ yếu gồm thủy điện (chiếm hơn 40% nguồn điện) và nhiệt điện than (chiếm trên 50% công suất), do đó nhiệt điện than sẽ được huy động cao trong năm nay.
"Thực tế từ đầu năm đến nay, tỷ trọng sản lượng nhiệt điện than huy động luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng điện. Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ khác là đà giảm của giá than sẽ giúp hạ nhiệt giá thành sản xuất của loại hình này, do đó sẽ được ưu tiên phân bổ sản lượng cao hơn. VCBS đánh giá các doanh nghiệp như QTP, HND sẽ được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh trên", ông Vinh đánh giá.
Đồng thời, QTP, HND hiện nay đều đã dần bước vào giai đoạn chi trả cổ tức cao do hết nợ vay, khấu hao, sản lượng ổn định và không có nhu cầu đầu tư lớn, các cơ hội này sẽ mang lại tỷ suất cổ tức cho nhà đầu tư tốt hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Đơn cử vào cuối năm 2023, sau khi hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cả QTP và HND đều thực hiện đem toàn bộ tiền chia cổ tức cho cổ đông, dù trước đó hai đơn vị này mới tạm ứng cổ tức năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận