Doanh nghiệp du lịch trên sàn sống ra sao sau 2 năm "chịu đòn" Covid-19?
Du lịch quốc tế chính thức mở cửa trở lại mang đến hy vọng cho các doanh nghiệp. Hai năm qua, nhiều doanh nghiệp du lịch chật vật tìm cách tồn tại, nhiều doanh nghiệp chìm trong thua lỗ.
Chật vật với ngành kinh doanh chính, sống dựa vào tiền lãi ngân hàng, đầu tư tài chính
Chiều 16/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Các doanh nghiệp du lịch đang tràn trề hi vọng sau 2 năm gần như đóng băng. Nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành du lịch, hàng không, khách sạn vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn dù.
Công ty Vietourist (mã chứng khoán: VTD) cũng vừa trải qua một năm ảm đạm khi doanh thu tăng 25% (đạt 130 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận gộp chỉ bằng một nửa so với năm trước, vỏn vẹn 4,1 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới gần 17 tỷ đồng trong khi năm trước vẫn dương 50 tỷ đồng. Thêm vào đó, hàng tồn kho của công ty tăng gấp 3 lần, nợ phải trả tăng 1,7 lần. Nợ vay và thuê tài chính chiếm 63,5% tổng nợ phải trả.
Mặc dù hoạt động kinh doanh chính đi xuống, song năm 2021, lợi nhuận trước thuế của công ty vọt lên 12,6 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm trước là nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 24 lần so với năm trước, đạt 15 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty thoái vốn khỏi Hoàng Kim Tây Nguyên thoái vốn, bán 1,44 triẹu cổ phần Công ty cổ phần Hoàng Kim Tây nguyên.
Cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 năm vừa qua là Công ty Bất động sản Ninh Vân Bay (mã chứng khoán: NVT). Hiện công ty này chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Tuy nhiên, 3 quý đầu năm công ty đều thua lỗ liên tiếp. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Ninh Vân Bay ghi nhận doanh thu thuần đạt 86 tỷ đồng, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lỗ sau thuế lên tới gần 700 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Như vậy, lỗ lũy kế của NVT đang "ăn mòn" 77% vốn chủ sở hữu (hơn 400 tỷ đồng) của doanh nghiệp.
Công ty Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (HoSE: TCT) cũng lỗ nặng quý IV/2021 với doanh thu sụt giảm 8,7 lần so với cùng kỳ khiến công ty lỗ 5,8 tỷ đồng quý IV/2021. Tuy vậy, tính chung cả năm, TCT báo lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng, giảm mạnh với thời điểm trước dịch bệnh. Năm 2020, công ty cũng chỉ ghi nhận 417 triệu đồng lợi nhuận.
Không riêng khối ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng khá ảm đạm. Năm 2021, Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) chỉ đạt doanh thu đạt 103 tỷ đồng, giảm 74% so với năm trước trong khi lợi nhuận giảm tới 99,4% so với cùng kỳ. Năm 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty âm tới 47,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước dương gần 64 tỷ đồng.
Khả quan nhất trong các doanh nghiệp du lịch có lẽ là Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH). Năm 2021, công ty này đạt doanh thu trên 680 tỷ đồng, vượt 135% kế hoạch và lợi nhuận đạt trên 44 tỷ đồng.
Du lịch phục hồi, cổ phiếu sẽ lên ngôi?
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (năm 2019). Tuy nhiên, năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ còn đạt đạt 157.300 lượt, lượng khách du lịch nội địa chỉ còn 40 triệu lượt. Việc mở cửa trở lại thị trường du lịch đang đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp ngành này.
Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI, nhóm du lịch, lữ hành sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD (CTCP Du lịch Vietourist), VNG (CTCP Du lịch Thành thành công); CTC (CTCP Tập đoàn Hoàng kim Tây Nguyên); TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh). Tuy nhiên, VTD đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn để mua thêm xe ô tô và trả nợ ngân hàng, do đó lợi nhuận đem về cho cổ đông sẽ bị suy giảm.
Nhóm lưu trú du lịch cũng là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi bao gồm: DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).
Nhóm vận tải du lịch chỉ hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. Tuy nhiên, với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao.
Trong nhóm này, cổ phiếu ACV được đánh giá là hưởng lợi mạnh nhất từ câu chuyện hồi phục sau dịch. Theo dự đoán của SSI, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của ACV sẽ tăng 341% từ nền thấp năm 2021 nhờ khách quốc tế tăng mạnh, chịu sức ép giảm giá bán và không phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng và hiệu ứng chuyển sàn (chuyển niêm yết từ UPCOM sang HoSE).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận