DNP có lãi quý 2 cao nhất 6 năm, gấp trăm lần cùng kỳ nhờ đâu?
Nhờ hoạt động thoái vốn một số đơn vị trong hệ sinh thái, CTCP DNP Holdings (HNX: DNP) báo lãi ròng quý 2/2023 gấp 104 lần cùng kỳ, đạt hơn 51 tỷ đồng. Đây là quý có lãi cao nhất của Công ty trong 6 năm qua.
(Đvt: Tỷ đồng)
Quý 2/2023, DNP ghi nhận doanh thu thuần khoảng 2,000 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm mạnh hơn giúp lãi gộp thu về hơn 294 tỷ đồng, tăng 4%. Biên lãi gộp được cải thiện lên 14.7%, từ mức 13.7% cùng kỳ.
Kết quả khởi sắc đến từ hoạt động tài chính, mang về 417 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 74% so với cùng kỳ, chủ yếu do lãi từ hoạt động đầu tư. Đối trọng lại, chi phí tài chính cũng tăng 43% lên gần 320 tỷ đồng.
Kỳ này, chi phí bán hàng đi ngang ở mức 118 tỷ đồng, trong khi đó Doanh nghiệp tiết giảm được 20% chi phí quản lý (còn 111 tỷ đồng).
Sau khi trừ thuế phí, DNP báo lãi ròng quý 2 tăng vọt lên hơn 51 tỷ đồng, từ mức 491 triệu đồng cùng kỳ, tương ứng gấp 104 lần. Đây là mức lãi theo quý cao nhất của Công ty từ quý 3/2017.
Lý giải về kết quả khả quan, DNP cho biết chủ yếu do thoái vốn ở một số đơn vị trong Công ty. Tại cuối tháng 6/2023, DNP đang sở hữu 4 công ty con trực tiếp, 20 công ty con gián tiếp và 6 công ty liên kết.
So với danh sách cuối tháng 3, DNP đã giảm số lượng 1 công ty liên kết là CTCP Cấp nước Cà Mau (UPCoM: CMW) và 2 công ty con gián tiếp (CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, CTCP Công trình Đô thị Châu Thành). Khả năng cao, đây là các thương vụ giúp DNP thu về khoản lãi thoái vốn và được ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 2/2023.
Vào giữa tháng 6/2023, CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) thông báo nhận chuyển nhượng gần 3.8 triệu cp, tương ứng 24.4% vốn của Cấp nước Cà Mau (CMW) từ DNP Water (công ty con do DNP sở hữu 51.15%). Giá nhận chuyển nhượng là 14,300 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị hơn 54 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3/2023.
Trước đó, công ty liên kết của TDM là CTCP Nước - Môi Trường Bình Dương (Biwase, BWE) thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước gồm CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An; CTCP Công trình Đô thị Châu Thành; CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc; CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.
Trong danh sách trên, có 3 công ty thuộc hệ sinh thái DNP gồm Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, Công trình Đô thị Châu Thành và Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Như vậy, khả năng cao BWE là bên mua trong các thương vụ thoái vốn của DNP trong quý 2.
Vượt 38% kế hoạch lợi nhuận năm
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của DNP
(Đvt: Tỷ đồng)
Lũy kế 6 tháng đầu năm, DNP ghi nhận doanh thu thuần gần 3,482 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Kết quả lãi khủng quý 2 giúp lãi ròng bán niên gấp 22.5 lần cùng kỳ, đạt gần 52 tỷ đồng.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8,432 tỷ đồng, tăng gần 10% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi trước thuế dự kiến giảm 27% xuống 124 tỷ đồng. Với kết quả lãi trước thuế gần 171 tỷ đồng trong 6 tháng, DNP đã vượt 38% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tại cuối quý 2/2023, DNP sở hữu hơn 15.7 ngàn tỷ đồng tổng tài sản, giảm 772 tỷ đồng so với đầu năm. Một nửa trong đó là tài sản ngắn hạn (hơn 8 ngàn tỷ), doanh nghiệp có gần 1.2 ngàn tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi; đầu tư chứng khoán kinh doanh (hơn 425 tỷ đồng).
Trong khi đó, nợ phải trả hơn 11 ngàn tỷ đồng, giảm 881 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm 55% là nợ ngắn hạn, gồm hơn 4.2 ngàn tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng 7%). Còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn gần 3 ngàn tỷ đồng (giảm 22%).
Trên sàn chứng khoán, từ giữa tháng 6, giá cổ phiếu DNP bắt đầu tăng mạnh lên mức 31,500 đồng/cp (kết phiên 29/06) - vùng giá cao nhất 15 tháng. Sau đó, thị giá DNP giảm liên tục xuống 23,600 đồng/cp (phiên chiều 01/08), tương ứng giảm 25% sau hơn 1 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận