Điểm tên loạt 'ông lớn' bất động sản nợ trái phiếu nghìn tỷ
Có 182 doanh nghiệp bất động sản còn dư nợ trái phiếu, tổng dư nợ gần 351.400 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu đến hạn khoảng 99.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều 'ông lớn' bất động sản có nợ trái phiếu đáo hạn lên tới nghìn tỷ.
Dư nợ trái phiếu bất động sản gần 351.400 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Dẫn dữ liệu tình hình trái phiếu đang lưu hành đến ngày 31/12/2023 theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính thông tin, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 351.390 tỷ đồng.
Trong danh sách các doanh nghiệp bất động sản "ôm nợ" trái phiếu nhiều nghìn tỷ có những cái tên đáng chú ý: Công ty TNHH Capitaland Tower hơn 12.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có những cái tên khác như: CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Địa ốc Việt Hân) 9.700 tỷ đồng; CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam khoảng 9.300 tỷ đồng, CTCP Bất động sản Hano-vid khoảng 9.500 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, Công ty CP Thái Sơn Long An 8.700 tỷ đồng;
Danh sách này còn có CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova khoảng 6.500 tỷ đồng; Công ty TNHH Nova Thảo Điền 2.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, các "ông lớn" bất động sản ôm nợ trái phiếu nhiều nghìn tỷ đồng theo báo cáo của Bộ Tài chính còn có CTCP Đầu tư Golden Hill 5.760 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Nam Long khoảng 3.100 tỷ đồng, Công ty TNHH Thành phố Aqua 2.400 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Hải Phát hơn 1.840 tỷ đồng, Công ty TNHH KN Cam Ranh hơn 1.600 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest 1.300 tỷ đồng...
Loạt doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ
Bộ Tài chính cũng cho hay, trong năm 2024, có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng.
Danh sách các doanh nghiệp có nợ trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ trong năm nay có Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Golden Hill hơn 5.760 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An 4.700 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam 4.695 tỷ đồng, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển bất động sản Nhật Quang 2.150 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có thể kể đến: CTCP Đầu tư Hải Phát hơn 1.340 tỷ đồng, Công ty TNHH Thành phố Aqua 1.100 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest hơn 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Geleximco - CTCP 980 tỷ đồng...
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho biết, dù đã hết quý I/2024 nhưng thị trường vẫn khá trầm lắng. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu vẫn chưa được cải thiện khiến thanh khoản kém, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp yếu… Các nhà phát hành trái phiếu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để trả nợ.
Mặc dù có một số doanh nghiệp phát hành những lô trái phiếu mới nhưng rất ít. Dù lượng phát hành trái phiếu mới giảm mạnh thì áp lực đáo hạn từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp địa ốc vẫn rất lớn.
Để giảm áp lực nợ trái phiếu trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ.
Trong đó, kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận