Đầu tư cổ phiếu Thép như thế nào? – Cổ phiếu quan tâm HPG HSG NKG (Phần 1)
Câu chuyện của nhóm thép – nhóm ngành mang tính chu kỳ: Đối với nhóm ngành tập trung vào sản xuất và kinh doanh sản phẩm như nhóm thép, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu từ công thức:
Doanh thu bán hàng = Giá bán (P) x Sản lượng (Q)
Đó cũng là nội dung của bài viết này:
Phần một, các yếu tố chính ảnh hưởng đến "GIÁ BÁN THÉP":
Anh Chị có thể theo dõi Chuỗi giá trị cơ bản của ngành thép Việt Nam dưới đây:
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những quy trình sản xuất riêng để cho ra thành phẩm khác nhau, nhưng về cơ bản có thể thấy các yếu tố NGUYÊN VẬT LIỆU ĐẦU VÀO: Giá thép HRC sẽ có tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm của 2 doanh nghiệp HSG, NKG – nhập khẩu về để sản xuất. Giá than cốc, quặng sắt và giá thép HRC sẽ tác động đến giá thành sản phẩm của HPG.
>>> Giá thép HRC tăng thì giá bán sẽ tăng theo, từ đó giúp tăng doanh thu. Đặc biệt là doanh nghiệp tích trữ được lượng hàng tồn kho giá rẻ, sẽ được hưởng lợi, gia tăng biên lợi nhuận gộp.
Nghiên cứu về ngành thép phải nhìn sang Trung Quốc - chiếm 50% sản lượng thép toàn thế giới, chính Trung Quốc điều tiết cuộc chơi giá thép toàn cầu.
>>> Giá thép HRC Trung Quốc vẫn trong xu hướng hồi phục từ đáy sau 1 nhịp giảm mạnh từ đầu năm 2023 nhờ Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kích thích kinh tế. Dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại khi nền kinh tế và thị trường bất động sản hồi phục trở lại, nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, từ đó hỗ trợ giá thép của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc xuất khẩu vào Việt Nam khi nước này liên tục hạ giá. Nhập khẩu thép Trung Quốc tăng sẽ làm tăng cung, nếu cầu không đủ mạnh, giá thép trong nước sẽ giảm. Do đó, bài toán kích thích “tăng cầu” tiêu thụ thép cũng đang được quan tâm.
• TỶ GIÁ: Với nguyên liệu đầu vào 50-60% là nhập khẩu (chi USD), biến động của tỷ giá sẽ có tác động đáng kể đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp thép. Các doanh nghiệp thép đều có một phần doanh thu bán hàng đến từ xuất khẩu (thu USD) (tỷ trọng xuất khẩu HPG 20-30%, HSG trên 50%, NKG dưới 30%), từ đó cân bằng phần nào tác động của tỷ giá đến doanh thu bán hàng của doanh nghiệp.
Đồng USD đã cho thấy đà tăng nhanh trở lại kể từ giữa năm 2023, tỷ giá USD/VND cũng không tránh khỏi xu hướng tăng mạnh từ chính sách tiền tệ trái chiều của Mỹ - Việt Nam, điều này đã làm gia tăng chi phí đầu vào, gây ra khoản lỗ lớn với các DN thép.
Vào những tháng cuối năm 2023, tỷ giá đã được chú ý hơn và NHNN đã đưa ra biện pháp để hạ nhiệt tỷ giá. Chỉ số DXY (cho thấy sức mạnh Dollar) cũng có dấu hiệu tạo đỉnh trong trung hạn >>> Có thể kỳ vọng tỷ giá sẽ không gây áp lực mạnh đến các doanh nghiệp ngành thép.
• THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN dân dụng có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép, khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.
Kể từ đầu năm 2023, hàng loạt chính sách đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam >> Hiện tại, một số tín hiệu tích cực hơn đã dần xuất hiện, kỳ thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và sôi động trở lại trong năm 2024, từ đó sẽ kéo theo nhu cầu thép xây dựng.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh cũng làm tăng nhu cầu về xây dựng nhà ở và hạ tầng. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2050, khoảng 60% dân số Việt Nam sẽ sống ở đô thị so với mức hiện tại là khoảng 35%. Đây là một tín hiệu đường dài rất tích cực cho ngành thép trong nước.
• TĂNG TRƯỞNG ĐẦU TƯ CÔNG – một trong những công tác trọng điểm của Chính Phủ để tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, giải ngân đầu tư công tuy vẫn còn khó khăn nhưng luôn có mức tăng đáng kể so với những tháng đầu năm. Thép là một thành phần vật liệu, là chi phí trực tiếp trong xây dựng và mỗi loại công trình sẽ cần tỷ lệ thép khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý đầu tư công chủ yếu là là công trình đường, tỷ trọng thép đóng góp chỉ 4% trong tổng chi phí theo hướng dẫn của Bộ Xây Dựng, tỷ trọng này khá thấp so với các nhóm ngành vật liệu xây dựng khác nên nhóm thép thường không nhạy với thông tin về đầu tư công như các nhóm ngành khác như ngành đá, …
Tình hình xuất khẩu thép đã có sự cải thiện rõ rệt từ đầu năm khi sản lượng và giá trị xuất khẩu của tháng sau liên tục cao hơn tháng trước, trong bối cảnh nền kinh các quốc gia nhập khẩu hồi phục dần (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, ASEAN)
Chúng ta vừa đi qua các yếu tố tác động tới “Giá bán” “Sản lượng” từ đó tác động tới doanh thu của các doanh nghiệp thép.
Bên cạnh đó, còn một yếu tố sẽ có tác động đến chi phí và lợi nhuận của các doanh nghiệp đó là LÃI SUẤT cho vay: Thép là ngành thâm dụng vốn khi khoản 55% cơ cấu tài sản được tài trợ bằng nợ vay, doanh nghiệp đi vay để xây dựng nhà máy và trữ tiền để đảm bảo thanh khoản. Xu hướng lãi vay sẽ có tác động đến chi phí tài chính của doanh nghiệp. NHNN Việt Nam đã có 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành đưa mặt bằng lãi suất thị trường về mức thấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhóm thép cũng hưởng lợi từ đó.
Ở bài viết tiếp theo, Kỳ sẽ chia sẻ đến Anh Chị cụ thể hơn cách lựa chọn và đầu tư cổ phiếu ngành thép, mời Anh Chị đón đọc.
Cảm ơn Anh Chị đã đọc bài viết này, cần sự hỗ trợ tư vấn đầu tư trực tiếp, liên hệ Kỳ qua thông tin phần mô tả nhé!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận