Đã đến lúc nhà đầu tư "bắt đáy" chứng khoán?
Việc xác định đáy của thị trường rất khó, nên chọn chiến lược đầu tư phòng thủ khi thị trường biến động mạnh, có thể tiếp cận đầu tư bằng phương pháp xác định P/B…
Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán đã cùng thảo luận tại tọa đàm "Đầu tư Tài Chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán" nhằm đưa ra nhận định về tiềm năng của thị trường hiện tại, đồng thời, đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư về phương pháp đầu tư khi thị trường biến động mạnh.
"Việc xác định đáy của thị trường là rất khó"
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết thời điểm thị trường giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư chờ "bắt đáy". Tuy nhiên, dưới góc nhìn trực tiếp từ công ty chứng khoán, bà Hiền phân tích, khi thị trường tạo đáy xong thì chúng ta mới biết đó là đáy, vì thế việc xác định đáy của thị trường là rất khó.
"Thông thường, mọi người định giá thị trường ở góc nhìn P/E, tuy nhiên, khi môi trường vĩ mô đang có sự thay đổi, rủi ro về lạm phát, lo ngại về việc các nền kinh tế lớn trên thế giới thắt chặt lại chính sách tiền tệ, cũng như rủi ro về lãi suất tăng lên... chúng ta cần thay đổi góc nhìn về định giá thị trường", bà nói.
"Tôi muốn nhìn theo hướng đảo ngược, bằng phương pháp tính tỉ lệ sinh lời của thị trường chia cho định giá hiện tại", bà Hiền nói. Bà lấy ví dụ, hiện tại lợi suất của thị trường rơi vào khoảng 7,7%, tức là một nhà đầu tư khi lựa chọn thị trường chứng khoán thì họ có thể mang về lợi nhuận 7,7% một năm. So với mức lãi suất tiền gửi hiện nay là 6%, khoảng cách giữa thị trường chứng khoán và lãi suất tiền gửi (GAP) đang nới rộng ra.
Vào tháng 3-4/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam có mức giảm điểm xuống khoảng gần 600 điểm, khi đó tỉ suất sinh lời trên thị trường đã tăng lên, bởi vì lợi nhuận của các công ty niêm yết vẫn được duy trì, nhưng các nhà đầu tư lại phản ứng quá tiêu cực tại thời điểm đó và đẩy tỉ suất sinh lời lên đến 9-10%.
"Nếu so với lãi suất tiền gửi thời điểm đó khoảng 8% với kỳ hạn 12 tháng, nghĩa là chúng ta lại có GAP khoảng 2%. Nhưng ngay sau đó dòng tiền đã ồ ạt tràn vào thị trường khiến VN-Index tăng điểm", chuyên gia từ VNDirect nói.
Chiến lược đầu tư phòng thủ là quan trọng
Nhìn về 6 tháng cuối năm nay, bà Trần Khánh Hiền đưa ra một số nhóm đầu tư có thể chú ý. Thứ nhất là ngành dịch vụ. "Nhìn từ đầu năm nay, tỉ trọng GDP của khối bán lẻ tăng khá mạnh khoảng 7-8%. Trên thị trường đã phản ánh đà tăng trưởng này ở các doanh nghiệp thuộc nhóm bán lẻ như Thế Giới Di Động, PNJ... Những mã này đều bất chấp thị trường giảm nhưng các cổ phiếu này vẫn tăng khá tốt", bà nói.
Thứ hai là nhóm hàng hóa cơ bản khi hầu hết tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản sắt, thép, phân bón, thực phẩm đều có đà tăng mạnh và được thúc đẩy bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ ba là nhóm đầu tư công. Bà cho rằng trong nửa đầu năm 2022, nhóm này chậm lại vì ảnh hưởng của việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến vật liệu xây dựng. Trong bối cảnh sắt, thép, một số vật liệu xây dựng có xu hướng tạo đỉnh, cộng với đó là việc Chính phủ có nỗ lực thúc đẩy dự án liên quan đến đầu tư công, đặc biệt là 11 dự án thuộc cao tốc Bắc Nam. "Do đó, các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công có thể là điểm sáng quay trở lại vào quý IV/2022", bà nói.
Thứ tư là nhóm phát triển hạ tầng năng lượng. Theo bà Hiền, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng và cũng đang thiên về hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch mạnh mẽ nên các doanh nghiệp về năng lượng và ngành điện sẽ nhận được sự quan tâm của thị trường nhiều hơn.
Về chiến lược đầu tư, bà Hiền lưu ý với các nhà đầu tư, cổ phiếu phòng thủ và chiến lược đầu tư phòng thủ là hai khái niệm khác nhau. Cụ thể, cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh ít chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, ít rủi ro so với các cổ phiếu thông thường.
Trong đó, những cổ phiếu này ngành nghề có tính tương quan thấp với chu kỳ kinh tế là như ngành điện - nước, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, y tế và bảo hiểm... Những doanh nghiệp này bắt buộc phải có mô hình kinh doanh ổn định, có tỉ lệ thâm dụng vốn thấp và tỉ lệ sử dụng đòn bẩy thấp.
"Tuy nhiên, chiến lược đầu tư phòng thủ quan trọng hơn, vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đầu tư vào các cổ phiếu ngành dược, ngành bảo hiểm do những nhóm này có tỉ lệ thanh khoản trên thị trường khá thấp, khó mua bán", bà Trần Khánh Hiền lưu ý.
"Cổ phiếu nhóm VN30 đang ở vùng hợp lý"
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho biết, nhiều ý kiến đánh giá mặt bằng định giá cổ phiếu hiện đã trở nên hấp dẫn khi quan sát chỉ tiêu P/E, P/B lịch sử của VN-Index. "Mặc dù vậy, mức độ đắt - rẻ của thị trường sẽ bị ảnh hưởng trong những môi trường lãi suất khác nhau", ông nói.
Ông Khoa cho biết thêm, có nhiều phương pháp để nhà đầu tư có thể xác định cổ phiếu đang đắt hay rẻ. Ông gợi ý cho nhà đầu tư góc độ tiếp cận bằng phương pháp xác định P/B, nhằm so sánh mức độ tương quan giữa giá trị cổ phiếu và giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
Theo ông, xét về đầu tư dài hạn, nên lấy thời điểm cuối năm 2019 làm mốc so sánh. Nguyên nhân do đây là thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tương đối ổn định. Còn ở hiện tại, nền kinh tế đang quay trở lại trạng thái bình thường mới, một số doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận hiệu quả kinh doanh khả quan hơn thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, lãi suất có thể tăng cao trong giai đoạn tới nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo đó, ông Khoa cho biết, phân tích nhóm cổ phiếu đắt hay rẻ dựa trên các dữ liệu như P/B tại thời điểm ngày 31/12/2019 (trước Covid-19) và thời điểm hiện tại; hiệu quả sinh lời giai đoạn trước Covid-19 và giai đoạn hiện tại (đo lường bằng bình quân của ROE (tỉ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) 3 năm (giai đoạn 2017-2019 và giai đoạn 2019-2021). Trường hợp hệ số sinh lời tăng lên nhưng vẫn quá thấp thì vẫn được đánh giá là chưa cải thiện.
"Chúng tôi kết hợp hai chỉ tiêu này để xác định bối cảnh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong 2 giai đoạn. Việc cổ phiếu có P/B cao hơn đi kèm với ROE tăng tương ứng chưa chắc là đắt và ngược lại", ông Khoa nói.
Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Agriseco cho cho biết, kết quả tại nhóm VN30 cho thấy, có 17/30 cổ phiếu đang ghi nhận định giá P/B hiện tại cao hơn trước Covid-19. Mặc dù vậy, chỉ 10/30 doanh nghiệp ghi nhận tình hình hiệu quả kinh doanh khả quan hơn so với thời điểm trước dịch.
Chi tiết hơn, nhìn tổng quan toàn bộ rổ cổ phiếu VN30, mức định giá P/B trung bình của 30 cổ phiếu hiện tại là 2,74 lần; thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2019 là 2,84 lần. Tuy nhiên, ROE bình quân của 30 cổ phiếu là khoảng 18%, thấp hơn so với mức 20,1% trước khi Covid-19 xuất hiện.
Do vậy, ông Khoa cho rằng, định giá của nhóm cổ phiếu trong VN30 đang ở vùng hợp lý và đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn.
Ông Khoa cũng lưu ý, đây chỉ là một phương pháp để nhà đầu tư tham khảo trong quá trình nghiên cứu, và mỗi phương pháp khác nhau có thể đem lại những kết quả khác nhau.
"Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ phương pháp nghiên cứu thích hợp và lựa chọn thời điểm để giải ngân cũng như phân bổ cơ cấu vốn hợp lý trước các kịch bản thị trường", ông Nguyễn Anh Khoa nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận