Công ty chứng khoán sắp hết cửa huy động vốn "biến tướng" từ nhà đầu tư
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán dừng "huy động vốn" từ nhà đầu tư và tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh trước ngày 30/6/2024.
Khoảng 77.000 tỷ đồng tiền gửi khách hàng đang nằm trong các công ty chứng khoán
Trong văn bản mới ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu hiện tượng một số công ty chứng khoán thông qua trang web, ứng dụng hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nhà đầu tư để thỏa thuận cho phép họ được hưởng lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch trong tài khoản. Cơ quan quản lý cảnh báo hoạt động này có thể khiến nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty phải dừng ngay việc thỏa thuận này. Đồng thời, các đơn vị phải tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh liên quan đến hoạt động trên, chậm nhất trước ngày 30/6/2024.
Công ty chứng khoán sẽ phải báo cáo lộ trình thực hiện việc tất toán trước 30/12/2023, đồng thời định kỳ hàng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện cho tới khi tất toán toàn bộ.
Tính đến hết quý III, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý. Những năm gần đây, tiền của nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán đều duy trì ở mức rất lớn, có thời điểm lên đến 100.000 tỷ đồng.
Thực tế nếu trừ lượng tiền dùng để đảm bảo tỷ lệ an toàn cho giao dịch, lượng tiền khá lớn nói trên có thể được chia thành hai dạng.
Thứ nhất là trường hợp nhiều nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản nhưng sau đó nhận thấy chưa đến thời điểm thích hợp để mua. Vì ngại thao tác tốn công, họ để lại số tiền trên mà không rút ra. Các công ty chứng khoán thường trả lãi hàng tháng cho số tiền này theo dạng "tiền gửi không kỳ hạn" với lãi suất thấp, dao động khoảng 0,1-0,3% một năm.
Dạng thứ hai là các hình thức biến tướng huy động vốn từ nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán đưa ra sản phẩm tương tự như gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, để thu hút vốn từ nhà đầu tư sau đó trả lãi cho họ với mức lãi suất cao hơn đáng kể.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số đơn vị trả đến 12% cho tiền gửi 12 tháng, đến nay dù hạ nhiệt, lãi suất vẫn được đưa ra ở mức 8-9%. Đây được xem là cách huy động vốn khác cho các công ty chứng khoán, bên cạnh vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh của các công ty chứng khoán.
Như vậy, có thể hiểu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cấm việc biến tướng huy động vốn từ nhà đầu tư của các công ty chứng khoán.
Theo giới chuyên gia, sau động thái trên, các công ty chứng khoán sẽ phải cân đối hoạt động tự doanh, có thể bao gồm việc thu hẹp một phần hoạt động này để tất toán tiền cho nhà đầu tư. Ngoài ra, hoạt động cho vay ký quỹ cũng có những bước thay đổi theo hướng siết chặt hơn, khi các đơn vị này mất đi một nguồn tiền.
Cấm công ty chứng khoán "bắt tay" ngân hàng
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đề cập tình trạng một số công ty chứng khoán thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Hợp đồng mẫu có nội dung "ngân hàng được quyền trích tiền từ tài khoản thanh toán của công ty chứng khoán để thu hồi nợ khi công ty chứng khoán không trả nợ đầy đủ, đúng hạn".
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thỏa thuận này có thể gây hiểu nhầm việc trích tiền từ tài khoản thanh toán của các công ty chứng khoán, bao gồm tài khoản chuyên dụng của nhà đầu tư đứng tên công ty chứng khoán mở tại ngân hàng.
Do vậy, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của thị trường, cơ quan quản lý yêu cầu các công ty chứng khoán không thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại có nội dung gây hiểu nhầm như trên.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán phải đảm bảo khả năng thanh toán, chi tiền, chi trả tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong mọi tình huống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận