COMECO: 2022 là năm kinh doanh khó khăn nhất, chiết khấu không đủ bù đắp chi phí
CTCP Vật tư Xăng Dầu (COMECO, HOSE: COM) hé lộ tình cảnh kinh doanh khó khăn trong năm 2022, khi chiết khấu còn không đủ để bù đắp chi phí của Công ty.
Nhìn lại năm 2022, COMECO cho biết đã gặp phải rất nhiều thách thức, hai khó khăn lớn mà Công ty phải đối mặt là nguồn cung xăng dầu và chiết khấu bán hàng.
Nguồn cung xăng dầu và chiết khấu bán hàng của COMECO phụ thuộc vào hai cổ đông lớn Saigon Petro và PVOIL. Đây là 2 doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu cho COMECO. |
Trong năm qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến rất phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, các công ty lọc dầu trong nước gặp sự cố kỹ thuật phải ngưng để sửa chữa đã ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước nói chung và kinh doanh của COMECO nói riêng.
“Mặc dù được hỗ trợ tích cực từ hai cổ đông lớn nhưng vẫn có những thời điểm thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt giai đoạn từ tháng 7 - 11/2022. Điều này dẫn đến các cửa hàng xăng dầu của Công ty thiếu cục bộ hàng hóa cung cấp ra thị trường”, COMECO cho biết.
Chiết khấu thấp không đủ bù chi phí bán hàng
Với những khó khăn trên, việc kinh doanh của hai cổ đông lớn Saigon Petro và PVOIL cũng gặp nhiều khó khăn và dẫn tới chiết khấu bán hàng cho COMECO thấp, chiết khấu bán hàng bình quân năm 2022 không đủ để bù đắp chi phi bán hàng.
“Có thể nói đây là năm kinh doanh khó khăn nhất của Công ty, bởi vì từ khi cổ phần hóa đến nay, thì năm 2022 là năm có kết quả lợi nhuận sau thuế thấp nhất”, COMECO nhận định.
Ngoài ra, Công ty cũng gặp khó khăn với quy định quy định 10 ngày điều chỉnh giá một lần, nhất là trong tình hình giá xăng dầu có sự biến động mạnh khó lường như thời gian qua. Mặt khác, Saigon Petro và PVOIL thay đổi chính sách bán hàng, chuyển từ bán lỗ sang bán theo hạn mức hàng ngày nên công tác quản trị hàng tồn kho của Công ty cũng không ít khó khăn.
Trong bối cảnh đó, COMECO chỉ lãi 1.3 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 96% so với cùng kỳ, dù doanh thu thuần tăng 81%.
Kết quả kinh doanh không khả quan, nhưng Công ty vẫn quyết định trình cổ đông mức cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% cho năm 2022. Ước tính Công ty sẽ dùng 21 tỷ đồng từ lợi nhuận tích lũy để trả cổ tức.
Kế hoạch lãi sau thuế 15 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 15%
Nhìn về phía trước, COMECO cho biết 2023 vẫn là năm khó khăn, với giá dầu còn biến động mạnh do căng thẳng địa chính trị, mức cầu về nhiên liệu trong nước suy giảm khi kinh tế khó khăn. Ngoài ra, mức chiết khấu bán xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp trong tháng 1/2023 (bình quân khoảng 295 đồng/lít).
Cho năm 2023, COMECO dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 doanh thu 4 ngàn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng ở mức 15 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 được xây dựng dựa trên giả định mức chiết khấu bình quân 750 đồng/lít. Nhưng công ty cho biết mức chiết khấu này chưa bù đắp đủ chi phí kênh bán lẻ tại các công ty xăng dầu.
Chờ đợi kết quả điều chỉnh hai nghị định quan trọng
COMECO cũng lưu ý việc điều chỉnh Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của Công ty. Hiện hai Nghị định này đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Nếu các chi phí liên quan tới công thức tính giá cơ sở xăng dầu được điều chỉnh phù hợp và sát với tình hình thực tế thì sẽ đảm bảo được mức chiết khấu để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả”, tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 COMECO cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường