menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Cổ phiếu phản ứng chậm với cơ hội từ thị trường Mỹ

Nhiều nhóm ngành được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng điều này sẽ chưa có tác động tức thì với các doanh nghiệp trên sàn.

Theo số liệu mới đây từ Bộ Công thương, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong 5 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%).

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Dự kiến đến ngày 26/07 tới đây, DOC sẽ đưa ra kết luận chính thức.

Hiện tại có 72 quốc gia (gồm nhiều nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...), Liên đoàn bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ và Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam ủng hộ việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Trong khi hai đơn vị phản đối là Hiệp hội chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) và Hiệp hội các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ.

Theo đại diện cho Bộ Công thương Việt Nam, Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí mà DOC sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường hay không. 6 tiêu chí gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác mà DOC cho là hợp lý.

Nhận định mới đây của BSC cho rằng, nếu được Mỹ công nhận là kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ có nhiều tác động đáng kể, cụ thể là hạn chế các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện có; thu hút các gã khổng lồ đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Nước ta cũng có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là cải thiện năng suất lao động, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Từ đó, nhiều ngành nghề được BSC kỳ vọng sẽ được hưởng lợi tích cực. Ngành đầu tiên sẽ là thuỷ sản.

Các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ nhờ thuế bán phá giảm kỳ vọng giảm giúp các doanh nghiệp dễ dàng xuất khẩu vào Mỹ hơn (hiện tại chỉ có một số ít doanh nghiệp được hưởng mức thuế bán phá giá 0,0 USD/kg như VHC, ANV, IDI). Tương tự, các sản phẩm tôm đông lạnh cũng được tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ như Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ,…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18 - 23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra…

“Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp (CVD) trong thời gian tới”, Vasep đánh giá.

Ngành thứ hai sẽ có tác động tích cực là dệt may, cụ thể là nhóm sợi sẽ hưởng lợi nhiều hơn do hiện tại sợi polyester đang được áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,67 – 22,82%. Trong khi đó, nhóm may mặc sẽ không có nhiều tác động do thuế quan của ngành dệt may chủ yếu ảnh hưởng bởi các hiệp định FTA.

Ngành thứ ba là tôn mạ do một số sản phẩm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp do có nguồn gốc thép cuộn cán nóng xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, BSC cũng đánh giá trung lập khả năng hưởng lợi của ngành gỗ, đá thạch anh và săm lốp.

Đối với ngành gỗ và đá thạch anh, Mỹ chủ yếu đánh các loại thuế chống lẩn tránh nhằm phòng vệ đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất sang Việt Nam và sau đó tái xuất sang Trung Quốc.

Đối với ngành săm lốp, các sản phẩm lốp bán thép và lốp tải nhẹ sẽ có tác động tích cực do hiện đang chịu mức thuế 6% khi xuất khẩu sang Mỹ. Còn lốp tải nặng không chịu thuế chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Mỹ.

Một vài cổ phiếu cụ thể được cho là sẽ hưởng lợi gồm VHC, ANV, FMC, MPC, STK, PTB, CMS… Tuy nhiên, diễn biến các cổ phiếu hơn 1 tháng qua chưa cho thấy những phản ứng tích cực như kỳ vọng, nhiều mã đi ngang, thậm chí giảm giá. Trong khi đó, có một vài cổ phiếu tăng trưởng nhờ những câu chuyện riêng như ANV muốn tăng vốn hay MPC đặt kế hoạch kinh doanh lãi lớn.

SSI Research nhận thấy, việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ không có tác động ngay tức thì trong ngắn hạn đối với các ngành liên quan và doanh nghiệp niêm yết.

Về dài hạn, lợi ích lớn nhất từ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, từ đó có thể giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai và giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn tại thị trường này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả