Cổ phiếu phân bón đặt nhiều kỳ vọng vào quý IV
Sau nửa đầu năm 2023 sụt giảm và duy trì ở mức thấp, giá phân ure bắt đầu hồi phục từ đầu tháng 7. Dù yếu tố này chưa tác động vào kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp nhưng sang quý IV, cùng với nhiều yếu tố tích cực hơn kỳ vọng sẽ mang lại sức tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, từ đó giá cổ phiếu cũng được hưởng lợi.
Theo dữ liệu của Investing, giá hợp đồng tương lai phân ure so với cùng kỳ năm 2022 vẫn thấp hơn gần 40% nhưng từ đầu tháng 9/2023 đến nay luôn ở trên ngưỡng 400 USD/tấn, hồi phục hơn 40% so với thời điểm thấp nhất vào giữa tháng 6/2023 và là mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2023.
Nhiều “ông lớn” báo lỗ
Giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đã kéo giá phân bón trong nước tăng theo. Nhờ đó, kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp phân bón có sự cải thiện so với hai quý đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón lại có sự phân hóa và mảng màu sáng nghiêng nhiều về phía các doanh nghiệp nhỏ.
Điển hình, CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) công bố doanh thu quý III/2023 đạt 2.709 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế gần 59 tỷ, gấp 19,8 lần cùng kỳ.
Tương tự, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 811 tỷ đồng và 28,7 tỷ đồng, tăng 35% và 200% so với cùng kỳ.
CTCP Phân bón miền Nam (SFG) cũng báo lãi lớn trong quý III với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 8,3 lần cùng kỳ, đạt 19 tỷ đồng.
Dù không lãi bằng lần như các doanh nghiệp kể trên nhưng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PSE) cũng có quý kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận tăng mạnh. Trong kỳ, doanh thu của công ty giảm 10% xuống 932 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 87% lên 5,6 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) báo cáo lợi nhuận quý III xuống đáy 4 năm.
Cụ thể, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 3.216 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ. Trừ chi phí, Đạm Phú Mỹ báo lãi sau thuế chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm tới gần 93% so với mức lãi nghìn tỷ của cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, doanh thu thuần quý III của Đạm Cà Mau giảm gần 9%, đạt 3.010 tỷ đồng. Mặc dù có doanh thu tài chính 200 tỷ đồng (chủ yếu là lãi từ khoản tiền gửi gần 10.000 tỷ đồng tại ngân hàng), Đạm Cà Mau vẫn có lãi sau thuế hơn 74 tỷ đồng, nhưng con số này giảm tới 90% so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là CTCP DAP – Vinachem (DDV) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2023 “đi lùi” với doanh thu thuần giảm gần 11% so với cùng kỳ, đạt 822 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng và loạt chi phí gia tăng mạnh đã bào mòn gần hết lợi nhuận của Vinachem. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế vỏn vẹn 6,7 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với cùng kỳ.
Thậm chí, kết quả kinh doanh của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) tiếp tục “tụt dốc” khi trải qua 3 quý lỗ liên tiếp. Đạm Hà Bắc kỳ này lỗ khoảng 309 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 347 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế từ đầu năm đến nay đã âm gần 790 tỷ đồng.
Cơ hội "ngược dòng" cuối năm
Trên thị trường, kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp thấp hơn kỳ vọng khiến giá nhiều mã cổ phiếu phân bón giảm sâu. Lũy kế 3 phiên tính đến 25/10, DCM đã sụt hơn 10% thị giá; DGC trồi sụt liên tục nhưng tính chung cũng giảm khoảng 8,5% trong hơn tuần qua. Ngay cả Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu đã bị ảnh hưởng, đi lùi hơn 7% trong 3 phiên gần đây.
Trước đó, trong nửa đầu tháng 9, cổ phiếu phân bón duy trì đà tăng tích cực sau thông tin Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu phân ure.
Thời điểm đó, theo chuyên gia, giá cổ phiếu phân bón có thể sẽ ngưng đà tăng khi lợi nhuận doanh nghiệp đạt đỉnh và đi xuống hoặc giá hàng hóa ngừng tăng. Do đó, khi lợi nhuận doanh nghiệp phân bón quý III không tốt như dự kiến đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu.
Dù vậy, những thông tin mới đây cho thấy, giai đoạn cuối năm, cổ phiếu phân bón đang được kỳ vọng khá lớn.
Theo Bloomberg, giới quan sát lo ngại xung đột giữa lực lượng Hamas và quân đội Israel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón trên toàn cầu. Giá cổ phiếu của một số công ty sản xuất phân bón trên thế giới tăng vọt sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel.
Các công ty nghiên cứu thị trường chung nhận định, giá ure sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn từ nhiều thị trường mua chính trong bối cảnh có sự thắt chặt nguồn cung chủ động. Giá ure có thể tiếp tục theo xu hướng sớm chinh phục mốc 500 USD/tấn ở một số thị trường chính trong giai đoạn cuối năm.
Tại thị trường trong nước, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều ngừng xuất khẩu, khả năng thị trường sẽ chứng kiến giá phân bón vẫn tiếp tục tăng, giúp các doanh nghiệp “phấn khởi”.
“Ure sẽ là nhóm đầu tiên hưởng lợi trong xu hướng này, sau đó sẽ có hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm phân bón khác, đặc biệt mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ ure”, ông Hà nhấn mạnh.
Đáng chú ý, thuế xuất khẩu phân bón NPK giảm xuống mức 0% từ ngày 15/7 sẽ kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, với khả năng tự chủ nguồn phân ure đầu vào và năng lực tự sản xuất, mảng NPK là điểm sáng cho hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau (đang chiếm 35% thị phần phân NPK tại Campuchia) và Đạm Phú Mỹ trong thời gian tới.
Dù vậy, theo các chuyên gia, giá phân bón sẽ khó tăng "phi mã" khi nguồn cung trong nước và trên thế giới không quá căng thẳng.
“Từ nay đến cuối năm, giá phân bón sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, không thể tạo nên “cơn sốt” như hai năm 2021 và 2022 vừa qua. Bởi hiện tại, Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón”, ông Lê Trọng Phúc, CTCP Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường