[Cổ phiếu nổi bật tuần] Rũ cung gấp gáp trong vòng 1 tuần, TNG vào giai đoạn phải tạo niềm tin trở lại
Không có thông tin nào quá tiêu cực trong vòng 1 tuần qua nhưng cổ phiếu TNG vẫn điều chỉnh rất gấp gáp với mức giảm 13%.
Diễn biến cổ phiếu TNG tuần qua
VN-Index có một tuần lình xình trong chuỗi tuần đi ngang kể từ cuối tháng 7 còn HNX-Index vẫn tăng nhẹ lên gần 360 điểm. Tuy nhiên, trên HNX, một cổ phiếu có sức hút lớn như TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG lại ghi nhận hoạt động điều chỉnh mạnh khi giảm 13% xuống 28.200 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu này trong cả tuần qua có cả 5 phiên điều giảm giá và cũng là chuỗi giảm mạnh ngay sau khi lập đỉnh giá mới. Xét trong ngắn hạn, TNG đã mất hết xu hướng tăng và chỉ còn lại các ngưỡng hỗ trợ và đường MA200 ở phía dưới.
Với nhà đầu tư ngắn hạn, TNG có sẽ khó được xem là cơ hội để tham gia lúc này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một cổ phiếu điều chỉnh hơn 10% sau khi lập đỉnh lại là chuyện rất bình thường trên thị trường chứng khoán. Việc lực cung biến động thế nào thời gian tới mới là điều cần được quan tâm.
Đây lại có thể là cơ hội với nhà đầu tư trung và dài hạn tại TNG. Nếu giá duy trì được sự ổn định trên vùng 26.500 đồng/cổ phiếu cùng với thanh khoản giảm dần sẽ là dấu hiệu tốt để dòng tiền này mở dần các vị thế ở TNG.
Có lý do để kỳ vọng vào tăng trưởng
Theo đánh giá của CTCK Mirae Asset, TNG nằm trong top 10 doanh nghiệp tiêu biểu ngành may Việt Nam, chất lượng sản phẩm cao khi gia công cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Adidas, Nike, Zara, … với đội ngũ nhân sự hơn 15.000 người, cùng hệ thống 12 nhà máy may. Các sản phẩm y tế do TNG sản xuất đạt chứng nhận FDA, CE. Nguồn nguyên liệu được TNG mua từ các nhà cung cấp trong và ngoài nước đạt chuẩn an toàn cho người sử dụng.
Trong 8 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 3.544 tỷ và 142 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 18% cùng kỳ nhờ tập trung tăng tỷ trọng khách FOB giúp hoạt động ít bị ảnh hưởng bởi giá cước vận tải tăng và Công ty hoạt động TNG chủ yếu ở Thái Nguyên nên vẫn ổn định trong mùa dịch do dịch không bùng phát. Hiện lượng đơn hàng TNG đã đủ hoạt động hết năm 2021.
Đáng chú ý, cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 có diện tích 70,5ha, đã san lấp 42ha. Giai đoạn 1 đã đầu tư từ quý 3/2020 đến quý 2/2021 với diện tích 18ha. Giai đoạn 2 từ quý 3/2021 đến quý 1/2025 với phần diện tích còn lại. Đây là chuỗi cụm công nghiệp sinh thái (sản xuất bao bì, dệt may, sợi, nhuộm, giặt, …) với mục tiêu hoàn thiện chuỗi cung ứng ngành dệt may.
Theo dự báo của MAS, năm 2021, doanh thu và lãi ròng của TNG lần lượt đạt 5.840 và 259 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30,4% và 68,7% so với cùng kỳ. MAS đánh giá TÍCH CỰC dành cho TNG nhờ hoạt động kinh doanh ổn định mùa dịch hơn nhiều doanh nghiệp dệt may khác và những dự án mới đóng góp tăng trưởng từ năm 2021 trở đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận