[Cổ phiếu nổi bật tuần] OCB - cổ phiếu cá biệt tiếp theo của nhóm Ngân hàng sau TPB
Sóng tăng của cổ phiếu Ngân hàng từ cuối tháng 7 đã "ỉu" đi và nhiều mã đang trong quá trình điều chỉnh hạ nền gây căng thẳng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ánh sáng vẫn lóe lên từ một vài cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như TPB và tuần vừa qua là OCB.
Diễn biến giá của cổ phiếu OCB
Cổ phiếu Ngân hàng sau giai đoạn gây hưng phấn thì kể từ tháng 7 tới nay đã không còn là điểm đến ưa thích của dòng tiền trong nước. Tất nhiên, vị thế của nhóm này không phải bàn cãi, bởi chỉ cần Ngân hàng có một phần chuyển mình cũng luôn khiến cho thị trường sôi động hơn nhiều.
Các phiên tăng tuy nhiên luôn đan xen vài phiên điều chỉnh nên về cơ bản sóng ngành Ngân hàng từ thời tháng 7 lại chủ yếu là giai đoạn điều chỉnh hạ nền. Các cơ hội cá biệt gần đây xuất hiện khá hiếm.
Trường hợp thành công nhất là TPB với thương vụ bán vốn cho khối ngoại. Và trong 2 tuần gần đây, thị trường mới có thêm một cổ phiếu khác để hướng mắt nhìn về: OCB.
Với việc đã vượt vùng đỉnh, thì cơ hội tăng tiếp của OCB nhiều khả năng vẫn còn. Tuy nhiên, trong một vài phiên tới, OCB hoàn toàn có thể sẽ cần lấp lại gap đã tạo ra trong phiên 21/10. Nếu các diễn biến chốt lời không ồ ạt và đảm bảo giữ được ngưỡng 27.000 đồng/cổ phiếu thì cơ hội lên vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu sẽ dễ trở thành hiện thực.
Cả chỉ báo kỹ thuật như RSI, MACD vẫn cho thấy trạng thái chưa hề nóng của OCB vào lúc này. Nhà đầu tư vẫn có thể tham gia OCB nếu giá còn tiếp tục được giữ ở mốc trên.
Tin tốt xuất hiện ngày một nhiều
Đúng như con số ước tính của CTCK Vietcombank (VCBS), quý 3/2021, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của OCB đạt gần 1.100 tỷ đồng (+68%) đưa lũy kế 9 tháng đạt khoảng 3.750 tỷ đồng (+49%).
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thấp ở quý 3/2020. Tăng trưởng tín dụng tính tới hết quý 3/2021 đạt 10%, tương đương hạn mức tính dụng ngân hàng được cấp ở đợt nới room đầu quý.
OCB cho biết nhu cầu tín dụng ghi nhận từ phía khách hàng vẫn cao và ngân hàng kỳ vọng sẽ được tăng hạn mức room tín dụng trong giai đoạn cuối tháng 10 – đầu tháng 11 và đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 20% ở giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, dư nợ tái cơ cấu của OCB ở mức 1.300 tỷ đồng (1,3% dư nợ) cuối tháng 8/2021 và có thể tăng lên 2.500 tỷ đồng (2,6% dư nợ) vào cuối năm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngân hàng dự kiến tăng trích lập bổ sung thêm 150 tỷ đồng cho các khoản nợ tăng thêm này trong năm 2021.
VCBS đánh giá OCB có mô hình hoạt động mang tính năng động và hiệu quả cao; nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào từ lợi nhuận giữ lại cùng với quy mô tài sản còn tương đối nhỏ là một lợi thế giúp tốc độ tăng trưởng cao của tín dụng có thể duy trì được trong dài hạn. Quy mô tín dụng tăng nhanh là tiền đề cho sự tăng trưởng của lợi nhuận trong dài hạn.
Ngoài ra, yếu tố tăng vốn giống như TPB cũng có thể xem là động lực cho đà tăng của cổ phiếu OCB. Ngân hàng có khả năng sẽ phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong quý 4/2021. Thương vụ phát hành nếu thành công sẽ giúp giá trị sổ sách tăng thêm khoảng 4,4% (700 đồng/cổ phiếu) và đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên gần 30%.
Cùng với đó là việc cổ phiếu OCB có đủ các điều kiện để được thêm vào rổ danh mục chỉ số VN-Diamond. Việc OCB bị hụt trong kỳ Review của VN Diamond vừa qua có lẽ sẽ chỉ làm chậm lại quá trình cổ phiếu này vào rổ.
Theo ước tính của VCBS, LNTT của OCB năm 2021 có thể đạt 5.072 tỷ đồng (+14,8%), tương đương EPS đạt 2.818 đồng/cổ phiếu và giá trị sổ sách đạt 16.365 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận