menu
Cổ phiếu ngành nước: Hấp dẫn, nhưng không dễ đầu tư
Lê Thúy Hằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phiếu ngành nước: Hấp dẫn, nhưng không dễ đầu tư

Cùng kinh doanh sản phẩn tiêu dùng thiết yếu là nước, nhưng có sự khác biệt rõ nét về cả hiệu quả hoạt động và triển vọng kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngành này. Bởi vậy, đầu tư vào cổ phiếu nước chưa bao giờ là dễ.

Phân hóa rõ nét

Báo cáo tài chính quý III/2019 của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) cho thấy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 253,1 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận trước thuế đạt 119,2 tỷ đồng, tăng 24,7%.

Trong 9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của việc thay đổi thời gian khấu hao với các tài sản cổ định từ 3-10 năm khiến chi phí chi phí khấu hao lũy kế tăng 78,2% lên 68,6 tỷ đồng, dẫn đến biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm từ 66,3% xuống 55,2%, song đây vẫn là con số đáng mơ ước với không chỉ doanh nghiệp ngành nước, mà với nhiều nhóm ngành khác trên thị trường.

Tại Hà Nội, CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) - doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ việc ô nhiễm nguồn nước - cũng nằm trong nhóm có biên lợi nhuận cao. Trong giai đoạn 2014-2018, biên lợi nhuận gộp của VCW liên tục tăng, từ 52,2% năm 2015 lên 57,2% năm 2018 và tính đến hết tháng 9/2019, con số này tăng lên 58%.

Tại Đà Nẵng, biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2019 của CTCP Cấp nước Đà Nẵng (DNN) đạt 50,8%.

Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, nhưng biên lợi nhuận lại thấp hơn đáng kể. Đơn cử, sau 9 tháng đầu năm nay, CTCP Cấp nước Thủ Đức (TDW) có biên lãi gộp ở mức 31,4%; CTCP Cấp nước Bến Thành (BTW) là 32,1%.; CTCP VIWACO là 22,4%... CTCP Cấp nước Chợ Lớn (CLW) có biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 10,1%, cho dù đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018.

Cổ phiếu ngành nước: Hấp dẫn, nhưng không dễ đầu tư

Vì sao khác biệt?

Sự khác biệt về biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nước được cho là đến từ lĩnh vực kinh doanh và địa bàn hoạt động của những doanh nghiệp này.

Về lĩnh vực hoạt động, những doanh nghiệp tập trung vào công tác sản xuất (tức chỉ sản xuất hoặc kết hợp sản xuất và phân phối) thì có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với nhóm doanh nghiệp chỉ làm phân phối mà không có nhà máy sản xuất.

Chẳng hạn, tại TDM, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu ngay từ khâu sản xuất nước sạch với việc sở hữu 2 nhà máy nước Dĩ An và Bàu Bàng nên chủ động được nguồn chi phí sản xuất đầu vào.

Sau khi hoàn tất việc nâng cấp nhà máy Dĩ An trong quý I/2019, tổng công suất cung cấp nước của TDM hiện tại là 175.000 m3/ngày đêm - lớn nhất tại khu vực Bình Dương.

Về đầu ra, gần như toàn bộ sản lượng nước sản xuất của TDM hiện nay đều được phân phối qua kênh bán sỉ cho cho CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), sau đó được BWE phân phối đến người tiêu dùng.

Hay với VCW - doanh nghiệp quản lý Nhà máy nước Sông Đà được đưa vào khai thác từ năm 2008, công suất khoảng 320.000 m3/ngày đêm và hơn 90% lượng nước sản xuất đang được bán qua Viwaco, Hawaco và Công ty Nước sạch Hà Đông. Từ đây, nguồn nước tiếp tục được phân phối đến các huyện nằm ở phía Tây Nam Hà Nội.

Đối với DNN, đây là doanh nghiệp làm cả nhiệm vụ từ sản xuất đến quản lý mạng lưới cấp nước trên toàn địa bàn TP. Đà Nẵng với các các nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay, Sơn Trà và Hải Vân, tổng công suất là 250.000 m3/ngày đêm. DNN từng nhận định “do tính độc quyền cao và đặc điểm của sản phẩm nên tạo nhiều thuận lợi cho Công ty”.

Lợi thế của các doanh nghiếp sản xuất đến từ việc kiểm soát được chi phí đầu vào, đồng thời giá bán (đầu ra) cũng thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp bán lẻ.

Cụ thể, về giá mua bán sỉ nước sinh hoạt, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT quy định, giá bán buôn nước sạch do 2 bên tự thỏa thuận để đảm bảo cả hai đều bù đắp được chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý và không cao hơn giá bán lẻ do cấp thẩm quyền quy định.

Với giá bán lẻ, Bộ Tài chính quy định, khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt áp dụng trong phạm vi cả nước và ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước sạch do đơn vị cấp nước trình và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể trên địa bàn của tỉnh, phù hợp với khung giá do Bộ Tài chính ban hành.

Hệ quả là trong khi giá nước bán sỉ nhìn chung là do bên mua và bên bán có thể chủ động điều tiết theo chi phí gia tăng hàng năm giúp doanh nghiệp sản xuất duy trì, thậm chí cải thiện biên lợi nhuận, thì với doanh nghiệp bán lẻ, mức giá tại từng địa phương sẽ do UBND tỉnh điều chỉnh, có khi cần rất nhiều thời gian, dẫn đến việc giá mua nước không tăng theo giá bán, gây tác động tới biên lợi nhuận.

Như tại TP.HCM, giá bán lẻ nước sạch đã áp dụng theo đơn giá năm 2013 của Quyết định 103/2009/QĐ-UBND Thành phố ngày 24/9/2009 cho lộ trình tăng giá nước giai đoạn 2009-2013.

Từ năm 2014 đến 2018, Tổng công ty Nước Sài Gòn (Sawaco) đã nhiều lần đề xuất phương án điều chỉnh giá nước sạch, nhưng phải đến giữa tháng 10/2019, cơ quan này mới chấp nhận điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt theo lộ trình 2019-2022.

Theo đó, giá nước sạch chính thức tăng từ ngày 15/11/2019 với mức tăng trung bình 5-7% mỗi năm. Với biểu giá nước mới, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TP.HCM kỳ vọng sẽ cải thiện được biên lợi nhuận trong thời gian tới.

Điều này có thể thấy qua trường hợp của BWE. Sau Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương về quy định giá nước cho sinh hoạt đô thị và sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh với mức tăng từ 3-5% mỗi năm trong giai đoạn 2018 đến 2022 được áp dụng từ 1/4/2018, biên lợi nhuận gộp hợp nhất của BWE đã tăng lên 39,65% trong năm 2018 từ mức 36,2% của năm 2017 và tiếp tục tăng lên 40,62% trong 9 tháng đầu năm 2019.

Ngoài giá bán, các doanh nghiệp chuyên về phân phối còn chịu tác động từ yếu tố địa bàn kinh doanh, qua đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Nguyên nhân là bởi mỗi doanh nghiệp ngành nước hiện chỉ được giao phụ trách một địa bàn nhất định.

Đơn cử, tại TP.HCM, CLW phụ trách cung cấp nước sạch tại khu vực quận 5, 6, 8 và Bình Tân; TDW phụ trách các quận 2, 9 và Thủ Đức, còn CTCP Cấp nước Gia Định (GDW) phụ trách các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, phường 12,13,14 của quận 3 và phường 1 quận Gò Vấp…

Điều này khiến khả năng mở rộng địa bàn kinh doanh gặp nhiều hạn chế, thậm chí có nguy cơ bị thu hồi, chuyển giao một phần cho đơn vị khác khi thực hiện tái cơ cấu, phân chia lại địa bàn hoạt động.

Một khó khăn khác còn đến từ đặc thù quản lý mạng lưới cấp nước lớn, dẫn đến nguy cơ vỡ bể đường ống, thất thoát nước, khách hàng gian lận nước… khiến tốn kém thời gian, chi phí giá vốn tăng...

Chẳng hạn, tại CLW, đến cuối năm 2018, mạng lưới cấp nước do Công ty quản lý có tổng chiều dài khoảng 13.000 km với hơn 280.000 khách hàng. Mạng lưới rộng, nhiều đường ống cũ khiến tỷ lệ hao hụt nước của CLWW lên đến 28,33%.

Nếu giảm được tỷ lệ thất thoát nước, doanh nghiệp sẽ cải thiện được biên lợi nhuận gộp, nhưng để làm điều này đồng nghĩa phải đẩy mạnh đầu tư, cải tạo hệ thống đường ống... với chi phí tốn kém.

Cổ phiếu nước: Hấp dẫn, nhưng không dễ đầu tư

Nước sạch là mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất. Kinh tế càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng cao, thì nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ ngày càng tăng.

Khi nguồn nước ngầm, nước mặt đối diện nguy cơ ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm, nhu cầu sử dụng nước trong tự nhiên được thay thế bởi nguồn nước sạch do công ty cấp nước cung cấp sẽ giúp các doanh nghiệp này có triển vọng tăng trưởng doanh thu, ổn định lợi nhuận.

Mặt khác, việc sản phẩm nước làm ra được tiêu thụ ngay, hầu như không có tồn kho giúp các doanh nghiệp ngành này hoạt động hiệu quả với biên lợi nhuận cao hơn so với nhiều nhóm ngành sản xuất khác.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành những khoản đầu tư hấp dẫn bởi việc cố định địa bàn hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp có quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ, chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng, phần nào kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tài chính quy mô vốn lớn, bên cạnh việc thanh khoản hạn chế do cổ đông hạn chế bán ra…

Thực tế, đầu tư vào cổ phiếu ngành nước chủ yếu là nhà đầu tư có nền tảng, am hiểu thị trường và thường các doanh nghiệp nhà nước đã có cổ đông chi phối ngay sau khi cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược mới nếu muốn mua đủ cổ phần để chi phối doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
43.00 +3.70 (+9.41%)
46.65 +0.45 (+0.97%)
42.35 (0.00%)
0.20 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả