Cổ phiếu gạo đang "lặng sóng" trước những thông tin tích cực của ngành?
Dù xuất khẩu gạo đang gặp “thiên thời, địa lợi”, song nhóm cổ phiếu gạo lại có những phiên giao dịch khá mờ nhạt, có phần thờ ơ với những thông tin tích cực của ngành.
Đơn cử, cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã giảm hơn 1,2% xuống còn 16.100 đồng/cp. Đóng cửa phiên ngày 5/7, TAR giảm 0,62% sau 3 phiên xanh trước đó.
Tương tự, cổ phiếu NSC có một tuần giao dịch không mấy tích cực khi giảm 0,29% xuống còn 68.700 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, PAN là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm gạo trong tuần với 2,2% được tích luỹ thêm giúp cổ phiếu nhích lên giá 20.500 đồng/CP. Tuy nhiên, PAN cũng đóng cửa phiên 5/7 trong sắc đỏ.
Ngoài ra, LTG ghi nhận tăng nhẹ 0,65% lên 31.000 đồng/CP.
Việc thị trường thờ ơ với cổ phiếu gạo phần nào đến từ việc kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng, dù những tín hiệu tích cực liên tiếp xuất hiện. Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đi lùi. Nguyên nhân chính do chi phí lãi vay/lợi nhuận gộp chiếm tỷ trọng lớn nên đã bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong báo cáo mới đây, CTCK Nhất Việt (VFS) cho biết, ngành gạo được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bứt phá nhờ được hưởng lợi từ việc giá gạo tiếp tục tăng do nguồn cung thâm hụt và nhu cầu nhập khẩu tăng.
Bên cạnh đó, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam do đồng Baht của Thái Lan tăng giá làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối nước ngoài. Giá phân bón cũng được kỳ vọng giảm dần trong năm 2023 giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mặt khác, lãi vay tăng mạnh thời gian qua đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, việc lãi suất giảm giúp doanh nghiệp bớt áp lực về chi phí tài chính và cải thiện lợi nhuận.
VFS khuyến nghị, đối với Tập đoàn Lộc Trời (LTG), việc ký kết Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho LTG vào thị trường EU, song song với Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, việc sáp nhập CTCP Lương thực Lộc Nhân giúp tăng công suất kỳ vọng mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho LTG trong năm nay. Công ty Lộc Nhân hiện đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất với doanh thu năm 2022 ước tính đạt gần 8.000 tỷ đồng.
VFS ước tính, cả năm 2023, LTG sẽ ghi nhận 14.028,73 tỷ đồng doanh thu và 465,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 20% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS đạt 5.780 đồng.
Ngoài ra, TAR sẽ được hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Tỷ trọng xuất khẩu của TAR đang chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. TAR sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam giúp doanh thu doanh nghiệp được cải thiện.
VFS tính toán, TAR sẽ ghi nhận 3.994,14 tỷ đồng doanh thu và 79,88 tỷ đồng lãi ròng năm nay, lần lượt tăng trưởng 5,1% và 13,9% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 1.020 đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường