Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/9: KDH, PHP, NTP, CTG
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/9 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu KDH
CTCK BIDV (BSC)
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH – sàn HOSE) vẫn duy trì mức tích cực, sát với dự báo của chúng tôi.
Cụ thể, 6 tháng, doanh thu KDH tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 1.969 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Như vậy, KDH đã hoàn thành lần lượt 41% và 39,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2021.
Làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 có thể tạo rủi ro ảnh hưởng đến kế hoạch mở bán các dự án và dự phóng tăng trưởng lợi nhuận. KDH dự kiến sẽ mở bán và ghi nhận một phần dự án Armena - Quận Thủ Đức (Dự kiến quý IV/2021) và dự án Bình Tân (quý II/2022). Như đề cập trong báo cáo gần nhất, việc vượt kế hoạch lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào tiến độ triển khai mở bán dự án Amerna – Thủ Đức.
BSC ước tính trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của KDH ước tính lần lượt đạt 4.631 tỷ đồng (tăng 0,3% so với năm ngoái) và 1.330 tỷ đồng (tăng 15%). EPS FW 2020 = 2.163 đồng. PE FW 2021 = 15,8 lần. Nguồn thu chính đến từ dự án (1) Safira, (2) Verosa Park, (3) Lovera Vista và (4) Dự án Amerna.
So với báo cáo khuyến nghị mua gần nhất ngày 10/05/2021, giá cổ phiếu Khang Điền đã ghi nhận mức tăng ấn tượng và tiệm cận mức giá mục tiêu của chúng tôi
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu KDH với giá mục tiêu là 39.300 đồng dựa theo PP RNAV (-1.1% so với mức giá ngày 31/08/2021) do (1) Cập nhật mới danh mục dự án, (2) Điều chỉnh nâng giả định giá bán dự án đối với cả quỹ đất tiềm năng khu vực Bình Tân, Phong Phú 2 và (3) WACC = 11%.
Khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu PHP tiếp cận ngưỡng 40.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu PHP của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy 27.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20, MA50, dải mây Ichimoku; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 32.0, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 40.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 27.0.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu NTP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị phù hợp thị trường đối với cổ phiếu NTP của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong với giá mục tiêu 51.30 đồng/CP dựa theo phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, trên cơ sở kỳ vọng về kết quả kinh doanh thấp hơn trong quý III/2021 cũng như áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, NTP duy trì kết quả kinh doanh ổn định với doanh thu thuần tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt 2.395 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 32,3%, đạt 270 tỷ đồng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của NTP đã giảm 6,34% xuống còn 26% so với nửa đầu năm 2020, do giá hạt nhựa đầu vào đã liên tục tăng từ đầu năm.
Nợ ngắn hạn tăng 60.7% so với cùng kỳ trong khi hàng tồn kho đang ở mức cao – hơn 1.020 tỷ đồng, cao hơn 53.2% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá nguyên liệu tăng đẩy giá thành phẩm của NTP cao hơn, công ty có xu hướng tích trữ thêm nguyên liệu để giảm ảnh hưởng từ giá đầu vào. NTP dùng nợ ngắn hạn như nguồn tiền để nhập nguyên liệu cho sx, mức tăng của nợ ngắn hạn tương ứng với mức tăng của hàng tồn kho.
Hệ số vòng quay khoản phải thu tăng lên 2,87 lần so với mức 2,46 lần của 6 tháng đầu năm 2020, thể hiện động thái cải thiện để giảm rủi ro chiếm dụng vốn từ khách hàng của công ty.
Quan điểm đầu tư: Giá hạt nhựa PP đầu vào đang có xu hướng chững lại nhưng giá hạt nhựa PVC và HDPE vẫn đang duy trì nhịp tăng, làm gia tăng chi phí sx và thu hẹp biên lợi nhuận gộp của NTP.
Dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến bất thường làm đình trệ các dự án nhà ở và hạ tầng cơ sở, nhu cầu cho nhựa xây dựng cũng suy giảm theo.
Tuy tập trung vào nhóm khách hàng khu vực miền Bắc, NTP vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhóm các doanh nghiệp nhựa miền Nam như đối thủ lâu năm BMP và các công ty mới phát triển mảng nhựa xây dựng như HSG, Tân Á Đại Thành.
Mức tăng giá bán của NTP trong thời gian vừa qua là khá lớn và tăng nhiều hơn BMP, giảm sức cạnh tranh về giá giữa thời điểm các doanh nghiệp xây dựng giảm tiến độ do giá nguyên vật liệu xây dựng đã tăng quá cao, đặc biệt là thép.
Rủi ro tới từ việc nhà máy không hoạt động hết công suất định mức bình thường, sẽ có một phần chi phí sx chung không được phân bổ vào giá thành của thành phẩm hàng tồn kho mà sẽ ghi nhận thẳng vào chi phí sx chung trong kỳ, làm tăng chi phí trong kỳ.
Khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 43.600 đồng/CP.
Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) thêm 2,6% lên 43.600 đồng/CP và duy trì khuyến nghị mua.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu được hỗ trợ bởi mức định giá cao hơn được tạo ra bởi phương pháp thu nhập thặng dư sau (1) mức tăng tổng cộng 2,1% trong lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2022-2025 của chúng tôi - mặc dù chúng tôi cắt giảm 22,6% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 - và (2 ) tăng giả định của chúng tôi đối với mức tăng trưởng trung hạn và tăng trưởng vô hạn trong mô hình định giá từ 3,5% và 2% lên lần lượt 4% và 3%.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 22,6% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 do (1) thu nhập từ lãi (NII) giảm 6,7% sau mức giảm 19 điểm cơ bản trong NIM dự phóng, (2) thu nhập phí ròng (NFI (bao gồm giao dịch ngoại hối) giảm 9,3% và ( 3) chi phí dự phòng tăng 39,3% chủ yếu do chúng tôi giả định CTG sẽ ghi nhận toàn bộ chi phí dự phòng theo TT03 trong năm 2021. Những khoản mục này được bù đắp một phần bởi chi phí HĐKD (OPEX) giảm 12,1%.
Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận giai đoạn 2022-2025F lên 2,1% chủ yếu do (1) tổng chi phí dự phòng giảm 8,9% do chúng tôi giả định rằng CTG sẽ ghi nhận tất cả chi phí dự phòng theo TT03 vào năm 2021 (so với giả định trước đó của chúng tôi là trong 3 năm từ 2021 đến 2023) và (2) tổng mức giảm 4,2% trong OPEX, bị ảnh hưởng một phần bởi (1) tổng NII giảm 0,1% và (2) tổng NFI (bao gồm cả giao dịch ngoại hối) giảm 8,0%.
Chúng tôi duy trì giả định về khoản phí ứng trước từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife là 300 triệu USD với việc CTG ghi nhận trước 60 triệu USD phí này vào năm 2021.
Rủi ro chính: Rủi ro thực hiện trong việc nâng tỷ lệ cho vay bán lẻ và/hoặc CASA; thương vụ bancassurance không trọng yếu như dự kiến; Dịch COVID-19 kéo dài có thể (1) yêu cầu các biện pháp tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng làm giảm tỷ lệ NIM và (2) dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận