Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/11: VRE, DHA, GEG, DHG, PC1, QNS, TPB, VPB
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/11 của các công ty chứng khoán.
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail với giá mục tiêu 38.100 đồng/CP trên cơ sở Vincom Retail là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và vận hành bất động sản bán lẻ; Thị trường bán lẻ Việt Nam duy trì triển vọng khả quan;
Bên cạnh đó, VRE hưởng lợi từ hệ sinh thái VinGroup, và Việc phát triến shophouse, tháp văn phòng và căn hộ để bán tại một số trung tâm thương mại Vincom Center bổ sung nguồn thu và dòng tiền cho VRE.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2020, VRE ghi nhận 5.076 tỷ đồng doanh thu (giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.408 tỷ đồng (giảm 28,5%). Trong quý III, VRE tiếp tục chi 145 tỷ đồng để hỗ trợ khách thuê (lũy kế 9 tháng hỗ trợ 820 tỷ đồng).
Lượng khách đến các trung tâm thương mại phục hồi khá tốt nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát. Hoạt động cho thuê trong quý III ghi nhận giảm 11% cùng kỳ, thấp hơn so với mức giảm >15% trong nửa đầu năm 2020, cho thấy tình hình hoạt động của trung tâm thương mại vẫn ổn định khi làn sóng Covid thứ 2 diễn ra trong nước vào tháng 8/2020.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lượng khách đến các trung tâm thương mại ở Hà Nội và HCM đã phục hồi và đạt 88% và 80% so với mức trước dịch. Doanh thu của các cửa hàng thời trang và ăn uống đã phục hồi mạnh mẽ, còn các gian hàng giải trí phục hồi chậm hơn. Giá thuê nhìn chung giữ nguyên, khách thuê được hỗ trợ giảm giá phí dịch vụ, miễn phí thuê 1 số thời điểm phải đóng cửa vì Covid-19.
Dự kiến trong quý cuối năm 2020, VRE sẽ khai trương Trung tâm thương mại Ocean Park và bàn giao các shophouse cho người mua. Thời điểm quý 4 với nhiều ngày lễ lớn và kỳ vọng mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất năm, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh và đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 2.300 - 2.400 tỷ đồng.
Định giá: Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu VRE vào khoảng 38.100 đồng/CP dựa trên phương pháp giá trị tài sản ròng NAV. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 26 lần (theo EPS 2021F khoảng 1.460 đồng).
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DHA của CTCP Hóa An với giá mục tiêu 47.300 đồng trên cơ sở (i) các mỏ đá của DHA còn trữ lượng khai thác lớn và thời hạn khai thác dài, (ii) chính sách đẩy mạnh đầu tư công thúc đẩy gia tăng sản lượng tiêu thụ đá xây dựng, (iii) doanh nghiệp có sức khỏe tài chính lành mạnh, và (iv) trả cổ tức tiền mặt cao và đều.
Tiêu điểm đầu tư: 9 tháng năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 278 tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ đá tăng 225.942 m3, trong đó riêng quý III tăng 140.479 m3 đá các loại nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công. Biên lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm tăng từ 32,1% lên 33,2% nhờ giá bán tăng nhẹ chủ yếu trong nửa đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng từ Mỏ đá Tân Cang 3 – sở hữu vị trí thuận lợi nhất để cung cấp đá cho Dự án Sân bay Long Thành. Trong số 3 mỏ đá DHA hiện đang sở hữu, mỏ Tân Cang 3 có vị trí thuận lợi nhất để cung cấp cho Dự án Sân bay Long Thành, thay thế cho hai mỏ Tân Ðông Hiệp và Núi Nhỏ.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với Dự án này sẽ giúp sản lượng đá khai thác tại mỏ đá Tân Cang 3 được cải thiện hơn trong năm 2021, là cơ sở để DN ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn trong năm sau.
Thêm vào đó, doanh nghiệp có tính chủ động cao về nguồn vốn, không phát sinh nợ vay. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đều và thặng dư qua các năm. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời duy trì ở mức cao với ROE >15%.
Ngoài ra, doanh nghiệp duy trì mức cổ tức tiền mặt 3.000 đồng/CP trong 3 năm trờ lại đây. Theo kế hoạch, DHA dự kiến chi trả cổ tức 2020 với VND 2.000/CP, tuy nhiên với KQKD ước tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chúng tôi kỳ vọng cổ tức cho 2020 sẽ tương đương với năm 2019.
Định giá: Chúng tôi xác định giá mục tiêu của DHA vào khoảng 47.300 đồng/CP dựa trên kết hợp phương pháp so sánh P/E và EV/EBITDA. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward 7,4 lần (theo EPS 2021F khoảng 6.397 đồng).
Cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu GEG trở về vùng giá 18.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu GEG của Công ty cổ phần Điện Gia Lai đang nằm trong xu hướng tăng giá từ vùng đáy 14.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, phản ánh xu hướng tăng giá trung hạn.
Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh vùng giá 16.50 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu trở về vùng giá 18.5, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 15.5.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu DHG
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường cho CTCP Dược Hậu Giang (DHG). Chúng tôi cho rằng P/E dự phóng năm 2020 hiện tại của DHG ở mức 18,3 lần là hợp lý trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận một chữ số, dựa theo ước tính của chúng tôi.
Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 15% khi (1) chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 thêm 4% nhờ doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất dự phóng cao hơn và tối ưu hóa chi phí từ hoạt động kinh doanh, (2) dự báo chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi giảm 1,2 điểm phần trăm còn 13,0% và (3) cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021.
Trong năm 2020, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng mạnh hơn 21% YoY, nhờ chốt được giá nguyên liệu thuận lợi hơn so với năm 2019, chi phí quảng cáo thấp hơn và tối ưu hóa chi phí từ hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh số bán sản phẩm tự sản xuất đạt 4% trong giai đoạn 2020-2023 do tỷ lệ tham gia thấp của DHG trong kênh bán bệnh viện vốn tăng trưởng nhanh chóng, khi khoảng 90% doanh số của công ty đến từ kênh bán nhà thuốc. Chúng tôi cũng cho rằng các dây chuyền sản xuất mới được nâng cấp sẽ có mức đóng góp thấp trong trung hạn.
Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu: cổ đông hiện sở hữu 51% tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu, lợi ích từ hỗ trợ kinh doanh cao hơn dự kiến từ Taisho.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu PC1
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) thêm 27% nhưng điều chỉnh giảm khuyến nghị từ mua thành phù hợp thị trường. Trong khi chúng tôi cho rằng PC1 là cổ phiếu với cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam do 3 dự án điện gió của công ty sẽ đi vào hoạt động vào cuối 2021, giá cổ phiếu của công ty đã tăng khoảng 40% trong 3 tháng qua khiến dư địa tăng giá cổ phiếu chỉ còn khoảng 10% theo giá mục tiêu điều chỉnh của chúng tôi.
Dù giảm dự báo lợi nhuận, chúng tôi tăng giá mục tiêu khi (1) chúng tôi chuyển sang áp dụng 100% mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) so với 70%:30% mô hình định giá DCF:P/E trước đây, khi phương thức định giá theo tỷ lệ P/E không ghi nhận đóng góp giá trị tiềm năng từ lượng công suất điện gió mới của PC1, và (2) chúng tôi giảm giả định tỷ lệ WACC thêm 0,4 điểm phần trăm và cập nhật giá mục tiêu từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2021.
Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-224 thêm 8%, chủ yếu do lợi nhuận thấp hơn của mảng điện gió (đến từ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao cao hơn khi chúng tôi tăng giả định vốn xây dựng cơ bản thêm 17% lên 41 tỷ đồng – 1,7 triệu đồng/MW) và chi phí khấu hao thường niên cao hơn của mảng thủy điện.
Do dịch COVID-19, chúng tôi hiện kỳ vọng dự án bất động sản Vĩnh Hưng sẽ bàn giao trong năm 2022 thay vì năm 2021. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế báo cáo năm 2021 của PC1 sẽ giảm 31% YoY.
Không bao gồm mảng bất động sản, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số điều chỉnh mạnh mẽ, đạt 16% trong giai đoạn 2020-2025 sẽ được dẫn dắt bởi công suất cấp điện dự kiến tăng gấp đôi lên 312 MW trong năm 2022.
Yếu tố hỗ trợ: lượng mưa và sản lượng thủy điện cao hơn dự kiến trong năm 2021.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu QNS
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng khuyến nghị của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) từ phù hợp thị trường lên khả quan do (1) định giá hấp dẫn với lợi xuất FCF/EV (dòng tiền tự do/giá trị doanh nghiệp) dự phóng giai đoạn 2020-2023 đạt 14%-19% chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng sữa đậu nành và (2) dự báo phục hồi lợi nhuận của chúng tôi từ mức cơ sở thấp 2020.
Chúng tôi nâng dự phóng giá mục tiêu thêm 17% khi chúng tôi cập nhật mô hình định giá sang năm 2021 và ghi nhận mức 1,2 điểm % trong dự báo chi phí vốn của chúng tôi còn 13,0%, phần nào được bù đắp bởi mức điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021-2022 khi doanh số sữa đậu nành quý 3/2020 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ giảm 24% trong năm 2020 khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhu cầu sữa đậu nành trong khi thời tiết không thuận lợi trong mùa vụ 2019/2020 ảnh hưởng đến năng suất mía đường và tương ứng là khả năng sinh lời mảng đường.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ ghi nhận CAGR 7% trong giai đoạn 2020-2023 chủ yếu nhờ sự phục hồi tiềm năng trong tiêu thụ sữa đậu nành (dự báo CAGR doanh thu 2020-2023 đạt 6%) và ở một chừng mực thấp hơn là khả năng thời tiết quay trở lại mức bình thường sẽ hỗ trợ mảng đường.
Yếu tố hỗ trợ tiềm năng: các sự kiện doanh nghiệp có tác động tích cực đến mảng kinh doanh sữa đậu nành, vốn chúng tôi cho rằng có thể được định giá cao hơn bởi thị trường nếu đánh giá riêng lẻ mảng này; khả năng áp thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan sẽ làm giảm cạnh tranh giá.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu TPB với giá mục tiêu 28.600 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu dự phóng thêm 15,8% đạt 28.600 đồng/CP nhưng duy trì khuyến nghị khả quan khi giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) đã tăng 14,3% trong 3 tháng qua.
Giá cổ phiếu cao hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh mức giảm trong dự báo chi phí vốn của chúng tôi và tác động tích cực từ cập nhật mô hình định giá của chúng tôi đến cuối 2021. Trong mô hình định giá thu nhập thặng dư của chúng tôi, dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2021-2024 tăng nhẹ 0,6%. Ngoài ra, chúng tôi áp dụng P/B mục tiêu 1,25 lần so với 1,13 lần trước đây.
Mức tăng trong lợi nhuận dự báo 2021-2024 là do mức tăng trung bình 5,2% trong dự báo thu nhập lãi ròng (NII), phần nào bị ảnh hưởng bởi mức tăng trung bình 14,9% trong dự báo chi phí dự phòng.
Liên quan đến dự báo 2020: Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng tín dụng lên 27% từ 15% - cùng với NIM ổn định – dẫn đến mức tăng 4,6% trong dự báo NII . Tuy nhiên, chi phí dự phòng dự báo cao hơn 10,6% sau khi các khoản vay tái cơ cấu theo TT01 cao hơn dự kiến, dẫn đến mức giảm 1,9% trong lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số.
ROE và ROA dự phóng 2021 của chúng tôi là 20,7% và 1,8% so với mức trung vị các công ty cùng ngành là 17,2% và 1,9%. Chúng tôi cho rằng định giá 2021 của TPB là hấp dẫn với P/B dự phóng đạt 1,1 lần so với trung vị các ngân hàng khác cũng ở mức tương tự.
Rủi ro: (1) cần tăng vốn để duy trì tăng trưởng cho vay trong tương lai, tạo ra rủi ro pha loãng; (2) phụ thuộc lớn vào huy động vốn liên ngân hàng làm gia tăng rủi ro thanh khoản nếu thị trường liên ngân hàng trong nước có các thay đổi.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 12,5% và duy trì khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) khi (1) cập nhật mô hình định giá đến cuối 2021 và (2) điều chỉnh giảm giả định chi phí vốn của chúng tôi, giúp bù đắp cho mức giảm 4,4% trong dự báo thu nhập ròng trong giai đoạn 2020-2024 so với dự báo trước đây của chúng tôi.
Tỷ lệ các khoản vay tái cơ cấu tại VPB duy trì ở mức 27,8 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2020 so với 28 nghìn tỷ đồng trong quý 2. Chúng tôi duy trì giả định rằng các khoản vay tái cơ cấu sẽ không vượt quá 33,5 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ tăng tốc xử lý nợ để giảm tỷ lệ nợ xấu trong quý 4. Chúng tôi duy trì dự báo thu nhập ròng 2020 gần như không đổi so với dự báo trước đây đạt 9 nghìn tỷ đồng (+8.5% YoY) do (1) mức giảm 2% trong chi phí dự phòng bù đắp cho (2) mức giảm 1% trong dự phóng lợi nhuận trước dự phòng.
Chúng tôi duy trì quan điểm rằng NIM 2020 sẽ giảm từ mức cơ sở cao trong năm 2019. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ tăng trong năm 2021 trong bối cảnh chi phí vốn ổn định khi chúng tôi kỳ vọng lợi suất cho vay của FE Credit (FEC) sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong 9 tháng 2020.
Việc bán cổ phần tại FEC duy trì là yếu tố hỗ trợ cho VPB trong năm 2021, theo quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng định giá của VPB là hấp dẫn với P/B 2021 đạt 1,0 lần. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/B 2021 đạt 1,29 lần.
Rủi ro: không thể kiểm soát chi phí tín dụng; rủi ro thực hiện khi gia tăng mảng thẻ tín dụng để giảm tỷ trọng cho vay tiền mặt; các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới có thể dẫn đến mức tăng trong nợ xấu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận