menu
Cổ đông Nhật Bản muốn nâng sở hữu Hataphar lên tối đa 35%
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ đông Nhật Bản muốn nâng sở hữu Hataphar lên tối đa 35%

Nếu mua thành công, cổ đông đến từ Nhật Bản - ASKA Pharmaceutical sẽ tiếp tục giữ vị trí cổ đông lớn nhất của CTCP Dược phẩm Hà Tây (Hataphar, HNX: DHT).

Dược phẩm Hà Tây cho biết ngày 26/08, Công ty nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai cổ phiếu DHT của ASKA Pharmaceutical. Cụ thể, ASKA đăng ký mua 9,000 cp DHT, tương ứng 0.011% vốn điều lệ của Công ty, để nâng tỷ lệ sở hữu từ 34.99% lên tối đa 35.001%. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, với tỷ lệ sở hữu vốn trên 35% đối với công ty cổ phần thì nhóm cổ đông hoặc cổ đông đó có quyền phủ quyết đối với các quyết định đặc biệt quan trọng của công ty.

Nếu thành công, ASKA Pharmaceutical cũng sẽ tiếp tục giữ vị trí cổ đông lớn nhất của DHT. Đứng thứ hai là bà Lê Việt Linh - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc nắm 7.06%, còn lại là ông Lê Văn Lớ - Chủ tịch HĐQT DHT giữ 6.25% vốn.

Cổ đông Nhật Bản muốn nâng sở hữu Hataphar lên tối đa 35%

Nguồn: VietstockFinance

Cổ đông ngoại bắt đầu hành trình gom cổ phiếu DHT từ năm 2020, khi đó ASKA mua tổng cộng 6.6 triệu cp (gồm 5.3 triệu cp chào bán riêng lẻ với giá 70,000 đồng/cp và 1.3 triệu cp giao dịch ngoài hệ thống), chiếm 24.9% vốn điều lệ DHT. Lượng cổ phần mà ASKA giao dịch ngoài hệ thống do ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc (gần 500,000 cp) và vợ là bà Nguyễn Thị Minh Hậu (hơn 800,000 cp) chuyển nhượng.

Cuối năm 2023, ASKA tiếp tục nâng sở hữu DHT lên mức 26.8 triệu cp, tương ứng 32.56% vốn, sau khi hoàn tất mua riêng lẻ 8.4 triệu cp với giá 21,500 đồng/cp. Trong 2 tháng đầu năm 2024, cổ đông Nhật Bản gom thêm 2 triệu cp thông qua giao dịch trên sàn, nâng tỷ lệ sở hữu DHT lên 34.99%.

ASKA là hãng dược có lịch sử 100 tuổi, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Ngành nghề kinh doanh của công ty này gồm: Sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế... Đến tháng 4/2020, ASKA thành lập bộ phận kinh doanh quốc tế nhằm đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển thông qua hoạt động ở thị trường nước ngoài.

Đánh giá về mối lương duyên với ASKA, ông Lê Xuân Thắm - Thành viên HĐQT DHT từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2020: “ASKA là công ty dược sản xuất hormone đứng đầu tại Nhật Bản, nếu liên kết với ASKA sẽ có nhiều thuận lợi cho DHT vì đối tác cũng là một nhà sản xuất dược phẩm top 17 Nhật Bản và có 4 phân xưởng tại thành phố Iwaki tỉnh Fusukima, 1 trong 4 này đã đạt tiêu chuẩn PIC/S Nhật Bản. Đồng thời, ASKA cam kết hỗ trợ DHT trong việc thiết kế, tập huấn, đào tạo, hướng dẫn vận hành, kết nối thẩm định… nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar".

Nguồn vốn thu được từ phát hành riêng lẻ góp phần vào dự án nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar (tổng mức đầu tư dự kiến 1,350 tỷ đồng). Gần 1,000 tỷ đồng còn lại DHT huy động từ nguồn vốn khác.

Nhà máy mới có tiêu chuẩn EU-GMP, chuyên sản xuất thuốc tân dược, thuốc hormone với quy mô 2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Nhóm thuốc tân dược bao gồm các dòng chuyên khoa như thuốc tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường. Đối với thuốc từ dược liệu có quy mô 700 triệu đơn vị sản phẩm/năm.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của DHT từ năm 2020-2023 có thể thấy sự xuất hiện của cổ đông chiến lược Nhật Bản chưa có nhiều tác động đáng kể vì đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy. Sau khi lập đỉnh doanh thu 2,042 tỷ đồng vào năm 2019, Công ty chưa thể đạt được lại mức này. Hơn nữa, lãi ròng cũng chưa bật tăng mạnh, vẫn duy trì mức dưới 100 tỷ đồng trong 3 năm qua (2021-2023).

Khép lại nửa đầu năm 2024, DHT đạt hơn 999 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 44% lên hơn 49 tỷ đồng, khiến lãi ròng giảm 35% còn hơn 33 tỷ đồng.

Năm 2024, DHT đặt mục tiêu tổng doanh thu 1,769 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 78.5 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 20% so với thực hiện 2023. Trong đó, DHT lưu ý kế hoạch lợi nhuận trước thuế được xây dựng với giả định chưa ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí nghiên cứu phát triển thuộc dự án Nhà máy CNC Hataphar trong năm 2024. Trong trường hợp các chi phí này được ghi nhận, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ được điều chỉnh tương ứng.

So với mục tiêu cả năm, Công ty thực hiện được 57% chỉ tiêu doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
96.30 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả