Cổ đông CKG tố HĐQT gây thất thoát tài sản?
Ông Lê Dũng Cường - người đại diện theo ủy quyền của nhóm cổ đông sở hữu hơn 8.6 triệu cp, tương ứng 9.07% vốn CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (HOSE: CKG), đã có đơn tố cáo về hành vi tham ô tài sản của các thành viên HĐQT CKG giai đoạn từ ngày 13/11/2020 đến hết ngày 19/11/2021.
Theo đơn tố cáo, các thành viên HĐQT CKG quyết định thành lập Công ty TNHH CIC Đất Mới (CIC Đất Mới) không đúng quy định pháp luật; quyết định các tài sản góp vốn của CKG vào CIC Đất Mới không đúng quy định, số liệu góp vốn không minh bạch.
Cụ thể, ngày 13/11/2020, HĐQT CKG ban hành Quyết định số 47/QĐ-HĐQT về việc góp vốn thành lập công ty con CIC Đất Mới với vốn điều lệ 122 tỷ đồng, trong đó CKG sở hữu 99% vốn và CIC Phú Quốc (Công ty con của CKG) sở hữu 1% vốn. Ngày 16/11/2020, CKG công bố Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu cho CIC Đất Mới.
Theo đại diện nhóm cổ đông, tại Quyết định số 47/QĐ-HĐQT về việc góp vốn thành lập, cử đại diện phần vốn góp tại CIC Đất Mới đã được công bố công khai, HĐQT CKG không hề thông qua nội dung tài sản góp vốn trong khi đây là một nội dung bắt buộc trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Như vậy Quyết định 47 chưa đủ cơ sở để tiến hành thành lập Công ty con CIC Đất Mới.
Theo Báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán năm 2020 của CKG, tính đến ngày 31/12/2020, giá trị góp vốn CKG tại CIC Đất Mới là 56.7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 30/07/2021, HĐQT của CKG lại ban hành Quyết định số 27/QĐ-HĐQT về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào CIC Đất Mới. Theo đó, Công ty CKG sử dụng các quyền sử dụng đất của mình theo các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BV 543702; số BO 400419 và số BO 422391, tổng diện tích 34,838.5m2 để góp vốn vào CIC Đất Mới. Tổng giá trị tài sản vốn góp là 122 tỷ đồng, tương ứng 100% vốn CIC Đất Mới.
CKG sử dụng các tài sản này để góp đủ số vốn đã đăng ký tại CIC Đất Mới khi thành lập, dù trước đó đã góp 56.7 tỷ đồng vào năm 2020 và hơn 22.7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Theo đơn tố giác, CKG đang góp không đúng loại tài sản góp vốn và góp vốn dư (khoảng 79.5 tỷ) so với tổng vốn điều lệ đã đăng ký.
“HĐQT CKG thông qua việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất là trái quy định pháp luật vì: thành viên công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết góp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Khi thành lập CIC Đất Mới CKG đăng ký góp 100% bằng tiền, sau đó đã thực góp 56.7 tỷ bằng tiền và góp tổng khoảng 79.5 tỷ bằng tiền, có thể thể thêm tài sản khác nên CKG không thể góp quyền sử dụng đất vào CIC Đất Mới như quyết định số 27 của HĐQT CKG. Hơn nữa, việc quyết định tài sản góp vốn đáng lẽ phải được ghi nhận tại thời điểm quyết định thành lập doanh nghiệp, làm cơ sở để đăng ký doanh nghiệp chứ không phải sau gần 08 tháng thành lập.
Bán rẻ tài sản Công ty?
Đại diện nhóm cổ đông, ông Cường cho rằng: “Sau lần chuyển nhượng trên, CKG chỉ còn sở hữu 24% phần vốn góp tại Công ty CIC Đất Mới, tức đã giảm 76% so với mức góp vốn ban đầu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng 76% phần vốn góp của Công ty CKG tại CIC Đất Mới lại không được HĐQT CKG thông báo, công bố thông tin cũng như không có bất kỳ một Quyết định nào của HĐQT thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp trên”.
Theo ông Cường, các thành viên HĐQT CKG có dấu hiệu không vô tư khách quan, thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực gây thất thoát tài sản của Công ty khi thông qua quyết định góp vốn bằng quyền sử dụng đất với giá trị thẩm định giá tài sản góp vốn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Tại thời điểm góp vốn, giá thị trường đối với các quyền sử dụng đất tương tự cao hơn gấp 3 - 4 lần giá trị thẩm định giá. Việc thẩm định giá thấp cũng thuận tiện hơn cho nhóm thành viên này tẩu tán tài sản, tại thời điểm CKG thoái vốn, tổng giá trị tài sản theo BCTC gần nhất của CKG khoảng 5,000 tỷ đồng, nếu thẩm định giá đúng thì các quyền sử dụng đất này có giá trị khoảng 500 tỷ đồng, chiếm 10% tổng giá trị tài sản theo BCTC gần nhất, số liệu này sẽ thu hút chú ý từ các cổ đông, gây bất lợi cho nhóm thành viên HĐQT tẩu tán tài sản.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, các thành viên HĐQT CKG có dấu hiệu đã lợi dụng quyền hạn của mình để quyết định việc đầu tư, thành lập công ty con nhằm chuyển quyền sử dụng đất của CKG sang CIC Đất Mới và bán quyền sử dụng đất với giá rẻ dưới hình thức thẩm định giá góp vốn giá trị thấp, sau đó chuyển nhượng vốn (thoái vốn). Bản chất của toàn bộ quá trình thành lập, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào CIC Đất Mới và thoái vốn là tẩu tán các quyền sử dụng đất của CKG với giá rẻ để chiếm đoạt phần giá trị chênh lệch.
Năm 2021, CKG ghi nhận khoản thu nhập từ việc thoái vốn tại CIC Đất Mới là hơn 42 tỷ đồng.
Theo nhóm cổ đông, lợi nhuận này được tính trên giá vốn nào thì lại không được làm rõ. Vì theo BCTC của CKG chỉ ghi nhận tổng khoản góp vốn vào CIC Đất Mới là 79.5 tỷ. Vậy nếu giá vốn là 79.5 tỷ, lợi nhuận hơn 42 tỷ đồng thì tổng doanh thu khoảng 121.6 tỷ đồng, doanh thu này còn thấp hơn giá trị thẩm định giá đất đã góp vào CIC Đất Mới (122 tỷ đồng). Thực tế CKG đang mất ba quyền sử dụng đất chứ không hề thu được lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận