Chuyên gia “phím hàng” các nhóm cổ phiếu tăng trưởng nửa cuối năm
"Với nhà đầu tư cá nhân, trong 6 tháng tới có rất nhiều cơ hội vì quy mô đi tiền thoáng hơn, nhiều lựa chọn khác nhau".
Đó là nhận định của ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 6/6.
Theo ông Huy, chọn ngành cho nhà đầu tư cá nhân có nhiều khác biệt so với quỹ, bởi quy mô quỹ ảnh hưởng tới khả năng đi tiền. Ví dụ, Quỹ VLGF do ông đang quản lý phân bổ 75% khoản đầu tư cho nhóm doanh nghiệp đầu ngành, phần còn lại là các doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng, cổ phiếu giá hấp dẫn.
“Theo quan điểm của tôi, với nhà đầu tư cá nhân, trong 6 tháng tới có rất nhiều cơ hội vì quy mô đi tiền thoáng hơn, nhiều lựa chọn khác nhau. Nếu ưu thích rủi ro cao hơn một chút thì lựa chọn nhóm cổ phiếu chứng khoán, không chỉ công ty lớn mà công ty nhỏ cũng có tiềm năng bứt phá. Với dòng vốn FDI tích cực, nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi. Nhóm tiêu dùng thiết yếu phù hợp với khẩu vị rủi ro ở mức an toàn hơn. Nhóm cổ phiếu này đã giảm trong năm ngoái và từ đầu năm tới nay mới tăng nhẹ”, ông Huy cho biết.
Ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM)
Từ góc độ của một nhà quản lý quỹ, ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết, hiện tại, ông đang quản lý quỹ với chiến lược mang tính phòng thủ, tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn, hoạt động kinh doanh ổn định, có nguồn trả cổ tức tiền mặt… Bên cạnh đó, một phần nguồn lực cũng ưu tiên phân bổ vào các công ty có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận.
“Sau khi kết quả kinh doanh quý I được công bố có thể nhận thấy sự hồi phục đã lan rộng ra toàn thị trường. Trong đó, tôi tập trung vào các nhóm ngành có kỳ vọng nhiều nhất như sản xuất, xuất khẩu… Dù các đơn hàng chưa được như trước nhưng đã quay trở lại. Đây là các doanh nghiệp mà chúng tôi ưu tiên phân bổ vốn.
Bên cạnh đó, một số ngành có kỳ vọng ổn định như ngân hàng cũng là một phần trong danh mục cần duy trì. Top 3 nhóm ngành mà chúng tôi đang quan tâm là: bán lẻ, ngân hàng và IT”, ông Lộc cho biết.
Toàn cảnh phiên thảo luận Danh mục tài sản đầu tư
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, có 3 nhóm ngành đặc thù, có câu chuyện tăng trưởng.
Thứ nhất là hoá chất, trong đó có nhóm doanh nghiệp cao su, cao su tự nhiên, phân bón.
Thứ hai mang tính đặc thù là cổ phiếu thép. Nhóm cổ phiếu thép rất đặc biệt, với những cổ phiếu tên tuổi như Hoà Phát (HPG), Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG). Đây là nhóm hồi phục kết quả kinh doanh rất tốt trên nền thấp 2023. Từ đầu năm tới nay nhóm cổ phiếu này cũng tăng rất mạnh. Tất nhiên trong nhóm ngành thép đó, chúng ta nhìn thấy chủ yếu là bluechip, nhưng lại quên mất có các cổ phiếu vừa phải hơn.
Thứ ba là một nhóm cổ phiếu mà các nhà đầu tư thường hay kêu khó giao dịch, khó đầu tư, chính là nhóm dầu khí. Về bản chất, nhóm này nếu theo dõi thì phải xác định doanh nghiệp nào có kết quả phục hồi và phải phân chia nhóm thượng nguồn, trung nguồn hay hạ nguồn. Năm nay, có 2 nhóm mà tôi đánh giá sẽ có kết quả kinh doanh nổi trội ngoài nhóm thép thì có dầu khí, đặc biệt là nhóm thượng nguồn: chuyên về khảo sát, khoan thăm dò, cơ khí dầu khí…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận