menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vân

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: 'Chúng tôi bỏ qua dự án lớn để giữ di sản'

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trả lời VnExpress về định hướng phát triển khi tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025.

- Lộ trình đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Năm 2021, địa phương đã mở rộng địa giới hành chính TP Huế, thêm 13 xã, phường, tăng diện tích lên gần 3,8 lần. Đến nay, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và một thành phố. Để phù hợp tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, tỉnh lên phương án điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và thêm quận.

Ban đầu, tỉnh đưa ra 3 phương án sắp xếp dân cư, đô thị, nhưng sau quá trình rà soát tiêu chí chỉ còn 2 phương án. Thứ nhất là mô hình 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Trong đó TP Huế chia làm 2 quận, thị xã Hương Thủy được nâng lên thành quận. 2 thị xã gồm Hương Trà và thành lập thêm thị xã Phong Điền trên cơ sở hiện trạng huyện Phong Điền. 4 huyện gồm A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông sáp nhập với Phú Lộc.

Phương án hai là 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. TP Huế chia thành 2 quận; 3 thị xã gồm Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và 4 huyện gồm A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông sáp nhập với Phú Lộc.

Sau khi thảo luận, tỉnh nhận thấy phương án thứ nhất phù hợp nhất bởi thị xã Hương Thủy có đủ cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị để thành lập quận.

Tỉnh cũng đưa ra hai phương án tên gọi cho thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính. Thứ nhất là lấy tên TP Huế, hai là TP Thừa Thiên Huế. Tên gọi của các quận trong tương lai có thể là lựa chọn trong các cặp Phú Xuân - Thuận Hóa, Hương Giang - Ngự Bình, Phú Xuân - Thừa Thiên...

- Ông hình dung bức tranh Thừa Thiên Huế trong 5-10 năm tới sẽ thế nào khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

- Bức tranh đã được Bộ Chính trị định hướng rõ nét trong Nghị quyết 54/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Cụ thể, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định rõ bức tranh Thừa Thiên Huế tương lai. Ngoài việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, địa phương cũng sẽ phát triển bền vững kinh tế biển, hình thành đô thị ven biển.

Để hiện thực điều đó, những năm qua tỉnh đã di dời hàng nghìn người dân sống trong di tích; quy hoạch chi tiết cảnh quan hai bờ sông Hương; xây dựng cầu vượt cửa biển Thuận An cùng tuyến đường dọc biển, một số tuyến đường huyết mạch kết nối giữa các đô thị. Địa phương cũng phát triển các dịch vụ đô thị thông minh và chính quyền điện tử lấy nhân dân làm trung tâm...

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: 'Chúng tôi bỏ qua dự án lớn để giữ di sản'
Trung tâm thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh

- Quy mô kinh tế của Thừa Thiên Huế còn nhỏ, chưa tự cân đối được ngân sách. Trong 5-10 năm tới, tỉnh xác định đâu là trụ cột kinh tế để bứt phá?

- Đúng là quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đột phá, thiếu các doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt nền kinh tế đi lên. Thu ngân sách còn thấp, chưa thể tự cân đối. Đây là thách thức đặt ra trong việc đảm bảo đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đối với đô thị trực thuộc Trung ương.

Từ nhiều năm qua, tỉnh xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này dựa trên cơ sở Thừa Thiên Huế là cố đô còn nguyên vẹn nhất Việt Nam, gia tài văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại, có nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo. Thiên nhiên ưu đãi cho địa phương hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, với hệ đầm phá, sông suối, đồi núi..., là nguồn tài sản khổng lồ, là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài.

Để tạo cú hích, sắp tới tỉnh quy hoạch phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trên cơ sở tăng trưởng xanh, hình thành khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương. Tỉnh cũng đầu tư nhà ga đón tàu du lịch biển tại cảng Chân Mây, nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài giai đoạn 2 lên 9 triệu khách/năm, mở mới đường bay từ Huế đi các tỉnh thành trong và ngoài nước...

- Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông nhìn nhận Thừa Thiên Huế phải đối mặt với thách thức nào?

- Như đã nói, Huế là đô thị xanh, là thành phố di sản của Việt Nam nên việc phát triển sẽ không giống như các đô thị khác. Tỉnh không khuyến khích mật độ dân cư cao, đô thị nén với những công trình xây dựng bề thế, không quá tập trung vào khu, cụm công nghiệp và ngành công nghiệp.

Thực tế việc phải bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư dự án lớn. Chúng tôi đã từ chối nhiều dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án thương mại có nguy cơ phá vỡ cảnh quan.

Ngoài phải giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, bảo tồn di sản, giữ được các thương hiệu mà tỉnh dày công xây dựng, chúng tôi cũng nhận thấy sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức. Kinh phí trùng tu, bảo tồn di tích mỗi năm trên địa bàn hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác còn hạn chế.

Tỉnh nằm trong vùng duyên hải miền Trung, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn ra thường xuyên tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững. Thách thức đặt ra cho tỉnh trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, bố trí, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Chủ tịch Thừa Thiên Huế: 'Chúng tôi bỏ qua dự án lớn để giữ di sản'
Đô thị ở phía nam sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

- Huyện miền núi Nam Đông, A Lưới trình độ dân trí, mức sống của người dân rất thấp, chênh lệch với vùng đô thị. Vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào khi lên thành phố trực thuộc Trung ương?

- Trong đề án sáp nhập các huyện, thị xã để lên thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Nam Đông sẽ sáp nhập vào huyện Phú Lộc, trước đây hai huyện là một. Những năm qua, kinh tế huyện Nam Đông đã có sự chuyển biến, người dân có nguồn thu nhập ổn định từ việc phát triển rừng bền vững, trồng cao su và trồng cây ăn trái, phát triển du lịch cộng đồng. Với tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua địa bàn, trong tương lai huyện sẽ phát triển.

Nằm ở phía tây của tỉnh, huyện A Lưới đang là một trong những huyện nghèo của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, cơ sở hạ tầng, thu nhập bình quân của người dân nơi đây đã có sự chuyển biến. Hiện tuyến quốc lộ 49A nối TP Huế và huyện A Lưới đang được mở rộng, tạo điều kiện về giao thương. Ngoài việc phát triển kinh tế từ rừng, người dân nơi đây cũng đang phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm truyền thống. Tỉnh phấn đấu 2-3 năm tới, huyện A Lưới sẽ thoát khỏi huyện nghèo.

Trong tương lai, tuyến đường 74 nối huyện A Lưới và huyện Nam Đông được hình thành sẽ giúp phát triển kinh tế ở khu vực này. Các xe từ nước bạn Lào có thể qua cửa khẩu Hồng Vân, A Đớt thẳng đường 74 để về cảng Chân Mây.

- Người dân sẽ hưởng lợi được gì khi lên thành phố trực thuộc Trung ương?

- Là người dân của tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi cũng như các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm luôn đặt câu hỏi này trước khi đề ra mục tiêu chính trị phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc trung ương. Và sau khi đã có thể tự tin trả lời câu hỏi đó, chúng tôi mới có thêm động lực, thôi thúc hành động.

Thừa Thiên Huế từng là kinh đô của Việt Nam trong hơn 143 năm, là đô thị cấp quốc gia và của khu vực, gắn với các thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giúp khôi phục lại vị thế đã có của tỉnh; phục hồi văn hóa của đô thị xưa và hình thành, xây dựng đô thị hiện nay; giúp gìn giữ bản sắc văn hóa của kinh đô xưa, những giá trị chuẩn mực của những con người đất thần kinh, những tinh hoa của nhân loại.

Với định hướng là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, người dân Thừa Thiên Huế dễ dàng hơn trong phát triển kinh tế, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch, y tế, giáo dục, khoa học, giúp nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại