Cấp nước Đà Nẵng (DNN) gặp khó với chỉ tiêu kinh doanh 2021
Đưa ra các kế hoạch khá cao, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (mã chứng khoán DNN – UPCoM) đã không đạt như kỳ vọng.
Lợi nhuận 128 tỷ đồng - nợ 570 tỷ đồng
Đại hội Cổ đông năm 2020 Công ty đã nhất trí chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 với doanh thu ngành nước đạt 570,158 tỷ đồng, nộp ngân sách 121 tỷ đồng. Tuy vậy, kết thúc năm 2020, các chỉ tiêu không những không đạt mà còn có sự sụt giảm đáng kể.
Theo báo cáo tài chính DNN mới nhất cho thấy, năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của DDN đạt 491,314 tỷ đồng, thấp hơn năm 2019 là 56,271 tỷ đồng, tương đương giảm 10,28%.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ được ghi nhận 232,69 tỷ đồng, sụt giảm 35,670 tỷ đồng so với năm 2019 (268,369 tỷ đồng). Riêng chi phí tài chính tăng 5,1 tỷ đồng năm 2019, đạt mức 10,7 tỷ đồng trong năm 2020 và chi phí lãi vay tăng từ 1,6 tỷ đồng lên 6,4 tỷ đồng năm 2020.
Tính chung, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Công ty đạt 160,7 tỷ đồng, giảm 44,1 tỷ đồng so với với năm 2019 (204,8 tỷ đồng). Mức lợi nhuận sau thuế đạt 128,55 tỷ đồng, sụt giảm 35,08 tỷ đồng so với năm 2019 (163,639 tỷ đồng).
Theo giải trình của DNN, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng, một số khách hàng là các nhà hàng, khách sạn và các cơ quan đơn vị hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng có sản lượng tiêu thụ nước sạch sụt giảm cũng là một trong các nguyên nhân gây sụt giảm lợi nhuận năm 2020 (giảm khoảng 10,5%).
Mặc dù doanh thu có sự sụt giảm nhưng đến hết năm 2020, tổng tài sản DDN tiếp tục tăng lên từ 1.215,48 tỷ đồng trong năm 2019 lên 1.298,38 tỷ đồng trong năm 2020.
Tuy vậy, chi phí vay nợ đã có sự tăng lên đáng kể, đạt 570,75 tỷ đồng, tăng hơn 80,1 tỷ đồng so với năm 2019. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng từ 169,67 tỷ đồng năm 2019 lên 186,68 tỷ đồng, bao gồm 3 khoản tăng lên đó là: Chi phí phải trả trước cho người bán ngắn hạn tăng từ 17 tỷ đồng lên 31,2 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 18,7 tỷ đồng lên 23,9 tỷ đồng; chi phí trả ngắn hạn khác tăng từ 83,5 tỷ đồng lên 90,3 tỷ đồng.
Riêng các chi phí khác như quỹ khen thưởng phúc lợi, thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước, chi phí phải trả cho người lao động thì đều giảm xuống so với năm 2019.
Nợ dài hạn DNN được ghi nhận tăng từ 320,9 tỷ đồng năm 2019 lên mức 384,07 tỷ đồng trong năm 2020, trong đó đáng chú ý là chi phí vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng đáng kể từ 142,1 tỷ đồng lên 222,84 tỷ đồng, tương ứng tăng 80,7 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu DNN được ghi nhận không có sự biến động nhiều từ 724,89 tỷ đồng lên 727,62 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu thông qua cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết là 579,64 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần là 8,99 tỷ đồng, cả 2 khoản này gần như không có sự thay đổi.
Tiếp tục các dự án đầu tư dang dở
Theo báo cáo tài chính, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang trong dài hạn của DNN đã tăng từ 113,49 tỷ đồng năm 2019 lên 195,14 tỷ đồng trong năm 2020. Đây cũng là năm mà DNN triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh nước sạch.
Trong tháng 7/2020, DNN đã triển khai đầu tư xây dựng dự án Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000 m3/ngày - Giai đoạn 2. Ngoài ra, trong năm DNN đã hoàn thành xây dựng các tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ nhằm khắc phục và xử lý kịp thời tình trạng nhiễm mặn nguồn nước tại cửa thu nước Cầu Đỏ...
Theo DNN, trong năm 2021, mức doanh thu ngành nước được kỳ vọng sẽ đạt 470,993 tỷ đồng, giảm 4,1% so với kết quả thực hiện trong năm 2020.
Trong năm, DNN dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số dự án quan trọng như Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000 m3/ngày; thi công trước hạng mục xây dựng bể chứa nước sạch và cụm xử lý bùn thuộc dự án Xây dựng Nhà máy nước Hòa Trung – Giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thủ tục pháp lý liên quan để hoàn tất việc đầu tư xây dựng dự án: Nâng công suất trạm bơm nước thô An Trạch lên 420.000 m3/ngày và tuyến ống nước thô D1200DI từ trạm bơm An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Hoàn thành thi công lắp đặt hệ thống công nghệ xử lý bùn và đầu tư phần xây dựng bể thu bùn xả từ các công trình xử lý nhằm hoàn thiện hệ thống xử lý bùn cho tại Nhà máy nước Sân Bay...
Thực hiện các công việc chuẩn bị liên quan để ngay khi có chủ trương thống nhất của UBND thành phố sẽ triển khai xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân cách cửa thu nước Cầu Đỏ khoảng 4.500 m về phía hạ lưu. Hoàn thành xây dựng cửa thu nước mới tại nhà máy nước Cầu Đỏ và vận hành tự động hóa việc lấy nước khi nhiễm mặn…
Theo nhận định của đơn vị kiểm toán tại báo cáo tài chính hợp nhất, do tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn ra nên trong năm 2021 doanh thu ngành nước của DNN có thể tiếp tục sụt giảm so với năm 2020. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh sẽ không đáng kể so với các lĩnh vực khác.
Tuy vậy, chắc chắn rằng việc quay trở lại guồng tăng trưởng của DNN trong năm nay sẽ còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó không thể không kể đến sự hồi phục của ngành du lịch Đà Nẵng, đó là điều kiện cần để các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, cơ sở lưu trú - các đơn vị tiêu thụ nước sạch lớn hoạt động trở lại. Tuy nhiên, kỳ vọng này đang ngày một khó khăn khi dịch Covid-19 đã tiếp tục bùng phát tại Đà Nẵng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DNN gần như là “cổ phiếu chết” với giá trị khớp lệnh giao dịch bằng 0 xuyên suốt từ năm 2018 đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận