Các nhà môi giới chứng khoán lớn nhất thị trường vẫn thắng đậm
Trái ngược với nhóm quy mô vừa và nhỏ, các công ty chứng khoán lớn vẫn kinh doanh khởi sắc quý III. Trong đó, TCBS dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành với gần 1.100 tỷ đồng.
Trong quý III năm nay, bức tranh kinh doanh của hầu hết công ty chứng khoán vừa và nhỏ đều kém sắc khi chứng kiến nguồn thu từ các nghiệp vụ chính (môi giới, cho vay ký quỹ, tự doanh...) giảm mạnh. Nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ thậm chí còn chịu thua lỗ.
Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh trên, kết quả kinh doanh của các nhà môi giới chứng khoán lớn nhất thị trường vẫn ghi nhận tăng trưởng dương. Chỉ số ít xuất hiện tình trạng đi ngang hoặc sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Sống khỏe nhờ cho vay margin
Trong số 77 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là quán quân quý III với gần 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dù đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, TCBS vẫn là công ty chứng khoán duy nhất đạt lợi nhuận trên mức nghìn tỷ đồng trong quý III.
Trong quý vừa qua, doanh thu hoạt động tự doanh và môi giới của TCBS đã giảm lần lượt 27% và 9%, nhưng tổng doanh thu hoạt động của công ty vẫn tăng hơn 8% lên 1.844 tỷ đồng nhờ mảng cho vay ký quỹ tăng 67%. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tại TCBS đã vượt 25.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động của nhà môi giới chứng khoán này tăng 55% đạt 5.772 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng tăng 80% đạt 3.869 tỷ đồng, vượt mục tiêu cả năm 5%.
Với mức lợi nhuận trước thuế quý III đạt 937 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán SSI (công ty mẹ) xếp thứ 2 ngay sau TCBS.
Quý vừa qua, SSI chứng kiến doanh thu hoạt động tăng 5% đạt gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng cho vay và tự doanh. Trong khi doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán chỉ tương đương 64% cùng kỳ.
Trên thực tế, thống kê của HoSE vừa qua cũng cho thấy thị phần môi giới của SSI chỉ đạt 8,84% vào quý III, mức thấp nhất nhiều năm qua.
Sau 9 tháng, công ty chứng khoán của ông Nguyễn Duy Hưng ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6.452 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.981 tỷ đồng, hoàn thành 80% và 88% kế hoạch cả năm.
Với nhà môi giới dẫn đầu thị phần trên HoSE - VPS - công ty đã ghi nhận lợi nhuận quý III tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 820 tỷ đồng.
Lý giải kết quả này, VPS cho biết dù khối lượng giao dịch trên sàn giảm khiến doanh thu đi lùi 13%, việc tiết giảm chi phí kinh doanh 45% đã giúp lợi nhuận quý III của công ty tăng vọt.
Lũy kế 9 tháng, VPS ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ. Không chỉ vượt kế hoạch cả năm đề ra 13%, đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của VPS.
Ngoài các công ty kể trên, một số nhà môi giới chứng khoán lớn trên thị trường cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III tăng trưởng tích cực, như VPBankS đạt 340 tỷ đồng (+13%), Chứng khoán VIX đạt 325 tỷ đồng (+31%), ACBS đạt 268 tỷ đồng (+83%) hay Vietcap đạt 265 tỷ đồng (+26%)...
VNDirect, SHS gặp khó
Ởchiều ngược lại, cũng nằm trong nhóm những nhà môi giới chứng khoán lớn nhất thị trường, nhưng CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) lại chứng kiến cả doanh thu lẫn lợi nhuận đi lùi trong quý vừa qua.
Quý III, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, 3 hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm tự doanh, môi giới và cho vay margin đều giảm 2 chữ số.
Ở mảng môi giới, thị phần của VNDirect đã bị thu hẹp đáng kể xuống 5,7%, thấp nhất trong 8 năm qua. Diễn biến này cũng khiến công ty tụt xuống vị trí thứ 6 về thị phần môi giới chứng khoán trên HoSE.
Dù đã cố gắng tiết giảm chi phí, lợi nhuận trước thuế của VNDirect vẫn giảm 21% xuống 620 tỷ đồng. Phải nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong 2 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VNDirect mới đạt 1.813 tỷ đồng, vẫn tăng 22% so với cùng kỳ và hoàn thành 73% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) cũng chịu cảnh suy giảm mạnh doanh thu, lợi nhuân quý III với lần lượt 276 tỷ đồng (-81%) và 74 tỷ đồng (-92%). Kết quả này đã kéo doanh thu, lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm nay của SHS giảm mạnh so với cùng kỳ.
Lý giải kết quả này, SHS cho biết lợi nhuận quý III giảm mạnh chủ yếu do thị trường chứng khoán Việt Nam kém thuận lợi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của SHS trong quý vừa qua đều suy giảm từ môi giới chứng khoán, tự doanh tới cho vay margin.
Với CTCP Chứng khoán TP.HCM - HSC (HoSE: HCM), lợi nhuận quý III của công ty chỉ nhích nhẹ 3% lên 275 tỷ đồng trong khi doanh thu hoạt động tăng tới 38% đạt trên 1.137 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do các khoản chi phí đều tăng vọt so với cùng kỳ, đáng chú ý nhất là lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng 64% lên 307 tỷ đồng.
Dù vậy sau 9 tháng, bức tranh kinh doanh của HSC vẫn mang gam màu tươi sáng. Trong đó, doanh thu hoạt động tăng 52% lên gần 3.100 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 64%.
So với kế hoạch cả năm, HSC đã hoàn thành 97% chỉ tiêu doanh thu và 70% mục tiêu lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận