Các "khoản phải thu" chuyển thành nợ xấu, nhiều doanh nghiệp xây dựng đối mặt với rủi ro lớn
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn nguội lạnh, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như dòng tiền gặp khó đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, rủi ro nợ xấu từ khách hàng luôn hiện hữu.
Đơn cử, cuối tháng 9/2023, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) cho biết hiện doanh nghiệp xây dựng đang phải đối diện với khó khăn chủ yếu đến từ thiếu nguồn việc và nợ đọng kéo dài.
Hay tại ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 vào ngày 17/10, Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu - CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) nhận định khả năng để Xây dựng Hòa Bình đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn khi các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 tại nhiều doanh nghiệp xây dựng đều ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản.
Tính đến cuối quý III/2023, khoản phải thu ngắn hạn của Xây dựng Hoà Bình ghi nhận gần 8.857 tỷ đồng gồm 5.293 tỷ phải thu từ khách hàng và 3.659 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Tập đoàn đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tổng 2.505 tỷ đồng tăng 22% so với số đầu năm.
Theo tìm hiểu, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.
Còn phải thu khách hàng được chuyển từ phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.
Còn với Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) là doanh nghiệp trong liên danh VIETUR - liên danh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10, gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư hơn 35.200 tỷ đồng cũng ghi nhận tăng khoản phải thu.
Tính đến cuối quý III/2023, khoản phải thu ngắn hạn 1.582 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với đầu năm chủ yếu do phải thu của khách hàng tăng 32% ghi nhận gần 1.211 tỷ đồng. Doanh nghiệp xây dựng này đã phải dự phòng hơn 6,5 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, PHC có khoản phải thu với 1 tập đoàn địa ốc lên tới 110 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với đầu năm; CTCP HBI có khoản phải thu gần 88 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ có hơn 36 tỷ đồng; CTCP Xây dựng và Thương mại Pros hơn 91 tỷ đồng;...
Đối với Coteccons, cuối quý III/2023, hơn một nửa tổng tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với 11.279 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu ngắn hạn từ khách hàng với hơn 10.688 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng nợ xấu 1.195 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Tại thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An có khoản phải thu hơn 490 tỷ đồng; Vinhomes có hơn 328 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm. Còn lại 9.870 tỷ đồng khoản phải thu của các khách hàng khác không được Coteccons công khai.
Tương tự, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) cũng ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn hơn 7.852 tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản. Trong đó, phải thu về ngắn hạn của khách hàng ghi nhận hơn 2.290 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 783 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận