Các doanh nghiệp bị hủy tư cách đại chúng do đâu?
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), từ đầu năm đến nay, có khoảng 23 doanh nghiệp bị hủy tư cách đại chúng vì nhiều lý do. Trong đó, chủ yếu là không đáp ứng được điều kiện của công ty đại chúng theo quy định, số khác hủy tư cách đại chúng do bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh và sáp nhập doanh ngiệp.
Danh sách các Công ty bị hủy tư cách đại chúng từ đầu năm 2023
(*) Ngày thông báo của UBCKNN. Dữ liệu cập nhật đến ngày 15/10.
Từ không đảm bảo được cơ cấu cổ đông theo quy định…
Trong danh sách trên, nguyên nhân phổ biến nhất là không đáp ứng được một trong hai điều kiện về công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán. Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 quy định công ty đại chúng là CTCP thuộc một trong hai trường hợp sau: (1) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; (2) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với UBCKNN theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
Theo đó, do vốn điều lệ của CTCP Sài Gòn Hỏa xa (SHX) là 17.2 tỷ đồng và các cổ đông không phải cổ đông lớn chỉ nắm giữ dưới 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, nên Công ty đã hủy tư cách đại chúng. Vấn đề này được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Biên bản của đại hội cho biết, Sài Gòn Hỏa xa IPO từ năm 2004 và không thông qua đăng ký với UBCKNN. Số lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty chỉ khoảng 1.72 triệu cp, thanh khoản thấp trong những năm qua.
Mặt khác, SHX có kết quả kinh doanh kém tích cực khi ba năm gần nhất liên tục thua lỗ. Năm 2022, SHX lỗ ròng gần 5.4 tỷ đồng, ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm 2023 có thể giảm lỗ về 2.9 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Dược phẩm TV.Pharm (UPCoM: TVP) cũng chính thức hủy tư cách đại chúng từ ngày 03/08. Vốn điều lệ gần 295 tỷ đồng, nhưng công ty mẹ của TVP là CTCP Dược AIKYA nắm đến 90.4%, đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu các cổ đông khác dưới 10%, không đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu.
Sắp tới đây, TV.Pharm sẽ đầu tư dự án khu dược phẩm công nghệ cao TV.Pharm tại cụm công nghiệp Tân Ngại (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) với tổng vốn đầu tư 1,500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 1,050 tỷ đồng, vốn tự có và huy động là 450 tỷ đồng. Trước mắt, TV.Pharm sẽ đầu tư 2 nhà máy gồm nhà máy sản xuất thuốc Đông Dược và nhà máy sản xuất thuốc tiêm GMP-EU với vốn đầu tư lần lượt 200 tỷ đồng và 260 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA), CTCP ANI (SIC) hay CTCP Cơ điện Thủ Đức (EMC) cũng không đáp ứng điều kiện có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Tại ngày 30/01, 1,837 cổ đông của KHA chỉ nắm 6.78% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Hay SIC do 506 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn (chốt ngày 14/06/2022) chỉ nắm có 9.7% vốn điệu lệ. Việc hủy tư cách đại chúng thực tế đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 của KHA thông qua, quá trình làm thủ tục đến nay UBCKNN đã có thông báo chấp thuận hủy tư cách đại chúng của SIC. Đối với EMC, tại ngày chốt danh sách cổ đông 09/03/2023, các cổ đông lớn của EMC nắm giữ đến 94.54% vốn điều lệ, còn các cổ đông nhỏ nắm giữ 5.46%.
…đến bị thu hồi giấy phép kinh doanh
Ngoài không đáp ứng số lượng cổ đông theo quy định, một số công ty hủy tư cách đại chúng do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đơn cử như CTCP Basa, Doanh nghiệp này đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Cần Thơ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cùng với đó là kết quả kinh doanh bết bát, thua lỗ nhiều năm liên tiếp.
Số liệu gần nhất về hoạt động kinh doanh của Công ty thể hiện trên BCTC soát xét bán niên 2016 (01/01-16/05/2016). Tại ngày 16/05, Basa lỗ lũy kế 118 tỷ đồng, vượt vốn góp chủ sở hữu là 96 tỷ đồng. Chưa kể, toàn bộ tài sản cố định hữu hình, vô hình và công trình xây dựng đã bán thanh lý theo biên bản họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 26/03/2016 và Công ty cũng dự định ngừng hoạt động.
Bên cạnh CTCP Basa còn có CTCP Cavico Xây dựng Cầu Hầm bị Sở KH&ĐT TP. Hà Nội thu hồi giấy đăng ký kinh doanh; CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM) và CTCP Bê Tông – Thép Ninh Bình lần lượt bị Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang và tỉnh Ninh Bình thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD.
Một trường hợp đáng chú ý của CTCP Cao su Đồng Phú – Đắk Nông (DPD), bị hủy tư cách đại chúng do sáp nhập vào CTCP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR). Sau đó, DPD cũng giải thể, làm cơ sở để thành lập nông trường cao su Đồng Phú Đắk Nông, trực thuộc DPR từ ngày 26/07/2023. Hoạt động sáp nhập này thực hiện theo chủ trương tái cơ cấu đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR).
DPR đã phát hành 433,025 cp để hoán đổi toàn bộ 12 triệu cp DPD theo tỷ lệ 3.14:1 (tức 3.14 cp DPD đổi được 1 cổ phiếu DPR). Kết quả, 442,966 cp hoán đổi bởi 118 nhà đầu tư, chiếm tỷ lệ 99.99% tổng số cổ phiếu phát hành.
Về tình hình kinh doanh của DPD, trong 2 năm đầu của giai đoạn 2018 – 2022, Công ty lỗ ròng mỗi năm gần 3 tỷ đồng và 209 triệu đồng. 3 năm sau đó đều có lãi, cao nhất là vào 2021 lãi gần 12 tỷ đồng và lùi về gần 7 tỷ đồng năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường