24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đậu Thế Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ trưởng KH&ĐT: Củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh

Chuẩn bị cho năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý đến những thách thức với nền kinh tế Việt Nam đồng thời nêu rõ định hướng điều hành của Chính phủ năm tới.

Nhiều biến động

Mở đầu bài phát biểu trong Phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 chiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022.

Theo Bộ trưởng, lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực.

Thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn, khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước... một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italia...

“Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH&ĐT: Củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng cho biết, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, với độ mở của nền kinh tế lớn khoảng 200% GDP, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường bất động sản.

Từ nửa đầu quý IV/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...

Bên cạnh đó, là quốc gia đang chuyển đổi và hội nhập nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao...

8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023

Để hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển, huy động tối đa nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp... đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023.

Với nhiệm vụ đầu tiên, Bộ trưởng yêu cầu phải kiên định, nhất quán và bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước theo đúng Kết luận số 42 của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 68 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thứ hai, lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất.

“Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; minh bạch, công khai hóa thông tin, cũng như trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH&ĐT: Củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Nhiệm vụ thứ 3, theo Bộ trưởng, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển, vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 Tp. HCM...

Thứ 4, ông nhấn mạnh đến việc phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển...

Năm là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó hoàn thành đầu tư Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc, đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại một số địa phương động lực ở các vùng, miền; thiết lập và tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Đẩy nhanh việc thực hiện thực chất, hiệu quả hơn Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mà trọng tâm là hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Nhiệm vụ thứ 6, triển khai thực hiện tốt 06 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng; ban hành quy chế phối hợp, thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển đồng bộ, tạo sự liên kết giữa các vùng, gắn với liên kết các khu vực kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối liên kết vùng sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới...

Bộ trưởng KH&ĐT: Củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh
Các diễn giả, nhà khoa học quốc tế tại Diễn đàn.

Bảy là, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế...

Nhiệm vụ thứ 8, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT nêu rõ, bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển, để vượt qua được một thế giới đầy biến động, đòi hỏi không chỉ riêng sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra mà còn phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước….

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả