Bất động sản công nghiệp 'nổi sóng', một doanh nghiệp bứt phá vào phút cuối
Lợi nhuận cuối năm 2023 bứt phá, giúp doanh nghiệp bất động sản công nghiệp Long Hậu vượt xa kế hoạch năm. Thị trường bất động sản công nghiệp đang bước vào thời kỳ sôi động.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, CTCP Long Hậu (mã: LHG) ghi nhận doanh thu đạt 145 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế đạt 61,6 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong báo cáo nêu rõ, trong kỳ, LHG đã tiết giảm đáng kể tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng, điều đó giúp lãi gộp tăng từ 42,6% lên mức 53,1%.
Không những vậy, doanh thu từ tài chính của LHG tăng 76% so với năm trước, lên mức 24 tỷ đồng và chi phí hoạt động không tăng.
Tuy hoạt động kinh doanh quý IV tăng mạnh nhưng cũng không thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong năm 2023. Cụ thể, lũy kế cả năm 2023, LHG chỉ đạt 395 tỷ đồng doanh thu thuần và 166,5 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt thấp hơn 37% và 18% so với năm trước.
Tuy nhiên, năm 2023, Long Hậu đặt kế hoạch doanh thu 902 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 127 tỷ. Với kết quả này, LHG giảm 56% doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 31% so với chỉ tiêu đề ra.
CTCP Long Hậu được thành lập ngày 23/5/2006 tại Long An. Cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, LHG nổi lên với dự án KCN Long Hậu (Long An), quy mô 500 ha; khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu (Khu công nghệ cao Đà Nẵng), quy mô 29,6 ha.
Kết phiên giao dịch ngày 18/1, cổ phiếu LHG đạt 30.550 đồng/cp.
Cũng có kết quả kinh doanh tốt trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) của ông Đặng Thành Tâm hưởng lợi từ dòng tiền tăng mạnh trong hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp. Qua đó, KBC giảm nợ vay và xóa toàn bộ 2.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ra khỏi sổ sách.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam được đánh giá đang ở thời kỳ sôi động và có triển vọng tươi sáng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc chạy đua để tạo ảnh hưởng ở những khu vực quan trọng, gồm một châu Á được kỳ vọng sẽ bứt phá, trong đó Việt Nam.
Trong một báo cáo vừa công bố, Chứng khoán SSI cho rằng, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp (KCN) sẽ tích cực trong năm 2024.
Theo đó, nhu cầu thuê đất tại các KCN ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng cao nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn.
Tính đến tháng 9/2023, theo CBRE, Apple có 11 cơ sở sản xuất thiết bị âm thanh tại Việt Nam và các nhà cung cấp của Apple như: Lux Share, Foxconn, Compal và GoTek đang vận hành 32 nhà máy tại Việt Nam.
Trong khi đó, các KCN ở miền Nam có thể ghi nhận sự phục hồi từ mức nền thấp trong năm 2023, với các doanh nghiệp thuê đất chính thuộc lĩnh vực sản xuất (dệt may, gỗ, da giày), logistics và thực phẩm, đồ uống.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 18/1 , VN-Index tăng 6,53 điểm (+0,56%) lên 1.169,06 điểm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,19%) lên 229,93 điểm, UpCOM-Index tăng 0,2 điểm (+0,23%), lên 87,16 điểm.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặc dù cơ hội tiếp tục đi lên vẫn được để ngỏ với vùng kháng cự kế tiếp đặt tại 1.185 (+/-10) điểm, nhịp hồi phục không được đánh giá cao do thanh khoản suy giảm trong các phiên tăng.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ tham gia mua trading tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.140 (+/-5) điểm và ngược lại, bán giảm tỷ trọng với các mã đang nắm giữ tại các nhịp tăng chớm vượt đỉnh/chạm kháng cự.
Còn Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để mua mới với tỷ trọng thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường