menu
Bất chấp cảnh báo tiền ‘chết’ trong vàng, nhiều người vẫn sôi sục mua bán
Hoàng Xuan Hường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bất chấp cảnh báo tiền ‘chết’ trong vàng, nhiều người vẫn sôi sục mua bán

Trên nghị trường Quốc hội, nhiều câu hỏi chất vấn xoay quanh thị trường vàng. Ngoài thị trường, vàng tiếp tục "nóng" khi giá giảm cả triệu đồng/lượng, khiến người dân đổ xô đi mua vàng bắt đáy. Nhà chức trách lo ngại người dân khi đầu tư vào vàng, tiền sẽ "nằm chết".

Nhu cầu mua vào lớn

Chỉ trong phiên giao dịch sáng nay (12/11), giá vàng miếng SJC 4 lần được điều chỉnh giảm. Đến 15h30 chiều nay, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 80,6 - 84,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1,3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm mạnh từ 1,5 - gần 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 81,23 - 83,38 triệu đồng/lượng, giảm 1,55 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 80 - 82,5 triệu đồng/lượng, giảm 1,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tiếp đà giảm mạnh trong bối cảnh giá thế giới liên tục giảm những ngày qua. Như vậy, trong 6 ngày qua, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều giảm gần 6 triệu đồng/lượng.

Khác với ngày giảm mạnh từ thứ 5 tuần trước, khi người dân lo sợ bán vàng ra, từ đầu tuần đến nay, nhu cầu mua vào của người dân tăng trở lại.

Có mặt tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 12/11, cửa hàng thông báo ai đến cũng được mua, số lượng tối đa 5 lượng/người. Trước đó, cửa hàng bán nhỏ giọt từ 1 - 3 chỉ/người/ngày và giới hạn số người mua trong ngày. Tuy nhiên, số lượng người đến đông nên họ vẫn phải xếp hàng chờ từ 30 - 60 phút mới vào mua được vàng.

Người dân xếp hàng ngồi chờ mua vàng sáng 12/11 tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông - Hà Nội.

Chị Thanh Trà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Tôi thấy vàng giảm nên tranh thủ mua vào. Sau nhiều tháng đến giờ tôi mới thấy cửa hàng bán vàng ra nhiều như vậy nên chờ lâu một chút cũng không sao".

Cũng trên phố Trần Nhân Tông, cửa hàng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn thông báo vừa hết vàng miếng SJC lúc 10h và còn vàng nhẫn loại 5 chỉ.

Cửa hàng vàng Phú Quý, khách hàng cũng phải xếp hàng chờ tới lượt được mua.

Bên ngoài các cửa hàng vàng lớn, xuất hiện tình trạng nhiều người mua gom. Theo đó, mỗi lượng vàng miếng SJC, vàng nhẫn được mua với giá cao hơn nửa triệu đồng/lượng so với giá mua vào của cửa hàng.

Cần sửa ngay Nghị định 24

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho biết, thị trường vàng vẫn "nóng" ngoài thị trường về nguồn cung và nhu cầu mua bán của người dân. Để quản lý thị trường vàng phải theo khuôn khổ pháp lý. Điều này được thể hiện trong Nghị định 24 quy định về hoạt động kinh doanh vàng.

Theo ông Phước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày hôm qua đã nói rằng, đang chuẩn bị cho sửa Nghị định 24. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội cũng đưa ra thông điệp hạn chế người dân giữ vàng miếng.

"Chúng ta hãy để cơ quan quản lý hành động với lời nói trước Quốc hội. Hãy để cho Nhà nước hành động đúng trách nhiệm của mình với nhân dân. Câu chuyện về vàng được bàn đi bàn lại rất nhiều lần. Và không ít lần tôi đã kiến nghị Nhà nước chỉnh sửa Nghị định 24 về vàng, trao lại cho thị trường các quyền năng vốn có của nó. Đó chính là nguồn cung, cầu, tạo điều kiện nhập khẩu, chế tác...", ông Phước nói.

Ông Phước nhấn mạnh, "điểm nghẽn" của thị trường vàng chính là Nghị định 24 và cần được tháo gỡ ngay.

Bất chấp cảnh báo tiền ‘chết’ trong vàng, nhiều người vẫn sôi sục mua bán

Người dân được mua 5 lượng vàng trong ngày 12/11 tại một cửa hàng vàng, thay vì chỉ được mua 2 chỉ vào ngày hôm qua.

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, người dân khi đầu tư vào vàng, tiền sẽ "nằm chết" ở đó. Khi nắm giữ vàng, có thể giá trị vàng rất lớn và cũng đồng nghĩa với việc số tiền đó người dân không sử dụng được. Nếu chuyển hóa tài sản này thành VND, lúc đó, người dân sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, ví dụ như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất - kinh doanh. Trường hợp khác, người dân có thể mua cổ phần, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 của Chính phủ, thiết kế chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nhu cầu đầu tư vàng, giữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân cần được tôn trọng. Nhiều người lao động không có tiền cũng như không có kiến thức đầu tư chứng khoán, bất động sản, trong khi lãi suất tiền gửi không hấp dẫn... vẫn sẽ mua bán vàng. Vì thế, cần cho phép người dân giữ vàng, đầu tư trong chừng mực, đảm bảo hài hoà với lợi ích quốc gia. Khống chế mua vàng miếng là không hợp lý.

“Tôi ủng hộ việc sửa Nghị định 24 về bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo tôi nên cho doanh nghiệp có năng lực được nhập khẩu vàng dưới sự chỉ đạo, quản lý của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu cho hay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2,646.02 $ +2.36 (+0.09%)
PTKT
85,500 N 0.00 (0.00%)
85,500 N 0.00 (0.00%)
2,645.90 +3.12 (+0.12%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả