24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ly Na
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh đã xong?

Một tuần giao dịch khá cân bằng với các hoạt động bắt đáy và lướt sóng sôi động vẫn chưa đem lại độ tin cậy về khả năng tạo đáy. Các chuyên gia mặc dù cũng tận dụng cơ hội ngắn hạn tuần qua nhưng giao dịch rất thận trọng và quan điểm chủ đạo vẫn là chờ đợi thị trường điều chỉnh thêm nữa...

Theo các chuyên gia, với một nhịp tăng dài, biên độ lớn tính bằng nhiều tháng trước đó thì quá trình phân phối đầu tháng 8 có thể dẫn đến nhịp điều chỉnh lớn hơn. Trong xu hướng điều chỉnh vẫn luôn có các nhịp dừng nghỉ để rồi điều chỉnh tiếp. Thị trường sẽ có nhiều giai đoạn thử độ cân bằng trước khi tìm được vùng cân bằng thật sự.

Đánh giá về rủi ro margin, các chuyên gia có góc nhìn khác nhau. Quan điểm tích cực cho rằng thị trường đã có giải phóng bớt lượng đòn bẩy cũng như sự thận trọng khiến nhu cầu sử dụng lại đòn bẩy không nhiều. Tuy nhiên quan điểm thận trọng cho rằng thị trường sụt giảm nhanh và mạnh chỉ có một phiên, sau đó đi ngang nên có thể nhà đầu tư lựa chọn giải pháp bổ sung ký quỹ hơn là cắt giảm margin.

Điểm chung là các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn chưa đạt đến điểm cân bằng thật sự, hoặc ít nhất chưa có đủ tín hiệu về điều đó. Quá trình tìm vùng cân bằng có tâm lý thận trọng, nên thanh khoản có thể sẽ từ từ giảm xuống. Những dao động mạnh rất ngắn hạn chỉ phù hợp với lướt sóng nhanh trên cơ sở cổ phiếu có sẵn và cũng chỉ với tỷ trọng rất nhỏ.

Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh đã xong?

Thị trường đã kết thúc xu hướng đi lên gần 4 tháng qua bằng một đợt phân phối lớn ở các tuần đầu của tháng 8, và hiện tại, thị trường vẫn đang trong một đợt giảm ngắn hạn kéo dài từ 3 tới 5 tuần. Trong quá trình đi xuống, thị trường có thể xuất hiện một vài nhịp “tạm nghỉ” hoặc thậm chí là nhịp hồi kỹ thuật (bull-trap) lên thử thách lại vùng phân phối cũ.

Thị trường đã dừng giảm tuần qua nhưng cũng chỉ có duy nhất một phiên tăng tốt hôm thứ Năm và trả điểm ngày cuối tuần với cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng. Dù vậy đây vẫn là một tuần giao dịch khá cân bằng sau phiên giảm sốc ngày 18/8, nhưng vẫn chưa tới các mốc dự kiến của anh chị tuần trước. Liệu thị trường đã chạm đáy, hay chỉ là nhịp nghỉ để rồi giảm tiếp?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Với những gì đang diễn ra theo tôi kịch bản thị trường tạo đáy thì xác suất khá thấp. Tôi vẫn thiên theo kịch bản thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh tiếp. Có thể thị trường đi ngang rồi có nhịp “bull” lên sau đó giảm tiếp hoặc thị trường đi ngang vài phiên sau đó giảm mạnh tiếp.

Dù kịch bản nào xảy ra thì thị trường giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro cao nên nhà đầu tư nào vẫn muốn tham gia cần giao dịch thận trọng với tỷ trọng giao dịch nhỏ tầm 20-30% NAV.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua, thị trường đã có những diễn biến cân bằng hơn trong tuần này nhờ áp lực bán tháo có phần suy giảm. Mặc dù vậy, tôi không đánh giá cao cơ hội tạo đáy của thị trường khi dòng tiền bắt đáy tham gia vẫn chưa thực sự tích cực. Những nỗ lực hồi phục của chỉ số vẫn tiếp tục gặp cản trở do áp lực bán gia tăng trở lại quanh ngưỡng kháng cự gần 119x. Theo đó, VN-Index đang phải đối mặt với rủi ro hình thành mẫu cờ đuôi nheo – Bearish Pennant- và mở rộng nhịp điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, thị trường có thể đã kết thúc xu hướng đi lên gần 4 tháng qua bằng một đợt phân phối lớn ở các tuần đầu của tháng 8, và hiện tại, thị trường vẫn đang trong một đợt giảm ngắn hạn kéo dài từ 3 tới 5 tuần.

Trong quá trình đi xuống, thị trường có thể xuất hiện một vài nhịp “tạm nghỉ” hoặc thậm chí là nhịp hồi kỹ thuật (bull-trap) lên thử thách lại vùng phân phối cũ, thì cũng không làm thay đổi nhận định xu hướng đi lên gần 4 tháng qua đã kết thúc.

Dưới góc nhìn như vậy, tôi cho rằng tuần giao dịch vừa qua không phải là tín hiệu tin cậy cho việc xác nhận đợt giảm ngắn hạn đã chạm đáy.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

VN-Index đã giảm mạnh về khu vực hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm trước khi bật hồi trở lại về khu vực 1.180 – 1.185 điểm. Cho dù đang có những tín hiệu khởi sắc hơn từ phía thị trường nhưng tôi cho rằng tuần giao dịch tiếp theo vẫn là tuần quan trọng để xác định chỉ số dao động ở mốc nào quanh 1.180 – 1.200 điểm. VN-Index vẫn có cơ hội để tăng điểm hướng lên vùng 1.205 – 1.215 điểm

Ông Nguyễn Thế Hoài - Phó Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Thị trường đã có đợt tăng mạnh từ 1.030 tới 1.240 kéo dài từ tháng 4/2023 tới tháng 8/2023 với sự lan tỏa ra hầu hết các nhóm cổ phiếu khi chính sách vĩ mô đảo chiều. Thanh khoản thị trường liên tiếp có những phiên rất lớn cả về giá trị lẫn số lượng. Theo quan điểm cá nhân thì thị trường đang tìm điểm cân bằng, có thể sẽ là 1.120-1.140 trước khi tăng lại vào quý 4 và quý 1 năm 2024.

Thanh khoản tuần qua cũng suy yếu đáng kể, ở góc độ tích cực đó là tín hiệu của hiện tượng “xả căng” margin đã đem lại hiệu quả sau phiên giảm sốc hơn 55 điểm. Tuần trước anh chị cũng quan ngại rủi ro về sức ép margin cao trong đợt tăng vừa rồi. Sự cân bằng của thị trường tuần qua đã có thể hóa giải những lo ngại về giải chấp?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Trong một xu hướng giảm, việc khối lượng liên tục sụt giảm là tín hiệu tiêu cực, thể hiện tâm lý thị trường dần trở nên thận trọng và nhà đầu tư e ngại với rủi ro hơn. Chính vì thế mà nhu cầu sử dụng tới sức mua margin cũng dần hạ nhiệt.

Tôi cho rằng đặc điểm dòng tiền trong giai đoạn hiện tại vẫn ở trạng thái “dồi dào” về cả sức mua margin và sức mua đối ứng của nhà đầu tư. Hay môi trường “tiền nhiều” vẫn đang hiện hữu.

Việc xuất hiện đợt giảm ngắn hạn mà tôi đề cập ở trên không phải xuất phát từ việc thị trường thiếu tiền, mà tới từ yếu tố kỹ thuật của thị trường đã có đợt tăng quá dài mà chưa có đợt điều chỉnh “đủ độ” nào, cũng như đây là giai đoạn trung gian chuyển đổi trạng thái của nhà đầu tư từ việc kỳ vọng vào chính sách nới lỏng (nguyên nhân) sang mong đợi kết quả kinh doanh tích cực trở lại (kết quả).

Do đó, trong đợt giảm lần này, tôi không thực sự lo ngại rằng hiện tượng “giải chấp margin” sẽ xuất hiện trên thị trường chung, nếu có xảy ra thì cũng chỉ là trường hợp cá biệt và mang tính cục bộ.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ mối bận tâm của thị trường lúc này là điều chỉnh đủ nhịp chưa, hay là có thể phục hồi tích lũy dần để tham gia mua cổ phiếu trở lại. Giai đoạn này vẫn là giai đoạn chọn lựa cổ phiếu để mua dần hơn là việc bán ra trừ một số hoạt động cần cơ cấu danh mục hoặc chốt lãi ngắn hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi giai đoạn vừa rồi để mà nói bị giải chấp lượng lớn thì chưa xảy ra, vì thị trường giảm mạnh 1 phiên sau đó quay lại cân bằng nhiều nhà đầu tư sẽ chọn phương án bổ sung tài sản thay vì để bị giải chấp và điều đó cho thấy lượng margin vẫn ở mức cao sẽ là sức ép cao trong giai đoạn hiện tại.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Sau khi đột ngột cắt margin với nhiều mã cổ phiếu, một vài công ty chứng khoán đã “quay xe” và thông báo cho phép tăng hạn mức cho vay margin trở lại. Điều này đã giúp cho tâm lý của nhiều nhà đầu tư trở nên bớt tiêu cực hơn trong hai phiên giao dịch cuối tuần.

Ông Nguyễn Thế Hoài - Phó Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Sau nhịp giảm mạnh và sâu của thị trường trong năm 2022 thì đa số nhà đầu tư đều bị “tổn thương” nghiêm trọng và tới giờ thì lòng tin thị trường cũng chưa lớn tới mức nhà đầu tư dám đẩy mạnh margin quá căng. Còn việc thị trường điều chỉnh tuần qua có hóa giải hết giải chấp hay chưa thì thật khó để đưa ra nhận định.

Từ đầu tháng 7 và tháng 8 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất lớn và các quỹ ETF bị rút ròng cả ngàn tỷ đồng, đặc biệt là các quỹ có dòng vốn ngoại nổi bật như Fubon, Vaneck hay VFM Diamond, VFMVN30. Diễn biến này là hệ quả của biến động tỷ giá nóng lên những tuần gần đây, hay chỉ là sự dịch chuyển dòng vốn nóng khi xu hướng tăng trưởng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng đạt đỉnh?

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Việc Ngân hàng nhà nước tiếp tục hạ lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, vẫn duy trì quan điểm diều hâu đang khiến cho rủi ro về tỷ giá ngày một gia tăng. Cụ thể, tỷ giá bán USD của Vietcombank đã tăng khoảng 1,7% tính từ thời điểm đầu năm và lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây.

Việc khối ngoại duy trì đà bán ròng trong thời gian qua thể hiện quan điểm thận trọng của họ trước những biến động khó đoán của các yếu tố vĩ mô đang ngày một gia tăng. Trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc và các nước Châu Âu đang có dấu hiệu “hụt hơi”, thể hiện qua việc chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI bất ngờ diễn biến kém hơn dự báo, Việt Nam chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi diễn biến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và rút ròng là hệ quả của việc biến động tỷ giá nóng lên giai đoạn gần đây, điều này đã được dự báo trước khi lãi suất liên tục giảm. Mức độ bán ròng được đẩy lên cao trào hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam có giai đoạn tăng mạnh và có dấu hiệu đạt đỉnh ngắn hạn càng làm đẩy mạnh lực bán của khối ngoại: Giai đoạn khối ngoại đạt được 2 mục tiêu cùng lúc là chốt lời và rút ròng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi cho rằng diễn biến chứng chỉ quỹ ngoại bị rút ròng trong những tháng gần đây có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể đến từ diễn biến bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế với việc các nước lớn như Mỹ và Châu Âu duy trì chính sách thắt chặt khiến nỗi lo suy thoái kinh tế tăng cao, trong khi những diễn biến tiêu cực trên thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng khiến cho nhà đầu tư thận trọng với các tài sản rủi ro.

Ngoài ra cũng tới từ lo ngại rằng VND sẽ biến động mạnh so với USD, khi mà chính sách tiền tệ của Việt Nam đang ngược chiều với Mỹ, nên nhà đầu tư nước ngoài đã cân nhắc nhiều hơn tới rủi ro tỷ giá khi đưa ra quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thêm nguyên nhân nữa, việc khối ngoại bán ròng có thể tới từ diễn biến của chính thị trường chứng khoán Việt Nam, khi đợt tăng liên tục gần 4 tháng qua đã có tín hiệu kết thúc, thì việc dòng vốn ngoại hiện thực hóa lợi nhuận một phần cũng là hợp lý.

Tựu chung lại, mặc dù nguyên nhân khối ngoại bán ròng thì có nhiều nhưng biến động tỷ giá của VND có thể mang tính ngắn hạn và tiền Đồng có thể sẽ sớm ổn định trở lại khi mà chính sách thắt chặt của Mỹ gần tới hồi kết cũng như các công cụ can thiệp thị trường ngoại hối của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) đang ở trạng thái khỏe mạnh. Vì vậy, tôi cho rằng khối ngoại có thể sẽ nhập cuộc trở lại khi thị trường có cơ hội.

Ông Nguyễn Thế Hoài - Phó Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn chiếm tỷ trọng lớn, chỉ khoảng 15% giá trị thị trường nên khối ngoại không còn là người dẫn dắt thị trường như thuở thị trường mới hình thành. Nói thế không có nghĩa chúng ta có thể chủ quan, bỏ qua những tín hiệu từ khối ngoại, họ vẫn là những nhà đầu tư lớn có kỹ năng và chuyên môn cao. Và như nhận định của tôi ở trên thì khả năng dòng tiền nóng của khối ngoại đang lướt sóng khi thị trường đang có rủi ro trong ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Có thể nói là có nhiều yếu tố chi phối, tác động đến việc dịch chuyển dòng tiền ngắn hạn – câu chuyện tỷ giá, việc nhiều cổ phiếu tăng chạm đến vùng kháng cự tâm lý, việc chốt lời bán cổ phiếu của một bộ phận nhà đầu tư, giao dịch khối ngoại… dòng tiền biến động cũng đồng pha theo các nhịp tăng giảm của thị trường chung.

Dù tổng thể thị trường tuần qua không tăng bao nhiêu, nhưng cũng có vài nhịp dao động lớn, tạo cơ hội lướt sóng ngắn hạn tốt. Anh chị có tham gia lướt sóng T+? Anh chị đánh giá mức điều chỉnh vừa qua như thế nào, liệu giá đã đủ hấp dẫn để mua vào?

Ông Nguyễn Thế Hoài - Phó Giám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi luôn trích 1 phần nhỏ danh mục để tham gia lướt sóng. Còn về thị trường với khối lượng cổ phiếu trao tay trong 2 tuần vừa qua thì tôi đánh giá mức điều chỉnh có thể là chưa đủ, giá nhiều cổ phiếu chưa đủ hấp dẫn khi trước đó có nhịp tăng rất mạnh và dài. Thị trường cần thêm thời gian tích lũy để kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo kịp mặt bằng giá cổ phiếu. Tôi kỳ vọng thị trường nếu có sự điều chỉnh thì sẽ có sự phân hóa.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tuần rồi tôi có tham gia lướt sóng T+ nhưng chủ yếu là cổ phiếu sẵn có và tỷ trọng lướt sóng nhỏ. Với mức điều chỉnh vừa qua để nói đủ hấp dẫn mua và hay chưa thì với tôi là chưa đủ hấp dẫn để mua mới với tỷ trọng lớn, tôi sẽ đợi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hơn hoặc là đợi thị trường thay đổi xu hướng.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Nhiều cổ phiếu giảm sâu ở các phiên đầu tuần cũng là cơ hội cho việc “bắt đáy” giao dịch ngắn hạn trong tuần – cơ hội dành cho các nhà đầu tư nhanh nhạy và nhiều người cũng không đứng ngoài khi đã tận dụng để mua vào. Theo tôi vẫn có nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành nhóm VN30, đang trở thành mua đối với các nhà đầu tư thận trọng.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Tôi đánh giá thị trường ở thời điểm hiện tại vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi (1) mặt bằng định giá chung không còn rẻ; (2) các nhóm ngành nói chung và cổ phiếu dẫn dắt của các nhóm ngành đó chưa có sự đồng thuận cao trong khi xu hướng giảm điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Do đó, tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp và sẽ chỉ giải ngân trở lại khi thị trường xuất hiện tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn như một phiên bùng nổ theo đà (FTD).

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dưới góc nhìn thị trường vẫn đang trong giai đoạn giảm ngắn hạn và chưa sớm kết thúc. Các đợt hồi phục có thể chỉ là nhịp “tạm nghỉ” hoặc chỉ là nhịp “bull trap”. Do vậy, tôi vẫn giữ danh mục ở tỷ trọng thấp nhằm chuẩn bị không gian để tái gia nhập khi cơ hội thực sự tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
11.00 -0.25 (-2.22%)
32.65 -0.40 (-1.21%)
40.45 +0.10 (+0.25%)
64.30 +0.40 (+0.63%)
90.60 +0.10 (+0.11%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả