Xu thế chứng khoán ngày 20/3: Chốt lời những cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu
Chứng khoán ngày 19/3, sau phiên giao dịch chịu áp lực giảm điểm với thanh khoản ở mức lịch sử. VN-Index trong phiên hôm nay đã phục hồi nhẹ kiểm tra lại kháng cự quanh 1.250 điểm, vùng đỉnh giá cao nhất năm 2023 cũng như đường giá trung bình MA20 phiên hiện nay với thanh khoản suy giảm.
Kết phiên VN-Index giảm 1,10 điểm (-0,09%) về mức 1.242,46 điểm và đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá thấp các ngày 11-12/03/2024 quanh 1.235 điểm. HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,22%) về mức 236,16 điểm.
Độ rộng thị trường khá cân bằng khi nhiều mã phục hồi tốt sau áp lực điều chỉnh mạnh phiên trước với 327 mã giảm giá (6 mã giảm sàn), 302 mã tăng giá (06mã tăng trần) và 145 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 23.332.86 tỷ đồng được giao dịch, giảm mạnh 49,68% so với phiên đột biến kỷ lục gần 47 nghìn tỷ đồng trước, trên mức trung bình. Thể hiện thị trường phân hóa mạnh, nhiều mã phục hồi với thanh khoản giảm mạnh sau phiên giao dịch đột biến, áp lực bán cũng tiếp tục gia tăng với nhiều mã, nhưng thanh khoản suy giảm.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi bán ròng khá đột biến trên HOSE với giá trị 866,57 tỷ đồng trong phiên hôm nay, bán ròng khá mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép; bán ròng trên HNX với giá trị 35,66 tỷ đồng.
Thị trường vẫn có nhiều điểm nổi bật trong phiên hôm nay khi nhóm cổ phiếu thép có diễn biến tăng giá vượt trội với thanh khoản rất đột biến như NKG (+6,33%), VGS (+3,94%), HSG (+2,54%), TLH (+2,42%)... trước những thông tin cho rằng Bộ Công thương đang tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán nóng Nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Các cổ phiếu dầu khí cũng phục hồi khá tốt sau phiên giao dịch giảm khá mạnh, nhưng với thanh khoản suy giảm, mức độ phân hóa mạnh với PVB (+2,68%), PLX (+2,60%), PVS (+1,09%)... ngoài PVT (-1,72%), VIP (-0,44%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su một số mã cũng phục hồi khá tốt, thanh khoản duy trì trên mức trung bình như PHR (+6,61%), LHG (+3,43%), SIP (+1,56%)... ngoài các mã vẫn chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản giảm khá mạnh với VGC (-1,38%), TIP (-0,76%), IDC (-0,69%)...
Các cổ phiếu ngân hàng đa số vẫn chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước, dưới mức trung bình với OCB (-3,06%), VAB (-1,23%), BID (-0,77%), VIB (-0,67%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ như EIB (+1,09%), MSB (+1,06%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến khá tương tự, đa số tiếp tục chịu áp lực bán với thanh khoản giảm thể hiện lực cầu chưa gia tăng trở lại với VFS (-2,96%), EVS (-2,35%), VIX (-2,28%), VCI (-1,93%)... ngoài các mã phục hồi, thanh khoản dưới mức trung bình như WSS (+3,17%), BVS (+1,95%), HCM (+1,11%)...
Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản sau phiên giao dịch khá đột biến tích cực trong khi thị trường chung giảm mạnh đa số đã chịu áp lực điều chỉnh như NHA (-4,39%), HQC (-3,60%), CSC (-3,13%), HDC (-2,90%)... ngoài các mã tăng giá khá tích cực, thanh khoản trên mức trung bình với AGG (+4,55%), NTL (+3,91%), QCG (+2,48%), VHM (+1,90%)...
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Hạn chế việc gia tăng bình quân giá xuống
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Tuy đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng số nhóm ngành xanh điểm chiếm ưu thế hơn (13/21 nhóm ngành tăng điểm) và phần lớn chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ, trong khi đó áp lực bán vẫn duy trì ở nhóm lớn và nhạy với thị trường như: ngân hàng, bán lẻ, chứng khoán.
Biên độ biến động khả năng cao sẽ thu hẹp và chuyển sang giai đoạn sideway trong một số phiên tới. Ở thời điểm hiện tại, CSI vẫn giữ quan điểm thận trọng, hạn chế việc gia tăng bình quân giá xuống và ưu tiên vị thế quan sát, chờ VN-Index test ngưỡng hỗ trợ 1.180 - 1.200 điểm mới mở vị thế mua thăm dò.
Giằng co quanh vùng 1.245 - 1.250
Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Diễn biến giằng co mạnh của chỉ số cùng với thanh khoản sụt giảm nhiều so với phiên trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng. Về ngắn hạn, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự giằng co của chỉ số VN-Index quanh vùng 1.245-1.250. Nếu vượt qua mốc này, chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục và kiểm định vùng kháng cự 1.270 điểm.
Ngược lại, nếu lực bán của nhà đầu tư nước ngoài & Tổ chức trong nước tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tâm lý tiêu cực có thể sẽ lan tỏa đến nhóm nhà đầu tư cá nhân, từ đó kéo điểm số về vùng hỗ trợ gần là 1.230-1.235.
Về trung và dài hạn, điểm tích cực trong thời gian gần đây là thanh khoản thị trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ, và đây có lẽ sẽ là yếu tố thúc đẩy up trend của thị trường. Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản đang được xem xét, bối cảnh kinh tế năm 2024 đang dần khởi sắc…sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nắm giữ tài sản là cổ phiếu.
Chỉ số P/E của VN-Index hiện tại là 14,35 lần, trung bình trong quá khứ dao động quanh 12-17 lần. Định giá PB đang ở mức 1,8 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 2,1 lần.
Tiếp diễn vận động ảm đạm trong ngắn hạn
Chứng khoán DSC
Trong ngắn hạn, thị trường tiếp diễn vận động ảm đạm, neo trên vùng 1.240 điểm (đường viền cổ), sau tín hiệu rút chân hôm qua. Những biến động rung lắc lớn có thể xuất hiện sau kỳ đáo hạn phái sinh kết thúc.
Hiện tại, có 4/5 chỉ báo kỹ thuật tích cực. Chỉ số xác nhận tín hiệu phân kỳ 3 đoạn với chỉ báo RSI. Chờ trạng cân bằng của RSI quanh vùng 30-50 điểm trước khi nghĩ đến câu chuyện giải ngân mới.
DSC khuyến nghị nhà đầu tư hành động chậm, nắm giữ các vị thế đã khuyến nghị theo hệ thống của công ty.
Chốt lời những cổ phiếu cho dấu hiệu suy yếu
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dưới góc độ kĩ thuật, VN-Index ghi nhận phiên giao dịch trồi sụt quanh tham chiếu, nỗ lực để giữ lại cân bằng cho thị trường. Ở khung đồ thị ngày, VN Index vẫn bám sát đường trung bình động MA20, các chỉ báo xu hướng RSI và MACD vẫn đang hướng xuống cho thấy thị trường sẽ cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng trước khi bước vào nhịp tăng trung hạn mới.
Ở khung đồ thị giờ, đường ADX đang neo ở mốc 19 và DI- ở mức 30, cùng 2 chỉ báo RSI và MACD đang ở vùng thấp cho thấy xác suất thị trường tiếp tục xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh ngay trong ngắn hạn sẽ thấp và VN Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy sideway.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng và cân nhắc chốt lời đối với những cổ phiếu tiếp tục cho dấu hiệu suy yếu tại vùng đỉnh hoặc đã giảm dưới khu vực hỗ trợ. Bên cạnh đó, tận dụng những phiên rung lắc tích lũy để gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, thép, chứng khoán ở vùng giá tốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận