Vụ Louis Holding: “Kiểm tra nguồn tiền dễ quá, sao không làm”?
Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát luôn là tâm điểm và cần thiết trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng. Trong vụ án thao túng chứng khoán xảy ra tại CTCP Louis Holding, cơ quan tố tụng cho rằng dòng tiền bị hòa lẫn nên không thể bóc tách. Song các luật sư có ý kiến ngược lại…
Phiên tòa xét xử ông Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holding) và 7 đồng phạm đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử từ ngày 9/5/2023 và dự kiến tuyên án vào chiều 12/5/2023.
TẠI SAO KHÔNG TRUY VẾT DÒNG TIỀN?
Quá trình tố tụng, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị phạt bị cáo Đỗ Thành Nhân mức án từ 6-7 năm tù về tội Thao túng chứng khoán. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo – 9 tháng tù. Cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ liên quan đến hoạt động chứng khoán sau khi chấp hành xong hình phạt tù từ 2-3 năm.
Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Đỗ Thành Nhân và Công ty cổ phần Louis Capital phải nộp lại số tiền thu lời bất chính hơn 152 tỷ đồng.
Trước đề nghị của Viện kiểm sát, các luật sư đã có quan điểm về vấn đề dân sự. Luật sư Vũ Gia Trưởng đề nghị cần phải làm rõ dòng tiền 152 tỷ đồng, cần phân định rõ bị cáo Nhân phải nộp lại bao nhiêu, Công ty Louis Capital phải nộp lại bao nhiêu.
“Trong quá trình điều tra, truy tố, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa làm rõ dòng tiền về đâu. Tôi rất không đồng ý với quan điểm trong cáo trạng bởi lẽ bị cáo Nhân khai là đã chuyển một phần tiền lớn vào Công ty Louis Capital và số tiền này được sử dụng để mua bất động sản ở TP.HCM (80 tỷ đồng), 46 tỷ đồng còn lại nằm trong tài khoản ngân hàng công ty.
Chúng ta đều thấy để kiểm tra nguồn tiền này thì dễ quá, chỉ cần sao kê tài chính kế toán của Công ty Louis Capital là ra. Hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Louis Capital bản chất là “xác”, “vỏ”. Cổ phiếu BII là chỉ là cổ phiếu “rác”, vậy công ty lấy tiền đâu ra để mua bất động sản. Tại sao không truy vết số tiền này.
Nếu không truy vết, chúng ta vô hình chung biến đồng tiền bất hợp pháp thành hợp pháp và tạo tiền lệ nguy hiểm đối với các loại án về thao túng chứng khoán. Các đối tượng thao túng cứ chuyển tiền đi là xong”, luật sư Trưởng nêu quan điểm.
Luật sư Hồ Quốc Tuấn cũng đề nghị phong tỏa toàn bộ tài sản của Công ty Louis Capital để đảm bảo thi hành án sau này.
Trong những ngày xét xử, đại diện Công ty Louis Capital có đơn xin vắng mặt. Còn đại diện Công ty Louis Land thì không nắm rõ nội dung vụ việc.
Công ty Louis Capital (mã TGG), tiền thân là Công ty cổ phần xây dựng Trường Giang, còn Công ty Louis Land (mã BII) tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư.
Cuối năm 2020, ông Nhân đã gặp Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Trí Việt để tư vấn nhằm mua cổ phần chi phối, thâu tóm 2 công ty này tạo hệ sinh thái “Louis”. Từ ngày 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, ông Nhân sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đứng tên Nhân và các cá nhân là người thân, nhân viên của Nhân để “làm giá” cổ phiếu BII và TGG. Qua đó thu lợi bất chính hơn 152 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, đối với việc phân tích dòng tiền thu lợi, do tại thời điểm 4/1/2021 (xảy ra hành vi thao túng chứng khoán) và tại thời điểm 6/10/2021 (kết thúc hành vi thao túng) thì 16 tài khoản còn số dư cổ phiếu mã BII và TGG. Đồng thời số tiền thu lợi trên được chuyển vào các tài khoản ngân hàng, hòa lẫn vào số dư tiền gửi tại các tài khoản ngân hàng này và việc kinh doanh các cổ phiếu khác.
Do đó, Viện kiểm sát xác định “không có cơ sở để phân tích dòng tiền, bóc tách số tiền thu lợi hơn 152 tỷ đồng được sử dụng cụ thể như thế nào, sử dụng vào việc gì”.
NHIỀU BỊ CÁO CẤP DƯỚI BỊ LỆ THUỘC VÀO LÃNH ĐẠO
Theo luật sư Phạm Thị Thúy Đạt, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Thị Thúy Linh (giám đốc hành chính Công ty cổ phần Louis Holding) chỉ là nhân viên làm thuê. Bị cáo không hiểu biết và không có kiến thức về đầu tư chứng khoán nên vai trò của bị cáo Linh là người giúp sức thứ yếu và không hưởng lợi gì.
Ngoài ra, luật sư cho rằng, Linh là nhân viên bị lệ thuộc vào chỉ đạo của lãnh đạo công ty khi cho ông Nhân mượn giấy tờ tùy thân để mở tài khoản chứng khoán. Sau đó, bị cáo Linh giao lại tên tài khoản, mật khẩu để cho ông Nhân sử dụng, không biết ông này dùng tài khoản để làm gì.
Một số ý kiến luật sư khác cũng có chung quan điểm trên.
Quá trình xét hỏi, ông Nhân cũng cho rằng, với các cá nhân đứng tên hộ tài khoản, họ không được hưởng lợi gì và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch Louis Holding mong Hội đồng xét xử tuyên mức án thấp nhất vì gia đình gặp khó khăn, bị cáo là lao động chính, phải chăm sóc, lo việc học hành cho 6 con nhỏ, cha mẹ lại già yếu. Ông Nhân cũng gửi lời xin lỗi đến cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp vì sự nông nổi của mình mà làm ảnh hưởng đến họ.
Còn bị cáo Đỗ Đức Nam và Phạm Thanh Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Trí Việt, Công ty Quản lý tài sản Trí Việt) cũng nói đã nhận ra sai phạm và mong có bản án mang tính nhân văn.
Nhóm nhân viên Công ty Louis Holding và Công ty chứng khoán Trí Việt thừa nhận sai phạm, bày tỏ sự ăn năn hối cải, mong được giảm nhẹ hình phạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường