Vốn vay 'ế' khách
Tín dụng tháng 7 chững lại dù lãi suất liên tục giảm cho thấy giá vốn thấp không phải là động lực kích cầu vốn vay.
Lãi suất cho vay từng bước được ngành ngân hàng cắt giảm, song tăng trưởng tín dụng được dự báo khó có thể đột biến trong những tháng cuối năm nay. Đáng lưu ý, tín dụng tháng 7 vừa qua chậm lại so với tháng 6, dù nửa đầu năm tăng thấp. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 là 4,3% so với cuối năm 2023, trong khi cuối tháng 6 đạt mức tăng 4,7%, cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang suy giảm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, khi có điều kiện, cơ quan này sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên cơ sở giảm chi phí nhằm kích cầu tín dụng, qua đó góp phần hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp hết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng là 14%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn. Gói chính sách hỗ trợ ngành lâm thủy sản trị giá 15.000 tỷ đồng và cơ cấu các khoản nợ (hoãn, giãn) theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ được đẩy mạnh, bên cạnh việc kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, đẩy mạnh tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng là mục tiêu lớn nhất mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2023. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, nếu nhà băng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng có thể tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, BVBank cho rằng, lãi suất giảm là yếu tố cần để kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhưng chưa đủ, bởi kinh tế còn khó khăn, đơn hàng giảm, hàng tồn kho, sức cầu tiêu dùng yếu, xuất khẩu chậm…
Lãi suất hợp lý sẽ là động lực cho thị trường hấp thụ vốn, nhưng để tăng trưởng được tín dụng đòi hỏi nhiều yếu tố khác như yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, tình hình sức khỏe của khách hàng được cải thiện, các ngân hàng cung cấp trải nghiệm tốt cho khách hàng, bên cạnh đó là các chính sách, giải pháp hỗ trợ của cơ quan quản lý về tài chính, thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh…
Tuy nhiên, ông Lệnh thừa nhận, 7 tháng đầu năm nay, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vốn trong nền kinh tế thấp, khó khăn của thị trường, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn, nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận