Vốn cho lúa gạo đã đến lúc đi theo chuỗi liên kết
Vốn ưu đãi được ngân hàng cam kết “bơm” mạnh hơn cho ngành lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, để tận dụng được dòng vốn này, các chủ thể tham gia phải nằm trong chuỗi liên kết…
Dòng vốn cho lúa gạo thiếu và chưa hợp lý được một số doanh nghiệp cho rằng là nguyên nhân khiến ngành hàng chủ lực này ở ĐBSCL phát triển thiếu bền vững. Do đó, việc ngân hàng cam kết “bơm” vốn đầy đủ theo chuỗi giá trị liên kết được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn...
“Bắt tay” sản xuất lúa được vay vốn ưu đãi
Tại hội nghị “Triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” được tổ chức hôm 7-11 ở tỉnh Đồng Tháp, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hành Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh, vay theo chuỗi giá trị đối với ngành lúa gạo sẽ được ưu tiên, trong đó, nhiều ưu đãi được thiết kế trong gói tín dụng này.
Cụ thể, đối tượng tham gia chuỗi liên kết được vay với lãi suất thấp hơn ít nhất 1% so với lãi suất đang vay. “Trước mắt, giao Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, nhưng các ngân hàng thương mại khác cũng có thể tham gia”, ông nói.
Còn hạn mức vay sẽ được giải ngân theo quy mô liên kết với thời gian phù hợp theo tiến độ của chu kỳ sản xuất/thu mua/chế biến/xuất khẩu lúa gạo, thậm chí cả tạm trữ.
"Với vốn trung và dài hạn ngân hàng thường e ngại do phải “huy động ngắn hạn cho vay dài hạn”. Tuy nhiên qua liên kết chuỗi, tức sản xuất có hiệu quả nên ngân hàng sẽ dễ xử hơn. Đặc biệt, có chỉ đạo từ NHNN, các ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn, thậm chí 3-4 ngân hàng liên kết tài trợ cho một dự án để giảm rủi ro”, ông Tú cho biết.
Khi tham gia vào chuỗi liên kết, bên cho vay và bên vay có thể không cần sử dụng tài sản đảm bảo, bởi từ chuỗi liên kết ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền. Rõ ràng, điều này cũng cần thay đổi, không nhất thiết đặt ra câu chuyện thế chấp bằng tài sản.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - đơn vị được chọn thí điểm cho vay theo chuỗi liên kết cho biết, thời hạn triển khai chương trình sẽ theo khung thời gian của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, tức giai đoạn đầu từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo từ 2026 đến 2030.
Theo Agribank, đơn vị này không hạn chế nguồn vốn giải ngân, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến quy mô giai đoạn từ nay đến 2025 là 10.000 tỉ đồng. “Chúng tôi đáp ứng đầy đủ nhu cầu các đối tượng tham gia đề án, không giới hạn quy mô vốn”, bà nói.
Các đối tượng được vay phải tham gia trong chuỗi liên kết, bao gồm cá nhân/hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… trong danh sách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.
Tất cả đối tượng ở từng khâu tham gia trong chuỗi liên kết đều được vay, chứ không phải doanh nghiệp làm đầu mối cung cấp tín dụng cho toàn chuỗi. “Chúng tôi cho vay theo chuỗi khép kín như mô hình thí điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, bà Bình cho biết.
Tuy nhiên, trường hợp đối tượng đã đăng ký tham gia chuỗi liên kết rút lui, sẽ không được hưởng ưu đãi theo chương trình cho vay 1 triệu héc ta nữa. “Trong chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có danh sách đơn vị tham gia và sau đó các tỉnh sẽ cập nhật đơn vị tham gia thêm hoặc rút khỏi, thì chúng tôi căn cứ vào đó để cho vay”, bà giải thích.
Thiết kế lại chuỗi giá trị lúa gạo
Việc khơi thông vốn được xem là bước đi cuối cùng trước khi đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL triển khai sản xuất trên diện rộng.
Để chuẩn bị cho sự tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi như nêu trên, trước đó, các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có bước “thiết kế lại” chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành lúa gạo vùng ĐBSCL mỗi năm có khoảng 24 triệu tấn lúa, nhưng từ nhà quản lý, doanh nghiệp đến nông dân luôn than phiền không có thương hiệu, thị trường bán chưa tốt.
Thực tế, cách đây hơn 10 năm, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/tổ hợp tác (mô hình cánh đồng mẫu lớn) được hình thành và duy trì trong thời gian dài, nhưng không có khả năng mở rộng. “Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng điều cơ bản nhất vẫn là không đủ tiền cho các thành tố tham gia vào chuỗi liên kết này”, ông Tùng cho biết.
Vị phó cục trưởng Cục trồng trọt cho rằng, mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ là chuỗi liên kết giá trị, tức bắt đầu từ xuống giống đến thu hoạch là hết, Điều này sự hạn chế thành viên tham gia dẫn đến bị đứt gãy. Trong khi đó, hiệu quả mang lại cho sản xuất lúa gạo ở chỗ nào? Ai là người cần tiền nhiều nhất? Tiền di chuyển trong chuỗi này thế nào cho phù hợp... là chưa rõ.
Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã “thiết kế lại” chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó, bố trí/sắp xếp lại, thiết kế lại chuỗi ngành hàng lúa gạo một cách hợp lý hơn. Điều này giúp các thành tố tham gia ngành hàng đều có thể tiếp cận một cách tốt nhất đối với sản xuất và đều có được những kết quả cụ thể cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Dẫn chứng vấn đề nêu trên, ông Tùng cho biết, đối với doanh nghiệp phân bón, khi đưa vào chuỗi hợp tác liên kết, doanh nghiệp đưa phân bón trực tiếp đến hợp tác xã. Điều này đồng nghĩa với việc xoá bỏ nhiều trung gian, giúp giá thành đến người sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với mặt hàng của họ, được thẩm định bằng bà con nông dân mà không phải qua các khâu khác, tránh được hàng giả, kém chất lượng.
Tương tự, đối với đầu ra lúa gạo, khi doanh nghiệp mua trực tiếp từ cánh đồng, đến nhà máy, xây dựng thương hiệu sẽ dễ hơn khi phải qua quá nhiều trung gian. “Tất nhiên, trung gian (thương lái) cũng có thể là những thành tố tham gia vào chuỗi liên kết ngành hàng này. Khi sắp xếp lại, chuỗi ngành lúa gạo được kiểm soát chặt chẽ để có chất lượng hơn”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 1.300 hợp tác xã lúa gạo, chiếm khoảng 52% số hợp tác xã của vùng, nhưng quy mô vốn nhiều nhất cũng chỉ 1 tỉ đồng và trung bình là 750 triệu đồng/hợp tác xã. Điều này có nghĩa, hợp tác xã không đủ nguồn lực tài chính để giải quyết giải đầu vào, đầu ra.
Từ vấn đề ở trên, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng lại chuỗi liên kết, mời gọi thêm doanh nghiệp phân bón, cơ giới hoá, thu mua cùng tham gia sẽ giúp áp lực nguồn vốn “rải đều” ra.
Rõ ràng, từ việc thiết kế lại chuỗi liên kết ngành lúa gạo cũng như sự đồng hành từ phía ngân hàng, chủ động được vùng nguyên liệu ít nhất trong 3-5 năm (từ 6-10 vụ sản xuất) lúa gạo sẽ ổn định về chất lượng, xây dựng được thương hiệu. Khi liên kết chặt chẽ, hiệu quả, thì việc sử dụng vốn đầu tư cho sản xuất sẽ mạnh mẽ hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An đề xuất, UBND các địa phương tham gia đề án 1 triệu héc ta phải đẩy mạnh phê duyệt dự án/phương án sản xuất. Bởi đây là căn cứ để ngân hàng xét duyệt cho vay.
“Khi dự án hoặc phương án được địa phương phê duyệt, tôi mong ngân hàng thương mại cũng phải vào cuộc vì hiện nay đã có hệ thống của NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương đồng hành rồi”, ông Bình kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận