menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

Vinmart về chung nhà Masan: Ai lợi - lợi ai?

Cuộc "bắt tay" giữa 2 tỉ phú đứng đầu Masan và Vingroup trong tuần được giới phân tích cho rằng sẽ mang lại cơ hội mới cho cả 2 tập đoàn trong mục tiêu theo đuổi những mảng kinh doanh riêng của mình. Vingroup sẽ rảnh tay hơn để tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tăng cường đầu tư vào công nghệ, còn Masan có thêm "cánh tay" để xây dựng đế chế hàng tiêu dùng của mình.

Toan tính của tỉ phú

“Chúng tôi có hệ thống phân phối mạnh hơn, nhanh hơn so với dự định”. Đây là những chia sẻ đầu tiên và gần như duy nhất của ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Masan Meat Life (MML) trong buổi giới thiệu đầu tư cổ phiếu ngành hàng thịt của tập đoàn Masan, khi được hỏi về hiệu ứng sau thông tin các siêu thị Vinmart, Vinmart+ sẽ sớm được sáp nhập vào công ty con của Masan là Masan Consumer Holdings (MCH).

Theo đó, dự kiến đến cuối 2019 thương hiệu thịt Meat Deli sẽ có mặt 136 siêu thị và 2.888 điểm bán hàng, trong khi kế hoạch đặt ra trước đó là mở 200 cửa hàng chính thức, 260 cửa hàng trong siêu thị và 1.200 đại lý trong năm 2020. Trước đó, theo con số công bố trong thông cáo báo chí về thỏa thuận sáp nhập, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và hệ thống cửa hàng VinMart và VinMart+ tại 50 tỉnh thành.

Ngành hàng thịt là một trong những ngành đang được Masan đẩy mạnh, bên cạnh danh mục sản phẩm khác như nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cháo, xúc xích, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng và nước uống đóng chai. Danh mục sản phẩm đa dạng, liên quan đến đời sống tiêu dùng hàng ngày nên câu chuyện phân phối trở nên rất quan trọng.

Hệ thống phân phối của Masan ngày càng rộng lớn sau khi tích hợp thêm nhiều kênh từ những thương vụ M&A khác nhau. Tập đoàn này cũng tỏ niềm tự hào vì có độ phủ lớn ở thị trường nông thôn, nơi đến 70% dân số Việt Nam sinh sống, trong khi ngành bán lẻ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh bán hàng truyền thống.

Trong thương vụ bắt tay giữa 2 tỉ phú mới đây, trên các diễn đàn có một số ý kiến cho rằng Masan có thế mạnh về phân phối hàng hóa từ trước đến nay, vậy tại sao giờ còn “gánh” thêm chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi? “Bản thân Masan cũng đang có nhu cầu phát triển chuỗi bán lẻ để giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi khác”, ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp lý giải.

Trong báo cáo thường niên của mình, Masan cũng từng nêu lên một rủi ro: “Chúng tôi dựa rất nhiều vào quan hệ với mạng lưới các nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Trong trường hợp các công ty đối thủ của chúng tôi chào mời các điều kiện thuận lợi hơn hoặc các ưu đãi lớn hơn cho các nhà phân phối của chúng tôi, các nhà phân phối này có thể lựa chọn chấm dứt các hợp đồng phân phối”.

Vinmart về chung nhà Masan: Ai lợi - lợi ai?

Nguồn: tác giả tổng hợp từ BCTC, BCTN các năm.

Theo ông Hòa, Vingroup đã đầu tư mảng bán lẻ giai đoạn đầu và kết nối “khá tốt” với chuỗi giá trị khi đầu tư từ mảng nông nghiệp đến mảng siêu thị bán lẻ. Việc sáp nhập, kết hợp với Masan sẽ giúp mảng bán lẻ có thể phát huy tốt hơn, trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận bán lẻ tăng trưởng có triển vọng.

Ở phía ngược lại, Masan có thế mạnh về sản xuất thực phẩm tiêu dùng và phân phối. “Nếu 2 bên mà kết hợp thì họ kiểm soát tốt hơn, từ đầu vào (mảng sản xuất thực phẩm của Masan và mảng nông sản của VinEco) cho đến phân phối (hệ thống phân phối hàng tiêu dùng của Masan) và cuối cùng là đầu ra (chuỗi bán lẻ Vinmart)”, ông Hòa bình luận.

Với Vingroup, đây cũng được đánh giá là thương vụ giúp “giảm tải” cho tập đoàn. “Về mặt quản lý thì giảm đi một mảng sẽ giúp Vingroup tập trung tốt hơn vào các mảng còn lại, trong khi Vingroup đang cần tập trung vào bất động sản và công nghệ, là 2 mảng lớn mà lại đang gặp khó khăn. Và việc giao cho Masan quản lý thì cũng có thể gọi là đã chọn mặt gởi vàng rồi”, ông Hòa bình luận.

"Nước cờ" thiệt hơn

Vinmart về chung nhà Masan: Ai lợi - lợi ai?

Tiềm lực phân phối của Masan.

Trong khi Vingroup “rảnh tay” thì về phía Masan, việc “gánh” thêm phần quản lý của chuỗi bán lẻ cũng là thách thức không nhỏ.

Giống như Masan phình to nhanh bằng cách thâu tóm nhiều thương hiệu đồ uống và thực phẩm đang phát triển, thương hiệu Vinmart nhanh chóng mở rộng quy mô dù chỉ mới chính thức bắt đầu từ năm 2014. Hoạt động mở rộng nhanh chóng đã kéo theo những khoản lỗ của Vingroup để phát triển kinh doanh bán lẻ. Dựa trên các báo cáo tài chính hợp nhất qua các năm, mảng bán lẻ của Vingroup qua các năm đều tích lũy những khoản lỗ đáng kể.

Chẳng hạn, năm 2018, ghi nhận từ mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup cho thấy khoản lỗ 5.121 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế của MCH là 3.894 tỉ đồng. Điều này cũng đặt ra sự lo ngại cho nhiều nhà đầu tư bình luận rằng Masan có thể phải “gánh” thêm phần lỗ từ hoạt động bán lẻ trực tiếp.

Tất nhiên, số liệu trong báo cáo tài chính chưa nêu rõ đầy đủ chi tiết, và cũng khó lòng có con số chính xác về kết quả kinh doanh của riêng siêu thị VinMart và VinMart+ vì nhiều khoản doanh thu và chi phí trùng lặp với nhiều mảng khác. Tuy nhiên, đằng sau những nước cờ mang tính chiến lược của các tỉ phú đô la đôi khi còn ẩn chứa nhiều câu chuyện khác.

Vấn đề “hợp tác” được đưa ra trong bối cảnh 2 tập đoàn có những mục tiêu mới, và một điểm chung rằng họ cần thêm nhiều vốn hơn để đầu tư. Việc mở rộng mảng mới, hay cắt bớt mảng cũ, đều là tiền đề để kêu gọi thêm nguồn lực đầu tư mới.

Chẳng hạn, với Masan, hiện nay, tập đoàn dự kiến niêm yết ngành thịt trên sàn UPCoM ngay trong tháng 12, với mức giá niêm yết dự kiến 80.000 đồng/cổ phiếu. Mở rộng ngành thịt, hút vốn đầu tư hoặc “nâng cấp” hạ tầng phân phối của mình là cơ hội để Masan tạo ra doanh thu, lợi nhuận trong tương lai.

Vinmart về chung nhà Masan: Ai lợi - lợi ai?

Nguồn: MML

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng của Masan đang chậm lại. Theo báo cáo cập nhật cuối tháng 9 của Công ty Chứng khoán BSC, mảng tiêu dùng đang tăng trưởng chậm lại, trong khi giá nguyên liệu vonfram trên thế giới trong xu hướng giảm, còn ngành thịt lợn cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Riêng với tập đoàn Vingroup, vẫn còn nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ, chẳng hạn như Adayroi (mảng thương mại điện tử), hay VinPro (mảng bán lẻ hàng điện máy - công nghệ) rồi sẽ ra sao. Đây đều là những mảng đã được “tách” ra khỏi Vincommerce, trước khi “nhập” về với Masan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

76.90

-1.10 (-1.41%)

Biểu đồ mã MSN

42.55

+0.55 (+1.31%)

Biểu đồ mã VIC
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả