Vietnam Airlines sẽ họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 21/1 tới
Theo công bố từ Vietnam Airlines, Đại hội sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ; Báo cáo cập nhật về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025; Chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (mã HVN-HOSE) thông báo thư mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2025.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào 8h sáng, ngày 21/1/2025 tới đây. Danh sách cổ đông dự họp đã được chốt vào ngày 26/12 vừa qua.
Theo công bố từ Vietnam Airlines, Đại hội sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ; Báo cáo cập nhật về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025; Chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp; Phương án lựa chọn công ty kiểm toán Báo cáo tài chính giai đoạn 2025-2027 và các nội dung khác (nếu có).
Tuy nhiên, hiện các tài liệu chi tiết chưa được công bố.
Mới đây, Quốc hội đã cho phép Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu. Đồng thời cho phép Công ty thành viên của Vietnam Airlines Group là Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024…
Cụ thể: cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng khi cần đáp ứng các quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.
Trong đó, giai đoạn 1 cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện phần vốn của cổ đông Nhà nước) theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 01 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (trong đó, bao gồm phương án nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng; trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền;
Ngoài ra, Quốc hội cũng cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024.
Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12/2024. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
Nghị quyết nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, nội dung phương án đề xuất; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai các giải pháp này.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó xem xét, bố trí trong kế hoạch kiểm toán 2024 - 2025 việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam…, kịp thời có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường